04/11/2016 09:40 GMT+7

Ươm mầm thiện để ngăn “hôi của”

PHƯƠNG LAN (Biên Hòa, Đồng Nai)
PHƯƠNG LAN (Biên Hòa, Đồng Nai)

TTO - Hơn 230 ý kiến phản hồi của bạn đọc về câu chuyện “hôi của” khi xe tải chở hàng gặp nạn trên quốc lộ 1D đoạn qua Bình Định sáng 1-11, ngoài việc lên án hành động phản cảm này, còn đề xuất những giải pháp để ngăn chặn tận gốc.

Phụ xe bất lực khóc khi hàng chục người dân lao vào lấy hàng hóa trên xe - Ảnh cắt từ clip
Phụ xe bất lực khóc khi hàng chục người dân lao vào lấy hàng hóa trên xe - Ảnh cắt từ clip

Sau sự kiện một số người dân lợi dụng vụ ôtô bị nạn rồi lao vào cướp bia ở vòng xoay Tam Hiệp (Đồng Nai) cuối năm 2013, báo chí đã lên tiếng và dư luận xã hội đã phê phán hành động vô cảm này.

Từ đó, đã nhiều vụ người dân nhiệt tình giúp người bị nạn chứ không “hôi của”, như chuyện người dân Quảng Nam giúp nhặt hàng tấn trái cây bị đổ ra quốc lộ, người dân TP.HCM nhặt bia và giúp dọn dẹp khi xe tải bị đổ bia chai xuống đường...

Vậy mà mới đây lại xảy ra vụ “hôi của” khi xe tải chở hàng gặp nạn trên quốc lộ 1D đoạn qua phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, vì sao?

Theo chúng tôi, hành động “hôi của” lúc người ta gặp nạn không phải là tính cách vốn có của người Việt. Nhân dân ta vốn dĩ có truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái đã thành bản sắc trong hàng ngàn năm qua. Điều đó được minh chứng vào mỗi mùa bão lụt như những ngày qua, người dân vùng lũ miền Trung luôn nhận được sự cứu trợ kịp thời của người dân cả nước.

Nhưng, như người ta thường nói, con người có hai cái túi, một túi để phía trước (cái túi xã hội), một túi để phía sau (cái túi cá nhân). Người tốt thì thường lấy của cái trong túi phía sau để chia sẻ với người khác. Còn người xấu thì thường lấy cái của người khác bỏ vào túi của mình.

Có lẽ, một bộ phận người Việt ta đã xem cái túi đằng sau lớn hơn nên luôn bỏ vào chứ không lấy ra. Họ đã xem lợi ích cá nhân quá lớn. Họ không được giáo dục bài bản ngay từ nhỏ, ít được tuyên truyền và kiểm soát bởi sức mạnh của dư luận, đạo đức xã hội cũng như pháp lý xã hội, nên họ dễ vì túng thiếu, vì tâm lý lây lan bởi những người xung quanh... mà a dua làm chuyện sai trái.

Hình ảnh “hôi của” khi người khác gặp nạn là một trong những hình ảnh xấu nhất làm ảnh hưởng đến truyền thống dân tộc vốn dĩ đã được xây dựng ngàn đời nay ở nước ta. Do vậy, mong rằng cơ quan chức năng cần thu thập thông tin và xử lý kiên quyết hành vi vô cảm này.

Bên cạnh đó cũng cần phải tuyên truyền, giáo dục trên các phương tiện truyền thông để cho đa số người dân coi đó là bài học đắt giá cần phải tránh.

Tuy nhiên, biện pháp gốc rễ vẫn là trang bị những bài học nhân nghĩa từ gia đình, từ làng xã và nhà trường. Nên thực hiện giáo dục đến từng người từ những năm tháng đầu đời và phải được rèn giũa, thực hành, kiểm soát, điều chỉnh hằng ngày thì mới trở thành tính cách tốt đẹp.

Việc ươm lại mầm thiện, tuyên truyền cho nhau những bài học nhân tâm ngay từ những năm đầu đời là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

Cần phạt tiền để răn đe

Trước hành vi phản cảm của một số người dân trong vụ “hôi của” xe tải chở hàng hóa bị cháy ở Bình Định, nhiều người cho rằng phải xử lý những người này vì không chỉ đơn thuần là “hôi của” mà là cướp giật tài sản của người khác.

Tuy nhiên, xét về trách nhiệm hình sự, các yếu tố cấu thành tội cướp giật tài sản thì người phạm tội này phải có hành vi giật, tức là giằng mạnh lấy tài sản về mình một cách nhanh chóng (ngay tức khắc) hoặc tạo ra yếu tố bất ngờ đối với chủ sở hữu hoặc người đang quản lý tài sản, làm cho những người này không có khả năng giữ được tài sản đang quản lý. Clip ghi lại những thông tin về vụ “hôi của” cho thấy không có người nào giật tài sản từ trên tay anh tài xế. Do vậy, không thể xử lý người “hôi của” theo tội danh này.

Tội công nhiên chiếm đoạt (điều 137 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi năm 2009) không đòi hỏi người chiếm đoạt phải giật tài sản mà họ thực hiện một cách ngang nhiên và công khai, thường là do người phạm tội biết người bị hại không dám hoặc không có đủ khả năng tự vệ để ngăn chặn hành vi chiếm đoạt tài sản đó (như biết bị hại là người già yếu, là trẻ em, là người đang trong hoàn cảnh thiên tai, hỏa hoạn...).

Tuy nhiên, dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này là tài sản bị chiếm đoạt phải có giá trị tối thiểu là 2 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Như vậy, nếu chỉ là lần đầu thực hiện hành vi này thì những người “hôi của” sẽ không bị truy cứu hình sự với các tội danh trên. Còn xét về trách nhiệm hành chính thì họ sẽ bị xử phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng về hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác (theo khoản 1, điều 15 nghị định 167/2013/NĐ-CP).

Trên cơ sở quy định của pháp luật, thiết nghĩ ngoài việc vận động những người “hôi của” trả lại tài sản cho người bị mất, các cơ quan chức năng cần tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với những người này để thể hiện sự răn đe của pháp luật đồng thời giáo dục công dân sống có ý thức tốt hơn, không nên làm những điều trái với cả đạo lý và pháp lý.

ThS Trần Thị Mai Phước

Thu hồi hơn 200kg hàng dân lấy từ xe tải bị cháy

Chiều 3-11, thượng tá Huỳnh Dư Phi Long - phó trưởng Công an TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) - cho biết công an đã thu hồi của hơn 20 người dân khu vực 1, P.Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) và một số người dân xã Xuân Hải (thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) hơn 200kg hàng hóa các loại mà họ lấy từ xe tải cháy hôm 1-11.

Ông Long cho biết hàng gồm các loại xoong, nồi, bếp từ, nước mắm, bột giặt, nước xả vải... nhưng hầu hết đều bị hư hỏng do vụ cháy gây nên. Hiện toàn bộ hàng hóa đang cất giữ tại Công an P.Ghềnh Ráng để xử lý sau.

“Qua làm việc với công an, nhiều người dân nói rằng vì họ nghĩ đây là hàng hóa bị cháy, không còn bán được nên lấy về để tận dụng. Chính suy nghĩ đơn giản, nông cạn như vậy dẫn đến hành động của họ là tranh nhau lấy hàng hóa, trông xấu xí, phản cảm” - ông Long cho hay.

Ông Long cũng cho biết công an chỉ phân tích, nhắc nhở người dân không được lặp lại hành động trên vì gây ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh con người Bình Định và quyết định không xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự với người “hôi của” nào.

Về nguyên nhân vụ cháy xe, ông Long nói qua khám nghiệm hiện trường và phương tiện, bước đầu cơ quan điều tra nhận định xe cháy do chập điện ở cabin, ngay bộ phận điều khiển xe. Lửa cháy rất nhanh khiến tài xế và phụ xe chỉ kịp nhảy ra ngoài thoát thân, toàn bộ các loại giấy tờ, chứng từ đều bị lửa thiêu rụi.

DUY THANH

PHƯƠNG LAN (Biên Hòa, Đồng Nai)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên