TTCT - Áp lực nợ công được dự báo sẽ còn tăng mạnh với các nước đang phát triển. Việt Nam cần sẵn sàng cho những kịch bản xấu hơn hiện giờ. Ảnh: Reason MagazineTrong khi nợ công của Việt Nam hiện được đánh giá chưa phải là nỗi lo quá lớn, thì những diễn biến bất ổn ở khu vực châu Á, cũng như tình trạng nợ của khối FDI, doanh nghiệp nhà nước và sự yếu kém của hệ thống ngân hàng nói chung sẽ gây ra những áp lực lên tài chính khu vực công. Sự cẩn trọng và tiên liệu là không bao giờ thừa, nhất là trong hoàn cảnh đầy bất trắc hiện tại.Phải tung gói hỗ trợ y tế và kích thích kinh tế vì đại dịch, đối phó với khủng hoảng giá năng lượng, lạm phát, cộng thêm đồng USD lên giá, nhiều quốc gia đang phải đối mặt áp lực chi trả nợ công ngày một lớn.Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo nhiều nước đang phát triển ở châu Á có thể lún sâu vào nợ nần và đối mặt rủi ro từ các khoản nợ chồng chất. Sri Lanka không còn có khả năng trả nợ nước ngoài và lâm vào khủng hoảng kinh tế. Hay gần đây, các nhà đầu tư bắt đầu lo ngại Pakistan có thể gặp rắc rối khi đồng nội tệ giảm giá mạnh so với đồng USD.Việt Nam đang đi đúng hướngTrong bối cảnh thách thức hiện nay, có vẻ như Việt Nam đang làm khá tốt công tác đảm bảo nợ công ở mức an toàn. Hồi tháng 4, Phó thủ tướng Lê Minh Khái ký quyết định số 460 về phê duyệt chiến lược quản lý nợ công. Trong đó dự kiến đến năm 2030, nợ công không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP.Sự thận trọng hơn là không thừa khi nợ công trong các năm tới có thể tăng rất nhanh nếu Chính phủ muốn tập trung đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng như các tuyên bố về nhiều dự án cao tốc, sân bay hay các tuyến metro đắt đỏ. Cuối năm 2021, báo cáo của Chính phủ cho biết nợ công đang ở ngưỡng 43,7% GDP, tương đương 3,7 triệu tỉ đồng. Dự kiến trong 3 năm 2022-2024, Nhà nước sẽ vay thêm khoảng 500.000 - 646.000 tỉ đồng/năm. Đến 2024, tổng nợ công sẽ tăng lên đến 5 triệu tỉ đồng, tương ứng tăng 35% về quy mô so với hiện nay. Nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với thu ngân sách dao động trong 20-22% nếu kinh tế giữ được đà tăng trưởng tích cực.Dù vậy, áp lực lãi suất tăng dần thời gian tới có thể cản trở ít nhiều kênh huy động vốn bằng trái phiếu chính phủ. Ghi nhận của Chứng khoán Quân đội (MBS) cho thấy mức lợi suất trái phiếu chính phủ của Việt Nam đã tăng khoảng 0,4-1,3% so với một năm trước tùy kỳ hạn vào thời điểm tháng 6 năm nay. Mặt bằng lợi suất trái phiếu chính phủ đã không còn duy trì ở mức thấp, khiến điều kiện để Chính phủ huy động thêm nguồn lực cho các biện pháp kích thích kinh tế khó khăn hơn và có chi phí cao hơn.Nhu cầu huy động vốn trái phiếu trong năm 2022 sẽ ở mức cao khoảng 400.000 tỉ đồng do nghĩa vụ trả nợ đến hạn trong năm 2022 khá cao. Điều này sẽ khiến mặt bằng lợi suất trái phiếu Chính phủ chịu sức ép tiếp tục tăng khi nhu cầu từ các ngân hàng thương mại và nhà đầu tư nước ngoài có khả năng sẽ không mạnh mẽ như năm 2021.Cẩn trọng không thừaDù sao thì so với quá khứ và một số nước khu vực, nợ công của Việt Nam hiện an toàn hơn đáng kể và phần lớn nguồn vốn huy động cho ngân sách đến từ thị trường trong nước. Ngân hàng BNP Paribas nhận định nợ chính phủ của Việt Nam vẫn ở mức vừa phải. Năm 2022, giả định thâm hụt tài khóa tăng lên 5% GDP, nhưng nhờ nền kinh tế phục hồi mạnh hơn, tỉ lệ nợ công so với GDP sẽ hầu như không tăng. "Chính phủ đã không gặp khó khăn trong việc trang trải các nhu cầu tài chính trong hai năm qua, chủ yếu dựa trên thị trường trái phiếu trong nước với tỉ trọng trái phiếu phát hành bằng tiền đồng hiện chiếm 60% tổng nợ chính phủ", BNP Paribas nhận định.Bên cạnh đó, quy mô dự trữ ngoại hối đã tăng lên mức kỷ lục 109,4 tỉ USD vào cuối năm 2021 nhờ dòng vốn FDI lớn, làm dày thêm lớp đệm để chống sốc với các biến cố bất trắc bên ngoài và giúp Chính phủ vững tâm hơn trong việc thanh toán các nghĩa vụ nợ bằng ngoại tệ khi đến hạn.Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đầu tháng 4 đã nâng triển vọng của Việt Nam thành "tích cực" từ mức "ổn định" và tiếp tục giữ xếp hạng phát hành ngoại tệ dài hạn (IDR) ở mức BB. Triển vọng kinh tế của Việt Nam vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi của nhu cầu bên ngoài do mức độ mở cửa cao của nền kinh tế. Tuy nhiên, Fitch kỳ vọng lĩnh vực xuất khẩu sẽ tiếp tục phát triển tốt trong trung hạn, nhờ hưởng lợi từ khả năng cạnh tranh về chi phí của Việt Nam, chuyển hướng thương mại từ Trung Quốc và việc thực hiện các hiệp định thương mại quan trọng.Ngược lại với khu vực công, khối doanh nghiệp với các khoản nợ nước ngoài có thể gặp nhiều thách thức nghiêm trọng. Theo bản tin nợ công của Bộ Tài chính tháng 3-2022, tổng trả nợ vay nước ngoài của Việt Nam là 112,6 tỉ USD vào năm 2020. Theo ước tính của tiến sĩ Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện đào tạo và nghiên cứu BIDV, trong đó phần trả nợ nước ngoài của Chính phủ chỉ chiếm khoảng 3,1%, còn lại là nợ của doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp FDI - chiếm khoảng 75%.Nghiên cứu này giả định Chính phủ vay 40% là bằng đồng USD, doanh nghiệp vay 60-70% là bằng USD, còn lại là ngoại tệ khác. Khi lãi suất và tỉ giá USD tăng lên, nghĩa vụ trả nợ vay nước ngoài của doanh nghiệp sẽ tăng lên đáng kể, nhất là khối FDI. Do đó, Chính phủ cần theo dõi nghĩa vụ nợ nước ngoài khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất nhằm có những cảnh báo kịp thời, đồng thời tiếp tục điều hành tỉ giá và thị trường ngoại hối chủ động, linh hoạt nhằm ổn định tỉ giá, không để xảy ra những biến động quá đột ngột.Khối doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng còn gây nhiều lo ngại hơn nữa, được đánh giá là khu vực tiềm ẩn rủi ro hệ thống, có thể khiến Chính phủ phải can thiệp để ổn định hệ thống tài chính. Theo Fitch Ratings, những rủi ro về trách nhiệm pháp lý tiềm ẩn từ các vấn đề kế thừa nợ tại các doanh nghiệp nhà nước và sự yếu kém trong lĩnh vực ngân hàng là yếu tố quan trọng cản trở Việt Nam cải thiện vị trí xếp hạng.Bảo lãnh chính phủ rõ ràng đã giảm xuống mức 3,8% GDP vào cuối năm 2021 so với 4,6% vào năm 2020, nhưng những yếu kém về thể chế tiếp tục đè nặng lên tài chính công Việt Nam. "Chúng tôi cho rằng hệ thống ngân hàng vẫn còn những điểm yếu về cơ cấu, chẳng hạn như vốn hóa mỏng và báo cáo thiếu đầy đủ về các khoản cho vay có vấn đề", Fitch Ratings nhận định.■Chỉ số USD, đo lường tiền tệ so với rổ các đồng tiền của nó, đã tăng khoảng 16% trong năm nay, do FED tăng lãi suất nhanh hơn các ngân hàng trung ương lớn khác, hút dòng vốn đầu tư ngắn hạn trên thế giới quay trở lại Mỹ. Điều này cũng tạo ra thách thức cho các quốc gia vay nợ bằng ngoại tệ khi chi phí trả nợ trở nên đắt đỏ hơn. Tags: Nợ côngGiá USDGDP Việt Nam
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Chỉ còn 18% viên chức Đại học Quốc gia TP.HCM nhận lương từ ngân sách TRẦN HUỲNH 23/12/2024 Đại học Quốc gia TP.HCM tinh giản biên chế gần 10 năm qua với số viên chức nhận lương từ ngân sách nhà nước hiện còn 1.154 người (khoảng 18%).
Tình báo Mossad tiết lộ toàn cảnh kế hoạch tinh vi kích nổ máy nhắn tin và bộ đàm của Hezbollah THANH HIỀN 23/12/2024 Hàng nghìn máy nhắn tin và bộ đàm của các thành viên lực lượng Hezbollah đã đồng loạt phát nổ tại Lebanon vào tháng 9 vừa qua. Vì sao?
Chi tiết các bảng lương viên chức năm 2025 THÀNH CHUNG 23/12/2024 Tuổi Trẻ Online giới thiệu với bạn đọc thông tin chi tiết toàn bộ bảng lương viên chức dự kiến được áp dụng từ năm 2025.
Công bố Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2025 với nhiều nội dung mới TRỌNG NHÂN 23/12/2024 Ngoài tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp, năm 2025, báo Tuổi Trẻ tổ chức thêm ba ngày hội Tự tin vào lớp 10 tại TP.HCM và Hà Nội.