CSGT Hà Nội xử lý trường hợp vi phạm do vượt quá nồng độ cồn cho phép-Ảnh: -TRẦN QUANG |
Khoảng 21g50 đêm 16-8, tổ tuần tra do thượng úy Nguyễn Thành Luân làm tổ trưởng tuần tra trên đường Võ Văn Kiệt (quận Ninh Kiều, Cần Thơ) phát hiện Đào Thanh Hưng (ngụ TP.HCM) điều khiển ôtô 60A-095.92 có dấu hiệu vi phạm nên yêu cầu dừng xe kiểm tra.
Mệt mỏi xử lý “ma men”
Kết quả đo nồng độ cồn là 0,501 mg/lít khí thở, vượt mức cao nhất theo quy định trên 0,4 mg/lít khí thở. Tổ tuần tra đã lập biên bản, với vi phạm này mức xử phạt là 17 triệu đồng, tạm giữ xe 7 ngày và tước giấy phép lái xe 5 tháng. Khi biết bị phạt 17 triệu đồng, ông Hưng thanh minh với lực lượng làm nhiệm vụ là uống có mấy chai bia sao phạt nặng vậy.
Năn nỉ không được, ông Hưng bỏ đi, không thèm ký tên vào biên bản vi phạm. Chỉ riêng trên đường Võ Văn Kiệt tối 16-8, lực lượng CSGT đã lập biên bản 6 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn.
Đại tá Nguyễn Văn Tám - trưởng PC67 - cho biết việc xử lý vi phạm nồng độ cồn từ 22g đến 4g sáng hôm sau đã được PC67 thực hiện từ năm 2015 và làm rất hiệu quả. Trong đợt cao điểm này, riêng tại quận Ninh Kiều, PC67 có 3 tổ gồm 20 CSGT tuần tra thường xuyên tuyến đường tập trung nhiều quán nhậu như: Nguyễn Văn Linh, Lê Lợi, Trần Văn Khéo, Đinh Tiên Hoàng, Võ Văn Kiệt.
“Vi phạm về nồng độ cồn tại Cần Thơ chủ yếu được phát hiện sau 21g, xử lý người vi phạm nồng độ cồn rất mất thời gian do họ không hợp tác. Lúc đầu họ năn nỉ, năn nỉ không được thì hù dọa nhưng chúng tôi vẫn kiên quyết xử lý” - đại tá Tám nói.
Trong khi đó, ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ trong đêm đầu tiên (16-8), lực lượng công an Đà Nẵng ra quân xử lý “ma men” đã gặp phải nhiều tình huống khá bi hài. Đại úy Lê Thế Chiến - trạm CSGT cửa ô Hòa Phước (thuộc PC67) - kể lại trường hợp vi phạm của ông V.Đ.V. (62 tuổi, trú Vĩnh Điện, Điện Bàn, Quảng Nam).
Khoảng 19g45, ông V. chở vợ đi từ Đà Nẵng về, khi đến Hòa Phước (Hòa Vang, Đà Nẵng) thì tổ công tác của CSGT tuýt còi mời vào đo nồng độ cồn. Người nồng nặc mùi cồn nên khi ông V. thổi vào máy đo nồng độ cồn đã vi phạm ở mức cao nhất là 0,4 mg/lít. CSGT yêu cầu ông V. xuất trình giấy tờ và lập biên bản vi phạm thì ông cũng đồng ý ký vào và nói: “Tôi biết tôi vi phạm rồi”.
Tuy nhiên, khi lực lượng CSGT tạm giữ phương tiện vi phạm thì ông V. nhất mực không giao mà “lè nhè” nói: “Tôi biết tôi sai. Nhưng phải trả xe lại để tôi chở vợ về chứ, nhà tôi còn có con nhỏ, ai trông nom thay”. Phải mất cả tiếng đồng hồ, đến 20g50 ông V. mới chịu để lực lượng CSGT nhờ xe khách cho quá giang về.
Đến sáng 17-8, ông V. cho biết do tối 16-8 ông ra Đà Nẵng dự đám tiệc nên uống hơi nhiều một tí. “Sáng ni dậy mở túi ra đọc cái phiếu xử phạt 3,5 triệu đồng tui tỉnh luôn. Từ nay chắc mỗi lần nhìn thấy chai bia là không dám uống nữa quá” - ông V. nói.
Sau đó ít phút, CSGT tiếp tục dừng xe một thanh niên tên N.T.H. để đo nồng độ cồn. Khi trung úy Nguyễn Trần Quang Vũ đưa máy vào thì anh này loạng choạng bập vô rồi nhả ra. Lực lượng CSGT phải nhờ một anh dân phòng đứng kế bên đỡ anh H. để thổi vào máy. Nhưng khi đút vô miệng, anh này ngậm miết không chịu thổi khiến lực lượng làm nhiệm vụ cũng toát mồ hôi.
Uống say nên đi taxi hoặc nhờ người thân đưa về
Ngày 17-8, các đội CSGT của Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an TP Hà Nội tiếp tục lập chốt trên nhiều tuyến đường để kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Một số lái xe sau khi nhậu ngà ngà say trong các quán bia hơi vẫn cố lên xe trong tình trạng không tỉnh táo, loạng choạng đi trên đường.
Vì nghị định 46 với mức phạt tăng nặng đối với hành vi này mới được áp dụng, nên nhiều tài xế phát hoảng khi thấy mức phạt lên đến 17-18 triệu đồng. Lực lượng CSGT cũng gặp không ít khó khăn bởi “người say” thường nêu nhiều lý do để đối phó, phản ứng, thậm chí có người khi bị dừng xe để kiểm tra còn “liều mạng” bỏ phương tiện lại và đi về.
Tại đường Lê Văn Lương (Q.Hà Đông), một tổ công tác lập chốt do đại úy Lưu Quang Trung, đội phó đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an đường bộ, đường sắt TP Hà Nội), trực tiếp chỉ huy, phát hiện chiếc ôtô bốn chỗ đi từ quán bia đến gần chốt. Tổ công tác ra hiệu lệnh kiểm tra, trên xe có sáu người đều đã nhậu xỉn. Tài xế xe là ông N.V.N. (53 tuổi, trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội).
Tiến hành đo nồng độ cồn, tài xế đã vi phạm 0,622 mg/lít khí thở. Theo nghị định 46 của Chính phủ, lái xe này sẽ bị xử phạt 16-18 triệu đồng, ngoài ra còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tạm giữ xe 7 ngày, tước giấy phép lái xe 4 -6 tháng. Có người lái ôtô chỉ uống một cốc bia cũng bị xử phạt tới 2,5 triệu đồng.
Trung tá Nguyễn Đức Huấn - đội phó đội CSGT số 4 - cho biết để xử lý triệt để, hiệu quả người vi phạm nồng độ cồn không chỉ xử lý từ các chốt CSGT, mà cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý thức người tham gia giao thông cũng như chủ nhà hàng, quán kinh doanh rượu bia. “Ví dụ như khi đã uống say thì nhờ người thân đưa về hoặc gọi taxi đi về nhà” - trung tá Huấn nói.
Sẽ xử lý cả hành vi không hợp tác Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Cục CSGT, Bộ Công an cho biết việc xử lý nồng độ cồn vượt quá giới hạn cho phép khi tham gia giao thông đang thực hiện trên cả nước, trong đó đợt cao điểm xử lý được thực hiện ở bốn thành phố lớn: Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng. Trong những ngày đầu ra quân, có nhiều trường hợp vi phạm không hợp tác, thậm chí bỏ cả xe để đi về, sẽ bị xử lý cả hành vi không hợp tác. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận