Nhiều dự án y tế được USAID tài trợ
Liên quan đến lĩnh vực y tế, trong giai đoạn từ 2014-2024, USAID đã triển khai 16 dự án hỗ trợ tại Việt Nam với kinh phí khoảng 90 triệu đô la. Trong đó, chủ yếu là các dự án về phòng chống bệnh lao, HIV/AIDS.
Trên nội dung lưu trữ của USAID về các dự án tại Việt Nam cho thấy USAID bắt đầu hỗ trợ các chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam từ giữa thập niên 1990. Tháng 6-2004, ngân sách phòng, chống HIV/AIDS cho Việt Nam tăng lên trong khuôn khổ kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng chống HIV/AIDS (PEPFAR).
USAID đã phối hợp cùng Chính phủ Việt Nam hỗ trợ các hoạt động can thiệp HIV hiệu quả để tiếp cận và xét nghiệm cho các nhóm nguy cơ cao. Đồng thời tiến hành điều trị và duy trì điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) cho những người nhiễm HIV; hỗ trợ thuốc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP).
Đối với chương trình phòng chống lao, bắt đầu từ năm 2019, USAID đã hợp tác với chương trình Chống lao quốc gia để hỗ trợ Chính phủ Việt Nam phát hiện, điều trị và dự phòng bệnh lao. Một trong những hợp phần quan trọng là tăng cường hoạt động phát hiện ca lao và lao tiềm ẩn thông qua cập nhật và xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật quan trọng.
Mới đây nhất, tháng 1-2025, dự án USAID hỗ trợ chấm dứt bệnh lao đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng ba hướng dẫn kỹ thuật nhằm tăng cường hoạt động phát hiện ca lao và lao tiềm ẩn.
Dự án phòng chống bệnh lao, HIV/AIDS bị ảnh hưởng
Theo thông tin từ USAID, các dự án sẽ bị tạm dừng 3 tháng và sẽ có thông báo tiếp theo. Dự án PEPFAR đang hỗ trợ chi phí như dịch vụ xét nghiệm HIV, tư vấn và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP).
Trong đó, thuốc PrEP phần lớn từ nguồn tài trợ nên khi dự án tạm dừng cũng sẽ có những khó khăn nhất định. Đối với điều trị ARV (thuốc có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của vi rút HIV trong cơ thể giúp cho người nhiễm HIV có thể tiếp tục cuộc sống bình thường) đã được bảo hiểm y tế chi trả.
Hiện Việt Nam vẫn tiếp nhận các nguồn hỗ trợ khác, duy trì các dự án đang thực hiện.
Theo đại diện dự án PEPFAR tại Việt Nam, dự án phòng, chống HIV/AIDS chi trả các chi phí dịch vụ xét nghiệm HIV, tư vấn và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP).
Hiện nay, thuốc PrEP vẫn còn tại các cơ sở do nguồn thuốc tài trợ từ năm 2024 vẫn còn. Như vậy, khi dự án tạm dừng người dân phải tự chi trả chi phí xét nghiệm và tư vấn. "Chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi các thông tin liên quan đến dự án trong thời gian tới", vị này cho hay.
Đối với các chương trình phòng chống lao, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đinh Văn Lượng, giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, ban điều hành chương trình Chống lao quốc gia cho hay cũng đã nhận được thông tin tạm dừng các dự án do USAID tài trợ.
Ông Lượng nói những năm qua các dự án của USAID đã đóng góp rất lớn vào công tác phòng, chống lao tại Việt Nam. "Đây là nguồn tài trợ rất lớn cho các chương trình chống lao. Việc USAID tạm dừng hoạt động là điều đáng tiếc.
Chương trình Chống lao quốc gia cũng đã có dự báo về việc các nguồn tài trợ từ nước ngoài sẽ giảm dần. Vì vậy chúng tôi đã xây dựng hệ thống phòng, chống bệnh lao trên 63 tỉnh, thành phố từ các bệnh viện đến địa phương. Công tác phòng, chống bệnh lao vẫn được đảm bảo.
Khi nguồn tài trợ từ nước ngoài giảm sẽ phải tính toán để thực hiện công tác phòng bệnh từ các nguồn khác", ông Lượng chia sẻ.
Theo thông tin trên website chính thức của USAID từ ngày 7-2, tất cả nhân viên USAID sẽ được nghỉ phép hành chính trên toàn cầu, ngoại trừ nhân viên được chỉ định chịu trách nhiệm về các chức năng quan trọng, lãnh đạo cốt lõi và các chương trình được chỉ định đặc biệt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận