Nào là Glucosamine trị đau nhức khớp; Centrum hoặc One a day women’s 50+ bổ sung nhiều loại vitamin và các chất chống oxi hóa, khoáng chất; viên dầu cá…
Người ta tổng kết rằng mỗi năm dân Mỹ tiêu tốn tới 7,5 tỉ đô la để uống các loại mà họ cho là “bổ”, khiến nhiều người Việt trong nước thấy vậy bèn học theo, dù trong đầu còn mông lung “chả biết nuốt vô chúng có chạy đến chỗ cần, hay lại đi lạc vào nơi phế thải thì chỉ tổ làm viêm màng túi!”.
Vai trò của vitamin và chất khoáng
Vitamin và chất khoáng chiếm một tỉ lệ rất thấp trong cơ thể, nhưng lại là những chất quan trọng không thể thiếu. Chẳng hạn: thiếu vitamin A ở trẻ có thể gây viêm giác mạc dẫn đến mù. Người lớn thiếu vitamin A gây khô mắt, nhìn mờ, quáng gà, giảm sức đề kháng. Thiếu vitamin C làm thành mạch giòn, dễ xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng; thiếu vitamin B1 gây tê phù, suy tim, thiếu vitamin D gây còi xương ở trẻ nhỏ và loãng xương ở người lớn; thiếu vitamin B12 gây thiếu máu, viêm dây thần kinh…
Chất khoáng chiếm khoảng 4% trọng lượng cơ thể, nó tham gia nhiều phản ứng hóa học và là thành phần cấu tạo của một số cơ quan. Thiếu can-xi làm xương mềm, loãng xương, co giật, thiếu kali gây loạn nhịp tim, thiếu natri gây mệt mỏi… Đọc đến đây nhiều người sẽ “à” lên một tiếng và thấy bà con bên trời Mỹ uống các viên bổ sung quả là cần thiết, chả trách ai từ bên ấy về trông cũng khác hơn ta.
Có cần uống những thứ “bổ”
Câu trả lời là “cần” với những trường hợp thiếu mà thôi. Chẳng hạn: phụ nữ mang thai phải uống thêm axit folic bổ sung để tránh thai nhi bị khuyết tật bẩm sinh, các cô gái rong kinh phải uống thêm sắt (iron) bổ sung, phụ nữ mãn kinh cần vitamin D và calcium để phòng chống gãy xương, những người có nguy cơ bị thoái hóa võng mạc cần uống thêm chất chống oxi hóa và kẽm (zinc), tóc rụng, chẻ ngọn, móng tay gãy cần dùng Biotin, các cháu suy dinh dưỡng cần uống thêm vitamin và chất khoáng.
Nhiều người được người thân gởi cho đủ loại thuốc bổ, rồi cứ thế mà mỗi ngày uống mỗi thứ 1-2 viên theo hướng dẫn trên hộp thuốc mà không biết mình đang cùng một lúc dung nạp 2 hay 3 sản phẩm giống nhau.
Chẳng hạn đã uống một trong hai loại Move Free Advanced hoặc Triple streng thì đâu cần đến glucosamine. Uống One a day women’s 50+ thì trong đó bổ sung đủ thứ rồi, chả cần vitamin E, C, A nữa (ngừa loãng xương nên dùng thêm Calcium D3). Người dị ứng tôm cua không nên uống Glucosamin (Ngay Glucosamine thì nên chọn Glucosamine Chondroitin có thêm sụn cá mập, chống thoái hóa khớp tốt hơn glucosamine đơn thuần). Viên dầu cá chứa vitamin A, D và omega 3, nếu đã uống dầu cá thì đừng uống multivitamin.
Uống tá lả, coi chừng bổ… ngửa
Một thời ở ta người người uống vitamin E để chặn đứng quá trình lão hóa. Tại Đại học Washington một nghiên cứu nghiêm túc thông báo rằng: Nếu bạn uống 400 đơn vị vitamin E thì được, nhưng nếu uống hơn 400 đơn vị mỗi ngày liên tục 10 năm thì tăng nguy cơ ung thư phổi, đặc biệt ở những người hút thuốc. Chưa kể dùng liều cao vitamin E có thể gây đột quỵ do xuất huyết não ở những người có tăng huyết áp không kiểm soát được.
Nếu dùng liều cao vitamin A liên tục sẽ tăng nguy cơ ung thư gan, ung thư phổi và giảm mật độ xương. Quá liều vitamin A có thể làm mắt mờ, nhức đầu, nôn mửa và còn gây tổn hại cho gan, xương, hệ thần kinh trung ương.
Vitamin B6 thường dùng để điều trị tình trạng chóng mặt và rối loạn tiền đình. Khi dùng quá liều kéo dài có thể bị ngộ độc gây tổn hại hệ thần kinh trung ương. Nam giới uống 2 viên Centrum/ngày tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt lên 32% so với người chả uống viên nào (chỉ nên uống 1 viên là đủ). Niacin (vitamin B3) có thể dùng để trị cholesterol cao nhưng phải được bác sĩ theo dõi vì có tác dụng phụ làm tổn thương gan.
Giáo sư Robert Eckel (Đại học Colorado) đưa ra lời khuyên “trước khi dùng thuốc bổ, chúng ta hãy nên theo một chế độ ăn uống lành mạnh và quân bình”. Lành mạnh và quân bình tức là đừng ăn một thứ, không ăn quá nhiều thịt mà nên đa dạng thực phẩm. Đương nhiên phải là thực phẩm sạch. Ăn đúng ăn đủ tốt hơn uống thuốc bổ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận