Nghiên cứu kéo dài ba thập kỷ do các nhà khoa học Canada thực hiện trên 100.000 người khỏe mạnh phát hiện ra nước có gas có thể gây ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe ra sao.
Công sức tập luyện "đổ sông đổ bể" vì nước có gas
Những người tham gia được chia thành hai nhóm.
Một nửa uống đồ uống có đường, được định nghĩa là "đồ uống có gas và ngọt (có hoặc không có caffeine), nước chanh và cocktail trái cây" hơn hai lần một tuần.
Nhóm còn lại hạn chế, hoặc chỉ "hiếm khi" chiêu đãi bản thân bằng một lon.
Mục đích của nghiên cứu, được công bố trên tạp chí Dinh Dưỡng Lâm Sàng Hoa Kỳ, nhằm tìm hiểu xem liệu hoạt động thể chất có thể loại bỏ nguy cơ mắc bệnh tim mạch đối với những người thường xuyên uống nước ngọt và nước có gas hay không.
Đáng buồn, kết quả cho thấy việc tập luyện cũng không bù lại được những tác hại do nước ngọt gây ra.
Các chuyên gia phát hiện những người uống đồ uống có đường hơn hai lần/tuần có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn, bất kể mức độ hoạt động thể chất của họ như thế nào.
Ngay cả những người đạt được chỉ tiêu tập luyện trung bình hàng tuần là 150 phút theo khuyến nghị từ Đại học Laval cũng không khắc phục được nguy cơ mắc bệnh tim mạch nếu đã uống nước ngọt.
Theo NHS, bệnh tim mạch là thuật ngữ chung chỉ các tình trạng ảnh hưởng đến tim hoặc mạch máu, có thể bao gồm đột quỵ, bệnh tim mạch vành và bệnh động mạch ngoại biên. Nhiều người cho rằng hai lon đồ uống có gas chỉ là một lượng nhỏ, nhưng thực tế vẫn có thể tàn phá sức khỏe.
Nước ngọt gây nghiện hơn rượu
Các nhà khoa học đã kiểm tra hoạt động thể chất của 100.000 người tham gia hai năm một lần. Bên cạnh đó, mỗi bốn năm, họ cũng được đánh giá sức khỏe tổng thể.
Giáo sư Jean-Philippe Drouin-Chartier, thuộc khoa dược của Đại học Laval, cho biết: "Hoạt động thể chất giúp giảm một nửa nguy cơ mắc bệnh tim mạch liên quan đến đồ uống có gas, nhưng không loại bỏ hoàn toàn.
Chiến lược tiếp thị thường thể hiện hình ảnh những người năng động tiêu thụ các loại thức uống này, gián tiếp nói rằng việc uống nước ngọt không gây ra tác động tiêu cực đến sức khỏe nếu bạn có hoạt động thể chất". Trong khi đó, các thức uống dành cho người ăn kiêng lại an toàn hơn vì lượng đường được giảm thiểu. Tuy nhiên, lựa chọn tốt nhất vẫn là nước lọc.
Lorena Pacheco, tác giả chính và nhà khoa học nghiên cứu, nhấn mạnh phát hiện sẽ góp phần vào các khuyến nghị và chính sách về sức khỏe cộng đồng, hạn chế người dân uống đồ uống có gas, cũng như khuyến khích mọi người đáp ứng và duy trì mức độ hoạt động thể chất đầy đủ.
Trước đây, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra tác hại của thức uống có gas, bao gồm gây rụng tóc, vô sinh và ảnh hưởng đến cảm xúc.
Hồi tháng 10-2023, Gaye Godkin, nhà dinh dưỡng học người Ireland, cảnh báo nước ngọt có gas khó bỏ hơn rượu, bởi chúng chứa hàm lượng đường và caffein cao - hai yếu tố gây nghiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận