01/08/2024 10:41 GMT+7

Uống sữa giúp chống chọi nắng nóng

Uống sữa sau khi tập thể dục cường độ vừa phải có thể giúp chịu được nắng nóng mùa hè, ngăn ngừa say nắng, theo giáo sư trường y Nhật Bản.

Theo giáo sư Hiroshi Nose, uống sữa giúp làm dịu cơ thể trước nắng nóng - Ảnh: EconomicTimes

Theo giáo sư Hiroshi Nose, uống sữa giúp làm dịu cơ thể trước nắng nóng - Ảnh: EconomicTimes

Theo giáo sư Hiroshi Nose thuộc Trường Y khoa Đại học Shinshu, Nhật Bản, thực hiện "bài tập có cường độ mạnh một chút" trong ít nhất 15 phút vào buổi sáng và buổi tối, khi nhiệt độ tương đối dễ chịu, sau đó uống 1-2 cốc sữa trong vòng 30 phút sẽ làm tăng lượng máu trong cơ thể. Đối với những người không thích sữa, có thể dùng sữa chua.

Khi lượng máu tăng lên, khả năng điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể cũng được cải thiện và nhiệt sẽ dễ dàng tản ra qua mồ hôi trên bề mặt da, giúp cơ thể chống chọi với cái nóng tốt hơn.

"Quá trình tổng hợp protein của cơ thể diễn ra ngay sau khi tập thể dục. Nếu bạn uống sữa có chứa protein, lúc này albumin (một loại protein) sẽ được tổng hợp ở gan. Sự gia tăng albumin sẽ dẫn đến tăng thể tích máu", giáo Nose giải thích.

Ông nói thêm rằng nếu một người tiếp tục tập thể dục với cường độ cao và uống sữa trong 1-2 tuần, thể tích máu sẽ tăng thêm 100-200ml.

Bản thân giáo sư Nose đã uống sữa sau khi đi bộ nhanh ít nhất 15 phút 4 ngày/tuần và cơ thể ông đã có khả năng chống chọi tốt hơn với cái nóng và có thể tận hưởng mùa hè một cách thoải mái.

Khuyến nghị được giáo sư Nose đưa ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ tăng cao tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Nhật Bản.

Hôm 29-7, giới chức Nhật Bản ban hành cảnh báo nguy cơ đột quỵ do nắng nóng ở mức nguy hại tại 38 trong tổng số 47 tỉnh trên cả nước, khi nhiệt độ dự báo có thể lên tới 40 độ C ở những khu vực này.

Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) cho biết một khối áp cao tiếp tục gây ra thời tiết nắng nóng chủ yếu ở miền Đông và miền Tây Nhật Bản. Trong đó, JMA đặc biệt lưu ý nhiệt độ có thể lên tới 40 độ C ở các thành phố Kumagaya, Kofu và Hamamatsu.

Cơ quan này dự báo nhiệt độ cao nhất trong ngày có thể lên đến 39 độ C ở các thành phố Saitama, Maebashi, Kyoto và Okayama và 38 độ C ở trung tâm Tokyo, Utsunomiya, Otsu và Kochi.

Nhà chức trách kêu gọi người dân bật điều hòa nhiệt độ khi cần thiết, thường xuyên bổ sung nước và muối, đồng thời tránh ra ngoài khi không cần thiết và tránh tập luyện thể thao khi nhiệt độ quá cao.

Hàn Quốc: Gần 1.000 người nhập viện vì bệnh liên quan nắng nóng

Người dân đi dưới nắng nóng ở Daegu, Hàn Quốc - Ảnh: YONHAP

Người dân đi dưới nắng nóng ở Daegu, Hàn Quốc - Ảnh: YONHAP

Ngày 31-7, các cơ quan y tế Hàn Quốc cho hay số người phải đến phòng cấp cứu do các bệnh liên quan đến nhiệt độ đã lên tới 1.000 người.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết 500 phòng cấp cứu trên toàn quốc đã báo cáo 995 bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến nắng nóng kể từ ngày 20-5, khi hệ thống giám sát bắt đầu hoạt động, cho đến ngày 28-7. Con số này, bao gồm 4 ca tử vong, tăng 3,4% so với con số 962 của năm 2023.

Năm nay, 29,5% bệnh nhân mắc bệnh liên quan đến nắng nóng là những người từ 65 tuổi trở lên và 78,7% là nam giới. Các tình trạng bệnh lý phát sinh do điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt chủ yếu xảy ra ngoài trời (82%) như tại nơi làm việc (29,3%) và cánh đồng (18,1%).

Các bệnh liên quan bao gồm say nắng, khiến hệ thần kinh trung ương, nơi điều hòa nhiệt độ cơ thể, mất kiểm soát do quá nóng, cũng như kiệt sức vì nóng, gây ra chuột rút cơ do thiếu muối, kali và magiê trong cơ thể do đổ mồ hôi quá nhiều, sau cùng là ngất xỉu do nhiệt hoặc do thiếu lưu lượng máu lên não.

Cơ quan y tế Hàn Quốc nhấn mạnh bệnh tật do thời tiết nắng nóng có thể phòng ngừa được và khuyến khích người dân thường xuyên uống nước, tìm nơi mát mẻ và hạn chế các hoạt động ngoài trời trong thời tiết nóng bức.

Cháy rừng khắp Nam Âu giữa nắng nóng dai dẳngCháy rừng khắp Nam Âu giữa nắng nóng dai dẳng

Tính đến ngày 18-7, các đám cháy rừng dữ dội đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 2 người và khiến 4 người bị thương ở phía nam châu Âu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên