Vỏ thuốc được lấy ra sau khi phẫu thuật cho bệnh nhân - Ảnh: BVCC
Bệnh nhân là bà T.L. (48 tuổi), nhập viện tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) trong tình trạng đau bụng dữ dội.
Sau khi thăm khám và chụp CT-scan vùng bụng, các bác sĩ phát hiện trong ruột non của bệnh nhân có một dị vật đâm thủng ruột gây nhiễm trùng ổ bụng. Đồng thời qua khám sàng lọc cũng phát hiện bệnh nhân bị mắc COVID-19.
Khi được hỏi thăm bệnh sử, bệnh nhân mới sực nhớ ra 3 ngày trước, do lơ đễnh đã uống một viên thuốc còn nguyên vỏ bọc. Sau khi uống, do không thấy có triệu chứng gì khó chịu nên đã không đi khám cho đến tối ngày thứ 3 khi xuất hiện các cơn đau bụng mới nhập viện.
Bệnh nhân được tiến hành mổ cấp cứu trong đêm tại phòng mổ dành cho bệnh nhân COVID-19. Các bác sĩ đã lấy ra một viên thuốc còn nguyên vỏ bọc với các cạnh sắc nhọn và tiến hành khâu lại ruột non bị thủng. Sau 3 ngày, sức khỏe bệnh nhân ổn định, hết đau bụng, tình trạng nhiễm trùng ổn định.
Bác sĩ Hồ Văn Phước - khoa ngoại tiêu hóa của bệnh viện - đánh giá đây là một trường hợp rất nguy hiểm vì ruột thủng, ổ bụng bị nhiễm trùng. Nếu ngay sau khi nuốt viên thuốc, bệnh nhân đến bệnh viện thì vấn đề sẽ được giải quyết đơn giản và nhẹ nhàng hơn nhiều. Lúc đó, bác sĩ chỉ cần nội soi dạ dày để gắp viên thuốc ra mà không cần phải phẫu thuật.
Theo bác sĩ Phước, việc bệnh nhân nuốt dị vật sắc nhọn không hiếm gặp trong cấp cứu tai, mũi, họng. Dị vật thường là xương cá, tăm tre, răng giả, viên thuốc còn vỏ bọc... Các dị vật này có thể gây ra tắc ruột, thủng ruột, xuất huyết tiêu hóa và rò tiêu hóa.
Một số biến chứng có thể dẫn đến viêm phúc mạc, hoại tử ruột, sốc nhiễm trùng, nhiễm độc ổ bụng, gây nguy hiểm đến tính mạng. Bác sĩ Phước khuyến cáo nếu nuốt dị vật, bệnh nhân nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế có thiết bị nội soi để được giải quyết sớm và nhẹ nhàng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận