Giá USD đã bật tăng mạnh trong ngày hôm nay, 19-3 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Với tỉ giá trung tâm hiện tại, các ngân hàng được ấn định giá bán USD cao nhất 23.939 đồng/USD, thấp nhất 22.545 đồng/USD.
Tuy nhiên, dù tăng nhanh, giá bán USD tại các ngân hàng vẫn cách biệt khá xa so với mức giá trần.
Vietcombank niêm yết giá bán USD ở 23.435 đồng/USD, tăng 65 đồng/USD so với cuối ngày hôm qua, tăng 125 đồng/USD so với hai ngày trước.
Tại Sacombank, giá bán còn tăng mạnh hơn, lên mức 23.456 đồng/USD. Trong khi BIDV và Vietinbank cùng niêm yết giá 23.435 đồng/USD. Như vậy so với mức trần cho phép, giá bán USD hiện đang thấp hơn 483 - 504 đồng/USD.
Giá mua USD tiền mặt cũng tăng khá mạnh lên sát mức 23.300 đồng/USD. Ghi nhận, giá mua USD tiền mặt thấp nhất tại các ngân hàng hiện khoảng 23.273 đồng/USD, cao nhất khoảng 23.295 đồng/USD.
Tại thị trường tự do, giá bán lên đến 23.700 đồng/USD, mua 23.580 đồng/USD.
Giá USD tại các ngân hàng tăng vọt do giá USD tăng trên thị trường quốc tế và Ngân hàng Nhà nước tăng mạnh tỉ giá trung tâm trong khi nhu cầu USD không đột biến. Trong khi giá USD tự do còn chịu tác động từ chênh lệch giá vàng trong nước - thế giới nên càng biến động mạnh hơn.
Giá USD tăng mạnh cũng đẩy giá các đồng ngoại tệ khác tiếp tục giảm sâu. Bảng Anh giảm 1.200 đồng, bán ra còn 27.000 đồng. Giá bán đôla Úc (AUD) ngày hôm qua còn ở mức 14.187 đồng/AUD thì nay chỉ còn 13.123 đồng/AUD, tương đương mức giảm 1.064 đồng/AUD.
Nếu so với mức đỉnh vào tháng 1 là 16.390 đồng, đến nay mỗi AUD đã giảm 3.367 đồng, tương đương 16,4%. Đây cũng là mức giảm kỷ lục trong thời gian qua.
Đôla Canada (CAD) cũng giảm 358 đồng, mua vào còn 15.619 đồng, bán ra 16.116 đồng. Đồng EUR bốc hơi 200 đồng/EUR, bán ra còn 26.087 đồng/EUR.
Nguyên nhân khiến các đồng ngoại tệ này giảm giá mạnh là do sự tăng giá của đồng USD. Đồng đôla Mỹ đã nhận được sự hỗ trợ lớn sau khi Chính phủ Mỹ công bố các gói kích thích kinh tế. Việc đồng bạc xanh mạnh lên khiến các ngoại tệ khác "yếu thế" trước USD.
Bên cạnh đó, dịch COVID-19 lan rộng ở nhiều quốc gia, nhiều nơi phải đóng cửa biên giới, hoạt động kinh tế đình trệ cũng là một trong những nguyên nhân khiến các đồng tiền bị mất giá.
Theo các chuyên gia, biến động giá các đồng ngoại tệ "lạ" những ngày qua khiến những người có nhu cầu cho con đi du học hay du lịch trong tương lai tranh thủ mua khi giá xuống mức thấp.
Tuy nhiên, tại Việt Nam nhu cầu mua đầu tư tích trữ không nhiều, người dân ít chuộng các đồng ngoại tệ "lạ" do giá các đồng ngoại tệ này biến động lớn, phụ thuộc hoàn toàn thị trường thế giới, rủi ro cao hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận