Ương "sắp đặt"

DẠ NGÂN 21/03/2011 08:03 GMT+7

TTCT - Ương đến tìm tôi vẻ khẩn cấp (nó là bạn tôi, họa sĩ và nghệ sĩ đương đại, tên thật là Phương, ai muốn gọi tên thật thì gọi). Tôi biết thằng này chỉ có hai việc khiến hắn có dáng vẻ đó: bàn về tác phẩm và thèm uống rượu. Lần này thì cả hai.

Phóng to
Minh họa: Hoàng Tường

Sắp đặt với vô vọng

Tác phẩm dự định của Ương là một mớ những phong bì được xâu chuỗi bằng một sợi len dài đủ để cuốn quanh một cây cột lớn rồi tỏa ra bốn phương tám hướng (với lổn nhổn những phong bì, tạo nên một mạng nhện khổng lồ). Trung tâm của mạng nhện này là một chiếc phong bì đại tướng làm bằng giấy cactông màu đỏ.

- Đỏ hay là hồng? Có vẽ hình trái tim không?

- Tao đang cân nhắc - Ương đáp mà không hề nhận ra sự giễu cợt trong câu hỏi của tôi.

- Hay hình đồng tiền?

Ương vẫn không hề nhận ra điều gì lạ trong cách nói chuyện của tôi. Không hiểu sao một thằng kém nhạy cảm như nó lại có thể là nghệ sĩ?

Y tiếp tục huyên thuyên về việc phải dùng đến hàng chục cân len, vì không chỉ kết nối đám phong bì mà y còn muốn những sợi dây này quấn vào mọi người đi vào khán phòng. Sau này tôi biết Ly, một cô gái cũng làm nghệ thuật đương đại thích Ương, đã nằng nặc đòi “thầu” cái gói thầu len này, nhưng đó là chuyện về sau.

- Thế nếu có người không chịu?

- Tất nhiên sẽ phải thuyết phục. Tao đã có một số em xinh tươi tình nguyện làm việc đó.

Toàn bộ là những chi tiết của đời sống trẻ, công nghiệp. Trình diễn, sắp đặt, tương tác, email, phong bì... Tác giả cùng tâm tư với nhân vật, nhân vật đồng hành với người đọc thời @ và cách đưa đẩy một câu chuyện không cùng kiểu với truyện ngắn của những người đứng tuổi hoặc ưa thích cổ điển.

Đọc Lê Anh Hoài rất khó. Phải chịu khó đọc mới hiểu được tác giả. Và để cảm được càng khó hơn. Nhưng chính vì khó đọc mà chúng tôi muốn giới thiệu một phong cách và một kiểu tiếp cận dù những điều nhà văn quan tâm không xa lạ. Thời buổi của “định vị, bôi trơn, vô vọng” và của “loại nghệ sĩ tin vào sức mạnh vạn năng của nghệ thuật”.

Lần đầu tiên Lê Anh Hoài đến với bạn đọc của Tuổi Trẻ Cuối Tuần. Hi vọng nhà văn ưa thể nghiệm này được tin và được yêu.

Tôi hình dung cảnh tượng hàng đống người ăn mặc trang trọng và đám nghệ sĩ rất phong cách (đi xem triển lãm mà) lúng túng không biết xoay xở ra sao trong đám bùng nhùng được tạo ra bởi len và phong bì. Trời ạ. Nhưng tôi thấy hay hay. Phần lớn các tác phẩm nghệ thuật đương đại đều xuất phát từ những ý nghĩ kỳ quặc, thậm chí bệnh hoạn nhất trên đời - đấy là nhìn dưới góc độ người đời.

Gần đây có mốt tương tác, nói nôm na là tác phẩm nghệ thuật đương đại phải cố tạo ra sự liên quan đến khán giả, bằng hành vi nào đó. Sau đó, nghệ sĩ mong muốn người xem đồng cảm, đồng sáng tạo, đồng sàng đồng mộng với mình.

Có lần đi xem một cuộc trình diễn của Ương, tôi thấy thằng này ngồi trong một đống than, hoặc có thể gọi là vũng than vì có be bờ ngăn chặn một vùng nho nhỏ khoảng hơn một mét vuông, trong đó sền sệt thứ than bùn. Hai tay hắn cầm hai nắm than, mặt vô cảm. Tác phẩm không đề nên cũng khó đoán hắn định nói gì.

Tôi là người thợ lò, sinh ra trên đất mỏ? Hay là đời bần hàn chung chung? Hay đơn giản chỉ là hành xác, gọi một cách chữ nghĩa là thử thách sức chịu đựng của con người - việc mà nhiều nghệ sĩ làm, dưới ảnh hưởng của một dòng trình diễn xuất phát từ châu Âu.

Tôi tiến tới định chào hỏi nhưng chợt nhớ ra hiện hắn đã chuyển đổi thân phận thành tác phẩm chứ không còn là con người, nói chi đến thằng bạn mà tôi thân thiết, vậy nên đã là người hiểu biết thì tuyệt không thể chào hỏi. Tuy nhiên vì đã định chào nên trên mặt tôi vẫn khởi động và tiến hành dở một nụ cười. Nụ cười này phải phanh lại giữa chừng cũng khá là khó chịu, tuy không hẳn như đang vui thì đứt dây đàn, nhưng cũng gần bằng.

Chính vì sự khó chịu ấy chăng, hoặc do một niềm vui bất chợt, nên tôi đã cúi xuống bốc một nắm than lầy nhầy bôi vào mặt Ương. Mắt hắn hơi lóe lên nét giận dữ, nhưng ngay sau đó chuyển trở lại vẻ vô cảm của một pho tượng.

Hôm sau trên các báo mạng tràn đầy những hình ảnh khuôn mặt nghệ sĩ Ương lem nhem đầy than. Tương tác của tôi. Mà tôi đồ rằng dù tác phẩm của Ương định nói gì thì tương tác ấy cũng hết sức đúng đắn và có duyên. Và kể cả nó chẳng định nói gì hoặc không nói được gì thì việc tương tác ấy cũng làm cho tác phẩm sinh động hẳn.

Thế nhưng vài tờ báo mạng kia lại ra sức chê trách sự vô ý thức của những khán giả không hiểu biết, như thể tác - phẩm - mặt - mũi - Ương phải được bảo tồn nguyên vẹn kiểu như bức tượng David của Michelangelo.

- Thế tác phẩm của mày tên là gì?

- “Tình xa” được không?

- Sao không là “Nỗi nhớ” luôn đi!

- Mày nghĩ tao ngu thế?

Lần này thì tôi bị lừa, hóa ra thằng này không ngu như tôi tưởng. Hoặc giả hắn đã thông minh đột xuất trong thời gian mấy ngày chúng tôi không gặp nhau. Tên tác phẩm mà hắn định đặt là “Vô vọng”!

Nghệ thuật đi liền cuộc sống

- Chuyện mày với Miến thế nào rồi?

- Hết rồi!

Ương ủ rũ. Miến là đứa con gái có vẻ ngoài nhí nhảnh, xì tin kiểu hàng vạn đứa con gái rẻ tiền ngày hôm nay như vừa đi ra từ tạp chí (đắt tiền). Nó làm thơ, giọng điệu khá lạ. Ương tán được nó hôm hắn làm một tác phẩm video art có tên là “Thủy hỏa”, trong đó lẫn lộn những khuôn mặt người được xử lý kỹ thuật thành hai màu xanh và đỏ chạy trên màn hình bằng nhiều tốc độ khác nhau.

Con bé cho tác phẩm của Ương là xuất sắc, rất gợi cảm và giàu triết lý. Tôi thì chẳng thấy gì đặc biệt lắm, ngoài việc có nhiều khuôn mặt trông khá đặc biệt - kết quả của những lần đi chơi khắp nơi, chụp ảnh người làm tư liệu của Ương.

Miến là cách gọi của tôi. Tôi không thích bất cứ cái gì quá thơ mộng, kiểu như Mộc Miên - tên của con bé này, nhưng hình như đó là bút danh.

Mới đầu con bé này theo đuổi Ương, có thể nói như thế, trong quá trình hai tuần nó bị sét đánh (hoặc điện giật gì đó), nhưng rồi dần dần Ương yêu con bé này thật sự, nếu như coi những thích thú khác với những cảm xúc liên quan đến giường chiếu là tình yêu.

Ương thoạt đầu thì tưng tửng, sau hắn xúc - động - đậy thực sự. Ác hại thay, con bé kia sau cảm xúc bị điện giật đã tỉnh lại, trở thành một đứa con gái bình thường nhất trên đời, theo nghĩa biết cân nhắc thiệt hơn, chứ không thành nhà tiên tri kiểu bà Vanga.

Câu chuyện của Ương tuôn trào. Tôi bỗng hiểu lý do thực sự của việc hắn đến gặp tôi hôm nay.

Đợt tuôn trào của Ương:

Tao luôn tỉnh giấc lúc sáng sớm khi bóng hình con bé hiện lên. Hoặc tao tỉnh giấc vì mơ thấy con bé. Trong mơ nó luôn là một bóng hình có vẻ sầu não, nó nhìn tao vô vọng, ánh mắt của nó như nói anh hãy làm gì đi, anh hãy kéo em ra khỏi cái mà em đang muốn thoát ra. Nhưng tao không biết nó muốn gì thực sự.

Trong tao nổi lên sự căm hận, hãy cút xéo nhanh, cút về nơi cô gọi là lòng thương, là tình nghĩa, nơi cô thấy đầy kỷ niệm, những thứ rác rưởi thối hoăng mà cô ngỡ là ý nghĩa cuộc tình, thậm chí cuộc sống!

Rồi tao lại nghĩ dường như tao đã bỏ sót điều gì, còn những đoạn đường lẽ ra tao và con bé cần phải đi qua. Tao muốn nói với nó, em nhầm rồi, đó không phải là tình yêu, đó chỉ là xác chết thối rữa mà em cần hỏa thiêu hoặc chôn lấp.

Xác chết ấy đã chảy nước, đầy dòi bọ, thối hoăng và những con dòi bọ ấy sẽ bám chặt lấy em, không cho em yên, mùi thối tử thi sẽ đi sâu vào giấc ngủ, thậm chí giấc mơ của em, nó sẽ ám ảnh niềm vui nhỏ nhất của em...

Tôi hiểu được con bé kia đã có một mối tình, nếu như có thể gọi như thế, trước Ương. Và nếu như không có Ương, như mọi người nói, mối tình ấy vẫn cứ đẹp như mơ, như tờ giấy trắng không vẩn đục.

Tôi nhìn bạn tôi, nghệ sĩ Ương, cố hình dung ra hắn trong vai trò một vết vẩn đục, nhưng tôi chẳng thấy gì ngoài một khuôn mặt thiểu não hay có thể gọi là đau đớn. Thực lòng, tôi mong bạn tôi sớm vượt thoát khỏi tình trạng này. Mẹ, yêu là cái gì chứ, mà sao khổ sở thế?

À, đó, đó, đó là cái gọi là Vô vọng.

Tình hình là Ương liên tục viết những bức thư điện tử nhưng không gửi đến em Miến. Hộp thư của hắn đầy những thư nháp. Hắn nói con số lên đến gần 50.

Email là thứ gần như vô hình, còn lá thư kiểu truyền thống, viết hoặc in ra giấy cho vào phong bì thì ai cũng hiểu, bằng thị giác. Thì ra đó là nguồn gốc tác phẩm của Ương. Như vậy có thể nói tác phẩm này bắt nguồn từ cuộc sống và tình yêu.

Trò chơi của những email

Tôi nghĩ nếu hắn gửi những email này đi, cùng một lúc, có thể làm con bé kia phát điên trong trường hợp nó chịu đọc. Nhưng nhiều khả năng nó chẳng thèm đọc hết vì chỉ cần đọc một hoặc hai email, nó đã nhận ra những gì Ương định nói.

Có thể nó cũng hiểu những điều đó, nhưng hiểu không có nghĩa là nó sẽ quyết định đến với Ương. Con người ta sau khi bị sét đánh hay điện giật, dù không thành nhà tiên tri thì cũng phải khôn hơn lên. Tệ hơn, qua việc đọc email, với những điều khá siêu hình mà Ương đưa ra, nó lại nhận ra bản chất điên khùng của Ương và nó nhận thấy những điều mà nó được người ta bảo là đúng, quả là đúng. Con người ta với bản chất bất an, khó chịu đựng thêm một kẻ bất an nữa.

Nếu Ương không chơi trò lá thư không gửi, có thể y sẽ gửi đi từng email một, con bé trả lời. Câu chuyện sẽ chẳng đi đến đâu sau khoảng 2-3 lần trao đổi. Như vậy, Ương không thể có năng lượng để viết thêm và rồi đạt được con số kỷ lục những thư nháp kia.

Và nó cũng chẳng đủ sự dồn nén năng lượng để nghĩ ra một thứ sắp đặt như thế. Và thế giới mất đi một tác phẩm nghệ thuật. Tôi thì lại quan tâm đến điều này nhất.

Có một trò rất lý thú: Ương có gần 50 email chưa gửi, tại sao giờ đây hắn không gửi đi từng cái một theo thứ tự, với một nhịp độ kiểu như ba ngày một cái, bất chấp con bé kia có trả lời hay không. Và dù con bé trả lời như thế nào thì hắn vẫn gửi, như một cỗ máy tự động.

Việc đó không những là điên khùng mà còn có màu sắc bạo lực, pha trộn với lãng mạn. Đúng thứ cocktail phù hợp với khá nhiều phụ nữ. Chưa chừng đủ sức mạnh để con bé kia quay lại với Ương.

Với phụ nữ, cần đánh vào cảm giác chứ không phải là vào lý trí.

- Mày nghĩ cái gì đấy, có nghe tao nói không?

Thì ra tôi đã bỏ dở mạch tuôn trào của Ương để lan man trong trò chơi với những cái email. Nhưng tôi không lạ gì những cái Ương nói, dù không nghe tôi vẫn hiểu. Nhìn hắn đủ để hắn yên tâm, tôi bảo:

- Này, mày có cần tao mời con bé ấy đến xem triển lãm của mày không?

Ương cực lực phản đối, văng tục, chửi tôi là ngu, là không hiểu nó. Nhưng tôi biết nó rất muốn điều đó.

Quyền lợi của tình yêu?

Ương thuộc loại nghệ sĩ tin tưởng vào sức mạnh vạn năng của nghệ thuật trong việc hướng con người tới những điều thiện, lẽ phải và dĩ nhiên là cái đẹp. Hắn đang định đem tất cả những gì hắn nung nấu và gửi gắm vào tác phẩm, qua đó tác động vào công chúng, đặc biệt là con bé Miến.

Tôi thấy đấy là một hành trình ngu xuẩn, sến chuối. Nhưng thôi, bạn tôi đang đầy tâm trạng, thứ cảm xúc có thể tạo tác ra cái gì đó được gọi là nghệ thuật, thứ cảm xúc này còn hàm chứa tình trạng phá phách, đôi khi là phá hoại chính bản thân. Vì thế tôi không công kích nó nữa. Tôi chỉ hạ nhiệt nó bằng câu hỏi:

- Mày nghĩ sao nếu trong mỗi phong bì nhét vào đó một tờ tiền lẻ?

- Và tác phẩm có tên là Bôi trơn?

Thì ra Ương cũng đã nghĩ về điều này.

- Tên đó lộ liễu quá, có lẽ nên là Định vị.

Xã hội này được cấu tạo theo một kiểu bo chớp nhoáng, không sao, nếu nó lành mạnh. Vì sự phân chia và phân phối quyền lợi, nó là cái gốc của một xã hội. Sự phân chia quyền lợi có nhịp nhàng, thông thoáng thì xã hội mới hoạt động được nhịp nhàng, thông thoáng. Chưa nói đến văn minh hay văn hóa, hãy nói đến quyền lợi vật chất, lại càng chưa nói đến quyền lợi về văn minh hay văn hóa.

Tình yêu có phải là một thứ quyền lợi hay không?

Tôi thấy không tin tưởng gì vào cái gọi là sự giúp nhau trong cuộc sống của những đứa đang yêu nhau. Tình yêu vốn có sự ích kỷ cao độ và nấp sau những ánh mắt đắm đuối đều là những đứa bán hàng xén đổi tiền lẻ lấy tiền chẵn và tệ hơn, đổi tiền lẻ lấy tiền nát, nấp sau những lời đường mật thực ra đều là những đứa đi chợ mua hàng. Nhưng chúng không biết điều đó, chúng cứ thề bồi và đắm đuối với chính những thề bồi ấy.

Chúng đau khổ vì đứa người yêu đã phụ bạc chúng nay thờ ơ với chúng, kết án đứa ấy bằng đủ thứ từ ngữ tồi tệ mà không nghĩ đến chính chúng, khi không còn thấy người yêu hấp dẫn, tệ hơn, không còn đem lại sự an toàn và quyền lợi, chúng bèn giả trá lấy khuôn mặt cám cảnh, ra vẻ quan tâm, nói đến nghĩa vụ, nhưng thực ra trong lòng chúng coi như đó là món nợ.

Mẹ kiếp. Khi một đứa con trai bị đứa con gái đá, hắn sẽ mon men gợi lại những câu chuyện nghĩa tình, kiểu như: dù chúng ta xa nhau nhưng anh vẫn coi em là người em gái (nhưng trong thâm tâm hắn mong đứa em gái ấy vẫn yêu hắn, một kiểu tình yêu có lẽ là vô luân?), hoặc: chúng ta có thể không còn là người yêu nhưng chúng ta vẫn là bạn (hơi yếu thế), vẫn là những người thân (khá cảm động, nhưng dễ buồn nôn), vẫn giúp nhau trong cuộc sống (chờ đấy).

Nếu một đứa con gái bị đá nó sẽ tiếp tục gợi ý: em vẫn như người em, anh cứ giới thiệu bạn gái mới của anh đi (để nó thu thập những điểm yếu có thật và tưởng tượng làm món ô mai đắng chát tự nhấm nháp khoái trá), em vẫn là người bạn thân của anh mà, chúng ta sẽ duy trì tình cảm ấy suốt đời (thực ra là một ngày đẹp giời nó sẽ đầu độc cả đôi).

- Mày lại ngơ ngẩn cái gì đấy? Mày vẫn nhớ đến H.?

- Không...

Tôi có còn nhớ đến H. hay không?

Tôi chợt nhận ra trong tôi H. vẫn là người thân. Tôi vẫn mong H. coi tôi là người anh, người bạn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận