28/07/2019 09:36 GMT+7

Usain Bolt 'đứng xa' mà nhìn... Nguyễn Tý

NGUYÊN KHÔI
NGUYÊN KHÔI

TTO - Không thể so với ngôi sao lừng danh thế giới Usain Bolt trên đường chạy nhưng nhà vô địch quốc gia cự ly ngắn Nguyễn Tý (Khánh Hòa) lại bỏ xa VĐV người Jamaica trên sân cỏ.

Usain Bolt đứng xa mà nhìn... Nguyễn Tý - Ảnh 1.

Nguyễn Tý bên lứa U21 Khánh Hòa thi đấu ở Giải hạng nhì 2019 - Ảnh: N.K

Nói vậy bởi trong khi "tia chớp" Usain Bolt thử việc bất thành ở nhiều CLB bóng đá sau khi giã từ đường chạy thì sau khi rẽ sang bóng đá, Nguyễn Tý lại thi đấu rất tốt ở sân chơi chuyên nghiệp.

Từ nhà vô địch quốc gia cự ly ngắn...

Do anh trai chơi cho đội tuyển Phú Khánh cũ nên từ nhỏ Nguyễn Tý (sinh năm 1970) thường khoác áo đội bóng của trường thi đấu các giải. Năm 15 tuổi, thấy Tý có tốc độ, các thầy kêu anh thi chạy cự ly 60m ở giải điền kinh của trường.

Chỉ chạy chơi thôi, vậy mà Nguyễn Tý vô địch trường, vô địch huyện, vô địch tỉnh rồi toàn quốc, và đại diện VN đi thi quốc tế tại Tiệp Khắc (cũ). Trở về từ Tiệp Khắc, người đứng đầu trường năng khiếu thể thao tỉnh muốn Nguyễn Tý qua chơi bóng đá.

Nhưng HLV trưởng đội tuyển điền kinh tỉnh Nguyễn Thị Bạch Kim lại "khích": "Con chơi bóng đá thì tới khi nào mới được kiện tướng? Còn ở điền kinh, chỉ cần 2 năm thôi, con sẽ lấy kiện tướng quốc gia". Cũng cảm thấy "máu" với điền kinh nên Tý tặc lưỡi: "Thử 2 năm xem sao, có gì đâu phải sợ. Trẻ mà!".

Từ đó, cứ 4h45 sáng là Nguyễn Tý phải dậy khởi động và chạy từ 4 - 8km quanh đường Trần Phú ngay sát biển. 7h vào trong sân vận động tập kỹ thuật và chạy trên đường chạy.

"Không có ý chí thì quên đi vì có những buổi tập tôi không thể nuốt nổi khối lượng bài tập, ói ra mật xanh mật vàng... Nhưng nghe cô Bạch Kim động viên, tôi lại đứng dậy mà chạy vì lời hứa", Tý kể.

Nguyễn Tý tiến rất nhanh trên đường chạy. Ở Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc 1987, anh đoạt 3 HCV 100m, 200m và 4x100m, phá hai kỷ lục 100m và 200m. Chưa đầy 2 năm chơi điền kinh chuyên nghiệp, thành tích của Nguyễn Tý vượt luôn chuẩn kiện tướng quốc gia.

Anh được gọi vào đội tuyển quốc gia tập trung ở Nhổn (Hà Nội) những năm 1986-1988. Về thành tích quốc gia, Nguyễn Tý luôn giành thành tích nhất - nhì trên đường chạy tốc độ.

Năm 1993, nhận thấy cơ bắp có vấn đề, Nguyễn Tý quyết định dừng lại ở tuổi 23. Khi đó, đội Khánh Hòa vừa giành quyền tham dự VCK Giải hạng nhì, lãnh đạo muốn Nguyễn Tý gia nhập đội, trở lại với niềm đam mê của mình, anh gật đầu đồng ý.

Usain Bolt đứng xa mà nhìn... Nguyễn Tý - Ảnh 2.

Nguyễn Tý (bìa trái) cùng đồng đội ăn mừng HCV cự ly 4x400m Giải VĐQG 1988 và phá kỷ lục quốc gia - Ảnh: NVCC

... đến trung vệ "dai như đỉa"

Lúc này, dù nền tảng thể lực có thừa nhưng kỹ thuật bóng đá là một thách thức không nhỏ với Nguyễn Tý vì anh chưa qua trường lớp bài bản nào.

Có trận đá tập nội bộ, anh phạm lỗi đến hai lần trong vòng cấm. Tốc độ của một VĐV cự ly ngắn giúp Nguyễn Tý đuổi kịp Hoàng Anh Tuấn - vốn là cầu thủ khéo và có tốc độ, nhưng cái sai của anh là phạm lỗi ngay thay vì rà theo, đeo bám chờ cơ hội cản phá.

Không chịu bỏ cuộc, Tý tự nhủ phải khắc phục sớm các điểm yếu nhằm có thể tìm được một vị trí chính thức. Biết mình thiếu kỹ thuật và sự mềm dẻo, Nguyễn Tý lao vào tập luyện thêm vào mỗi sáng sớm. 4h30 sáng mỗi ngày, anh dậy tập các bài tập làm dẻo, tập kỹ thuật rồi chạy biển.

Sau đó lại tiếp tục tập tâng bóng, dẫn bóng qua cọc... rồi mới đi ăn sáng, chờ vào buổi tập chính thức của đội. Thậm chí khi đã có vị trí chính thức, anh vẫn giữ thói quen tập thêm vào sáng sớm như thế.

Mặt khác, anh còn nghiên cứu điểm mạnh yếu của tiền đạo mà mình sẽ đối đầu để tính toán cách chơi nhằm có thể giành chiến thắng. Vì thế, Nguyễn Tý khiến nhiều tiền đạo ở Giải hạng nhất hay V-League trước đây ngán ngẩm vì không chỉ nhanh mà còn đeo bám "dai như đỉa".

Nói về chuyện này, anh cười: "Đối đầu với Huỳnh Đức, làm sao tôi tranh chấp bóng bổng được. Nên khi bóng được rót bổng vào trong vòng cấm, tôi áp sát đụng nhẹ lưng Huỳnh Đức rồi lùi ra 2 bước chờ truy cản quả tiếp theo.

Hoặc khi kèm Hồng Sơn, chỗ nào tôi sẵn sàng cho anh ấy "xỏ kim", và chỗ nào thì cần phải kiểm soát. Vì ở gần giữa sân, Hồng Sơn "xỏ kim" cũng không thể vượt qua tôi khi đua tốc độ. Còn ở gần vạch 16m50, tôi đứng chân trước chân sau chờ đối phó".

Cười khi được so sánh với "tia chớp" Usain Bolt về chuyện đá bóng, Nguyễn Tý phân tích vì sao anh thành công: "Đâu phải chạy nhanh là đá bóng được.

Chạy điền kinh là chạy đường thẳng, còn bóng đá đang chạy tốc độ cao thì giật lại, chuyển hướng. Tôi phải tập một tháng trời, tập mềm dẻo để xoay xở, chứ cứng như khúc gỗ thì sao đá bóng được, bên cạnh đó còn là năng khiếu bóng đá".

Vui với công tác đào tạo trẻ

Trong thời gian gắn bó với bóng đá, Nguyễn Tý từng vài lần chuyển sang công tác huấn luyện trẻ vì chấn thương tưởng chừng không thể hồi phục hoặc sau khi CLB Khánh Hòa rớt hạng V-League 2001. Và bước ngoặt làm bóng đá trẻ của anh bắt đầu từ năm 2013, khi CLB Khatoco Khánh Hòa giải thể và được chuyển giao về Hải Phòng sau V-League 2012.

Ở CLB Khatoco Khánh Hòa, Nguyễn Tý với vai trò trợ lý cũng nhận lương gần 30 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể tiền thưởng thắng trận và tiền thưởng ngày lễ...

"Thời điểm đó, tôi nhận hơn 1 tỉ đồng/năm là chuyện bình thường", anh nhớ lại. Khi đội giải thể, anh cũng được mời ra Hải Phòng làm trợ lý cho HLV Hoàng Anh Tuấn với chế độ đãi ngộ hấp dẫn. Tuy nhiên, anh quyết định ở lại quê nhà làm đào tạo trẻ để gần gũi với gia đình dù biết rằng thu nhập sẽ giảm rất nhiều.

Thế là Nguyễn Tý chỉ nhận tổng cộng hơn 9 triệu đồng/tháng cho việc huấn luyện lứa U15 năm 2013. Và hiện giờ, thu nhập ấy cũng chỉ tăng thêm đôi chút vì bậc lương nhà nước không nâng được bao nhiêu.

Nhưng với anh, nhìn lứa học trò nhỏ của mình trưởng thành qua từng năm (2 lần giành quyền tham dự VCK U15 và U17 quốc gia, 1 lần vào VCK U19 quốc gia) là niềm hạnh phúc.

Lứa học trò ấy giờ đã là lứa U21 và đang cùng Nguyễn Tý chinh chiến ở Giải hạng nhì quốc gia 2019 để cọ xát, tích lũy kinh nghiệm chuẩn bị cho lứa kế cận của bóng đá chuyên nghiệp Khánh Hòa.

Bolt và giấc mộng không thành

Từng giành đến 8 HCV Olympic, "tia chớp" Usain Bolt từng có thời gian thử việc ở CLB Borussia Dortmund (Đức), Mamelodi Sundowns (Nam Phi), Stromsgodset (Na Uy), Central Coast Mariners (Úc). Nhưng anh đều bị đánh giá là không đủ trình độ thi đấu đỉnh cao.

Sau đó, Bolt quyết định chia tay với giấc mơ bóng đá vào đầu năm 2019.

Dạy bơi để "nuôi" bóng đá

Vợ Nguyễn Tý - chị Hoàng Thị Huyền Nga - đang là HLV đội tuyển điền kinh tỉnh và là phó giám đốc Trung tâm huấn luyện thể thao Khánh Hòa.

khoi2581 2(read-only)

Quán cà phê có hồ bơi mà HLV Nguyễn Tý thuê kinh doanh - Ảnh: N.K

Dù vậy, với thu nhập của hai vợ chồng, cuộc sống của họ cũng không dư dả. Để có thể theo đuổi nghiệp đào tạo trẻ, Nguyễn Tý lại xoay thêm công việc kinh doanh.

Anh thuê mặt bằng mở quán cà phê có hồ bơi để kết hợp dạy bơi cho các em nhỏ. Đây cũng là thu nhập chính của anh cùng gia đình.

Cựu vô địch điền kinh bị phát hiện dùng doping

TT - Asbel Kiprop, VĐV chạy 1.500m nổi tiếng người Kenya, đã bị Cơ quan Liêm chính điền kinh (AIU) xác nhận dương tính với chất cấm EPO trong một mẫu thử được lấy vào cuối năm 2017.

NGUYÊN KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên