Vì sao USD tăng giá, nhận diện câu chuyện này thế nào và cần có chính sách gì để thích nghi với tình hình này, qua đó tìm ra hướng ổn định và phát triển? TS Trương Văn Phước, nguyên quyền chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đã chia sẻ cùng bạn đọc về vấn đề này.
Ông Phước nói sau nhiều phỏng đoán và kỳ vọng, hôm 1-5 Cục Dự trữ liên bang (Fed) Mỹ thông báo vẫn tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất quỹ liên bang (lãi suất qua đêm giữa các ngân hàng) của đồng USD ở mức 5,2 - 5,5%, không tăng thêm nhưng cũng chưa giảm như mong muốn của thị trường.
Kể từ tháng 7-2023 đến nay, Fed chưa hề điều chỉnh lãi suất mục tiêu, khác hẳn với giai đoạn 2022 - 2023 khi họ đã có 11 lần điều chỉnh để kiềm chế lạm phát. Mặc dù ông Jerome Powell, chủ tịch Fed, nói có ít khả năng Fed sẽ tăng thêm lãi suất nhưng thông điệp "lạm phát vẫn còn quá cao" của ông tại cuộc họp báo ngày 1-5 mang nhiều hàm ý Fed có thể tiếp tục kéo dài thời gian giữ mức lãi suất quỹ liên bang hiện nay do tỉ lệ lạm phát của Mỹ chưa trở về mức mục tiêu 2%.
Vì sao USD tăng giá?
Tuy nhiên, có phải là nghịch lý không khi mà bất kể việc Fed không thay đổi lãi suất quỹ liên bang từ tháng 7 năm ngoái tới nay nhưng tỉ giá đồng USD so với nhiều đồng nội tệ của các nước vẫn liên tục tăng? Tại Việt Nam, trong khoảng ba tháng gần đây, tỉ giá USD/VND đã tăng mạnh dù trước đó đã "quay đầu" giảm trong các tháng 11 và 12-2023.
Trong bốn tháng đầu năm nay, tỉ giá USD/VND của các giao dịch trên thị trường liên ngân hàng đã tăng khoảng 5% so với cuối năm 2023, đây là mức tăng nhanh nhất của tỉ giá USD/VND trong 10 năm qua. Nếu đặt mức tăng của tỉ giá USD/VND trong bối cảnh kinh tế hiện nay, kinh tế quý 1 tăng trưởng 5,66% so với cùng kỳ, tỉ lệ lạm phát bình quân bốn tháng đầu năm là 3,93% trong tầm kiểm soát, cán cân thương mại thặng dư, dòng kiều hối và vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng tốt, thì mức độ mất giá của VND thời gian qua là nhanh.
Để lý giải cho "nghịch lý" này, trước hết cần phải nhìn vào thực tiễn của nền kinh tế Mỹ gần đây. Thứ nhất, mặc dù Fed duy trì mức lãi suất cao để kiểm soát lạm phát nhưng tình hình kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng vững chắc với tốc độ 2,5% trong năm 2023, và trong tương quan so sánh với các nền kinh tế lớn khác của thế giới, Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn nhất và đang duy trì đà tăng trưởng sau đại dịch COVID-19. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế, tăng trưởng kinh tế của Mỹ năm 2024 là 2,1%.
Thứ hai, theo quy luật thị trường, đồng tiền nào có lãi suất cao thì sẽ khuyến khích dịch chuyển luồng vốn vào thị trường của đồng tiền đó. Thời gian qua, khi chứng kiến các xung đột địa chính trị đầy bất ổn với chiến sự tại Ukraine và xung đột tại Dải Gaza, nguồn tiền đầu tư trên thế giới đã tìm tới hai tài sản "trú ẩn an toàn" là vàng và USD. Giá vàng tăng thời gian qua cũng có một phần nguyên nhân vì giá USD tăng.
Mức độ tăng giá của đồng USD gần đây được thể hiện rõ qua USD Index (thước đo giá trị của USD với sáu loại tiền tệ của các quốc gia, đối tác thương mại lớn của Mỹ). So với thời điểm cuối năm 2023, đồng USD hiện đã tăng giá hơn 5%. Đầu năm nay, các nhà nghiên cứu về tỉ giá trên thế giới đã đưa ra mô hình biểu đồ tam giác của USD Index với ba góc tương ứng với ba mức của chỉ số này gồm thấp nhất (93), cao nhất (107) và trung bình (100).
Ở thời điểm hiện nay, USD Index là 106 và đã tăng 4,7% trong giai đoạn từ đầu năm tới ngày 1-5. Với mức chỉ số gần như đạt đỉnh này của USD Index, không ngạc nhiên khi nhiều đồng nội tệ đã mất giá so với đồng USD trong cùng khoảng thời gian này. Giới nghiên cứu tỉ giá thế giới nhận định trong thời gian tới USD Index sẽ tiếp tục dao động trong tam giác 93 - 100 - 107 này.
Khi xét đủ các tiêu chí đảm bảo cho việc lạm phát đang trên đà tiệm cận dần về mức mục tiêu 2%, Fed sẽ có cơ sở để hạ lãi suất. Theo tôi, việc Fed cắt giảm lãi suất trong năm nay sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian, có thể vào tháng 6 hoặc chậm là tháng 9.
Trở lại với quy luật kinh tế đã nói ở trên, một khi lãi suất đồng USD giảm sẽ thúc đẩy xu hướng thoái vốn khỏi thị trường Mỹ để chảy vào các thị trường mới nổi, cùng với đó áp lực tỉ giá đồng USD so với các đồng tiền khác sẽ dịu đi. Từ đó, có thể nhận định rằng sau Fed, ngân hàng trung ương các nước sẽ từ từ bước vào một chu kỳ mới với lãi suất giảm dần.
Chính sách nào phù hợp với Việt Nam?
Vậy tỉ giá tăng có ảnh hưởng tới tình hình lạm phát không? Theo tôi, điều này có thể nhìn nhận như một vấn đề của quy luật lượng và chất. Theo đó, nếu tỉ giá tăng kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định thì sẽ bắt đầu ảnh hưởng tới lạm phát trong nước thông qua các hiệu ứng nhập khẩu lạm phát.
Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam vào khoảng 350 tỉ USD/năm, nếu tỉ giá với đồng USD duy trì ở mức cao quá lâu sẽ ảnh hưởng tới sức mua đối ngoại và theo đó sẽ ảnh hưởng lên sức mua đối nội. Dù vậy, bây giờ mới chỉ sang tháng 5 nên cũng chưa thể nói lên nhiều tác động của biến động tỉ giá tới lạm phát.
Tuy nhiên, điều cần thiết lúc này là Ngân hàng Nhà nước cần thực hiện các biện pháp để giữ ổn định tỉ giá hối đoái trên cơ sở nhìn nhận tình hình kinh tế vĩ mô trong nước, các công cụ can thiệp của cơ quan quản lý và xu hướng biến động của đồng USD trong những tháng còn lại của năm 2024. Việc giữ được ổn định tỉ giá sẽ tạo nên niềm tin cho các chủ thể thị trường, từ đó tác động tới cung cầu ngoại tệ trên thị trường và quay trở lại giúp ổn định tỉ giá.
Để đạt được mục tiêu này, Ngân hàng Nhà nước cũng cần giữ ổn định tỉ giá trung tâm - tỉ giá được Ngân hàng Nhà nước công bố hằng ngày, dùng làm cơ sở để xác định tỉ giá mua vào và bán ra của các ngân hàng thương mại.
Tỉ giá trung tâm cần phải được giữ ổn định hơn nữa, bởi suy cho cùng khi lãi suất của VND cao thì cũng thể hiện sức mạnh của đồng tiền Việt Nam. Tỉ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố không chỉ đóng vai trò như một điểm neo giữ cho tỉ giá VND, giúp hạn chế những biến động mạnh do yếu tố cung cầu ngoại tệ trên thị trường, mà còn như một chiếc neo cho niềm tin của các chủ thể trên thị trường.
Khi tỉ giá trung tâm được giữ ổn định, doanh nghiệp và người dân có thể dự đoán được tỉ giá trong tương lai dễ dàng hơn, từ đó đưa ra các quyết định phù hợp, giúp thay đổi được cung cầu ngoại tệ trên thị trường theo hướng có lợi hơn cho cơ quan quản lý nhà nước. Nói cách khác, giữ ổn định tỉ giá trung tâm chính là công cụ "bảo hiểm tỉ giá" bằng cách tạo dựng niềm tin của thị trường vào điều hành thị trường của cơ quan quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần phát triển một thị trường ngoại hối chuyên nghiệp hơn, là một thị trường mà các thành viên tham gia vào đó được trang bị các công cụ để quản lý rủi ro tỉ giá hiệu quả như công cụ hoán đổi (swap), hợp đồng tương lai, quyền lựa chọn ngoại hối. Các công cụ này sẽ giúp bảo vệ doanh nghiệp và cá nhân khỏi tổn thất do biến động tỉ giá hối đoái.
Ở Việt Nam, câu chuyện bảo hiểm về rủi ro tỉ giá đã được nhắc đi nhắc lại nhiều năm qua, song nếu so với các nước trong khu vực, thị trường này ở ta vẫn còn khá non trẻ và chưa phát triển mạnh mẽ. Theo tôi, Ngân hàng Nhà nước cần tạo lập môi trường bảo hiểm rủi ro tỉ giá cho các ngân hàng thương mại, rồi tới lượt các ngân hàng thương mại cung cấp các sản phẩm bảo hiểm rủi ro tỉ giá cho doanh nghiệp và cá nhân.
Ông Trương Văn Phước
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận