01/01/2017 08:47 GMT+7

Ươm mầm sống đẹp 2017: Những tấm gương cứu người

THÂN HOÀNG - MAI VINH - THÙY DƯƠNG
THÂN HOÀNG - MAI VINH - THÙY DƯƠNG

TTO - Hai chiến sĩ lái xe Học viện cảnh sát lái xe chắn gió "dìu" người trên cầu, tài xế Phan Văn Bắc và bác sĩ Trần Hoàng Minh ở bệnh viện Gò Vấp là những người truyền cảm hứng, nảy nở mầm thiện quanh ta...

Hai tài xế trẻ (từ trái sang) Nam và Công - Ảnh: THÂN HOÀNG
Hai tài xế trẻ (từ trái sang) Nam và Công - Ảnh: THÂN HOÀNG

Trò chuyện với Tuổi Trẻ trong thời khắc chuyển năm, cả hai tài xế trẻ Vũ Huy Công (29 tuổi) và Nguyễn Xuân Nam (33 tuổi), cùng đang công tác tại đội xe Học viện Cảnh sát nhân dân, đều nói về câu chuyện “bỗng dưng nổi tiếng trên mạng” của mình chỉ là “hành động nhỏ, ai cũng có thể làm”. 

Nam và Công nhớ lại hôm đó là ngày 19-8, ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân, cả hai đang làm nhiệm vụ đưa đoàn học viên cấp cao quốc gia Campuchia và Lào đi học tập nghiên cứu tại Quảng Ninh.

Khoảng 9g30, cơn bão số 3 bắt đầu đổ bộ vào đất liền, trời có mưa lớn kèm theo gió giật mạnh. Khi xe đang từ Hạ Long sang Bãi Cháy, đến đầu cầu thì thấy CSGT lập barie chắn, không cho người dân đi qua nhưng một số người vẫn cố tìm cách lách xe máy đi lên cầu. Xe của Học viện Cảnh sát nhân dân đi đến gần giữa cầu thì gặp một người đàn ông trung niên ngoài 50 tuổi đi xe máy bị gió lớn tạt gần đổ xe.

“Mình thấy bác gần như đứng im, không di chuyển được, mỗi lần gió rít lên thì cả xe và người xiêu vẹo như đổ rạp xuống đất. Trong đầu mình lúc đấy nghĩ nếu không có cách gì giúp thì bác sẽ bị ngã, hoặc nguy hiểm hơn nếu gió lớn tiếp tục giật liên hồi thì rất có thể bác sẽ gặp tai nạn” - Công kể lại.

 Hãy gieo điều tốt để gặt được điều tốt và làm cho xã hội đẹp lên từng ngày. Đó là thông điệp đầu năm mà những nhân vật trong hai trang báo này muốn gửi gắm đến chúng ta...

Sáng hôm đó Công là người cầm lái. Chỉ trong vài giây suy tính, Công rà phanh cho xe chạy chậm lại rồi bảo Nam thò đầu ra ngoài gọi người đàn ông trung niên đang loạng choạng, khó nhọc dựng xe trong cơn bão.

Nam gọi 3-4 câu nhưng giọng nói cứ bạt đi bởi gió ngày một lớn. Nam tiếp tục giơ tay đập mạnh vào sườn xe “phát tín hiệu” để người đàn ông biết rằng ôtô sẽ chạy chậm chắn gió bão giúp ông đi qua cầu. Người đàn ông trung niên “bắt được tín hiệu” nên áp sát vào thành xe, Công điều khiển ôtô chạy thật chậm để “dìu” người ấy đi qua cầu.

Chiều cùng ngày về đến Hà Nội, cả hai đều bất ngờ khi được nhiều thầy cô trong trường ra động viên, tuyên dương. Anh em đồng nghiệp mở điện thoại cho xem lại đoạn clip “Xe biển xanh chắn gió giúp người dân qua cầu Bãi Cháy” đang gây “bão” trên mạng, Nam và Công mới biết hành động của mình được người nào đó quay và đưa lên mạng.

Sau hôm đó, cuộc sống của hai chàng tài xế trẻ có nhiều thay đổi thú vị. Nam kể cô giáo dạy con gái lớn của anh đang học lớp 3 đọc báo biết chuyện và đã kể lại cho học sinh nghe trong giờ sinh hoạt.

Con gái anh cảm thấy tự hào nên ngày nào cũng đòi được bố đưa đến trường vào buổi sáng và đòi bố dạy dọc, dạy viết vào buổi tối. “Bỗng dưng tôi thấy mình phải sống có trách nhiệm hơn nữa, ít nhất là để xứng với niềm tự hào của con” - Nam bộc bạch.

Chia sẻ rộng hơn, Công cho biết anh ước mơ một ngày nào đó những việc làm giúp đỡ người xung quanh sẽ trở nên bình thường, là điều ai cũng có thể làm, không còn là thứ gây “bão” với cộng đồng.

“Nhiều năm lái xe, có những khi đi công tác dài ngày trên đường và thường xuyên phải đối mặt với những bất trắc nên tôi hiểu sự giúp đỡ, chia sẻ từ cộng đồng có ý nghĩa đến mức nào. Sau những lần nhận được sự giúp đỡ, sau những lần giúp đỡ người khác, tôi nhận ra rằng chúng ta chỉ được chứ không hề mất.

Tôi nhận được sự động viên của đồng nghiệp, vợ tôi tuy không nói ra nhưng cũng rất vui và tự hào, cả con trai nhỏ mới 4 tuổi dù chưa hiểu chuyện của bố nhưng bên trong cháu đang nảy nở một mầm thiện” - Công nói.

Tài xế Phan Văn Bắc và cuộc sống gia đình           - Ảnh: MAI VINH
Tài xế Phan Văn Bắc và cuộc sống gia đình - Ảnh: MAI VINH


Tài xế Phan Văn Bắc: “Gác lại chuyện cũ cho khỏe người”

Chiều cuối năm, anh Phan Văn Bắc (30 tuổi, ngụ tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) chở chuyến hàng từ TP.HCM về một kho hàng ở huyện Đức Trọng. Vừa dỡ xong hàng, anh vội về nhà. Nhóm bạn tài xế cũng vừa dỡ hàng xong, rủ đi lai rai một chút, anh từ chối khéo: “Vợ đang bầu bì, đi mấy ngày rồi, về giúp vợ một tay”.

Tài xế Bắc là người đã khéo léo điều khiển xe tải dìu xe khách đang mất lái ở đoạn cuối của đèo Bảo Lộc (quốc lộ 20, đoạn qua thị trấn Đạm Ri, huyện Đạ Huoai) ngày 6-9-2016. Thời điểm xe khách mất thắng, trên xe chở khoảng 30 hành khách.

Câu chuyện tài xế Phan Văn Bắc dùng đuôi xe tải để cứu xe khách mất thắng trên đèo Bảo Lộc là câu chuyện gây chú ý trong các vấn đề liên quan đến giao thông trong năm 2016. Câu chuyện khiến nhiều người xúc động, cảm phục.

Ngay sau vụ việc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gửi thư khen ngợi hành động dũng cảm của tài xế Phan Văn Bắc, đồng thời trao Huân chương dũng cảm cho tài xế Bắc, khép lại câu chuyện bằng một cái kết có hậu.

Gặp lại anh Bắc tại nhà cùng vợ Nguyễn Xuân Mai đang tất bật lo cho những đứa trẻ mà Mai nhận giữ tại nhà. Anh Bắc nhìn vợ bảo: “Lúc xảy ra chuyện là vợ báo tin có thai rồi. Xong hết mọi chuyện rồi mình mới nghĩ hay là trời cho mình cơ hội làm phước cho con”. Bắc cười.

Vợ mang thai mới được 5 tháng nhưng cả vợ chồng đã nghĩ cho con cái tên Phan Minh Đăng, hàm ý về một sự thông sáng trong cuộc sống. Hỏi rằng sau ba tháng kể từ ngày cứu xe khách thì cuộc sống có gì khác, anh thật tình: “Không khác gì nhiều, nhưng nhờ nhiều người tặng tiền bạc nên tôi yên tâm cho tương lai”.

Căn nhà nơi Bắc ở đồ đạc vẫn cũ kỹ, chiếc tivi nhà vợ sắm đã hơn 10 năm vẫn còn để dùng. Sau vụ việc đó, anh Bắc được tiền, được tặng xe taxi, mọi người nghĩ rằng anh sẽ đổi nghề. Anh em tài xế cũng bàn ra bàn vào chuyện của anh Bắc. Nhưng sau ba tháng, anh Bắc vẫn ôm vôlăng xe tải.

Anh nói: “Nhiều người khuyên tôi chạy taxi khỏe hơn, hoặc kiếm chỗ khác chạy nhiều tiền hơn. Nhưng mình cứ nghĩ nhờ xe tải mà có cơ hội để mang phước cho con, cuộc sống ổn định hơn. Mà mình thấy mình giỏi nghề lái xe tải nên cứ gắn bó thôi. Mình không nghĩ nhiều cho mệt”. Đã nhiều lần để mọi người không nhắc lại nhiều đến chuyện cũ (cứu xe khách), nếu có ai chớm hỏi, anh Bắc đã “rào trước”: “Gác lại chuyện cũ cho khỏe người, để cuộc sống tiếp tục”. 

MAI VINH

Bác sĩ Minh điều trị cho bệnh nhân tại khoa cấp cứu Bệnh viện Q.Gò Vấp - Ảnh: Hữu Khoa
Bác sĩ Minh điều trị cho bệnh nhân tại khoa cấp cứu Bệnh viện Q.Gò Vấp - Ảnh: Hữu Khoa


Người may mắn

Ngày 29-5-2016, báo Tuổi Trẻ đã đăng bài viết về BS Trần Hoàng Minh, một chàng trai 29 tuổi, quốc tịch Mỹ, nhưng lại chọn Bệnh viện Q.Gò Vấp, TP.HCM là nơi làm việc với mong muốn duy nhất là được phục vụ bệnh nhân tại quê nhà.

Sau hơn một năm làm việc tại Bệnh viện Q.Gò Vấp, Minh tự nhận mình là người may mắn khi đã gặp một người sếp luôn tạo điều kiện cho Minh được phục vụ người bệnh. Minh còn nhắc đến may mắn khi được báo Tuổi Trẻ viết bài và may mắn hơn cả là sau khi bài viết đăng, Minh nhận được rất nhiều lời động viên, sự tin cậy, tình cảm yêu mến của bạn đọc. Vì vậy Minh cho rằng mình phải nỗ lực phục vụ bệnh nhân hơn nữa.

Từ những lần tiếp xúc với bệnh nhân, BS Minh nảy ra ý tưởng sẽ tạo ra một phần mềm “dự đoán bệnh thông minh”, sau đó lập thành một trang web để bệnh nhân nào cũng có thể vào xem miễn phí được. Ở Mỹ cũng có một phần mềm tương tự và được rất nhiều người dân, giới y khoa sử dụng.

Cách sử dụng phần mềm rất đơn giản, người bệnh chỉ cần điền tuổi, giới tính, đau ở vị trí nào trên cơ thể là lập tức phần mềm sẽ đưa ra những câu hỏi để người bệnh trả lời, sau đó sẽ cho ra dự đoán những bệnh có thể mắc theo thứ tự từ nhiều khả năng nhất đến ít khả năng nhất. Cảnh báo người bệnh phải đến gặp bác sĩ ngay khi có những triệu chứng nguy hiểm.

Ngoài ra, phần mềm này còn giúp bệnh nhân tra cứu về các loại thuốc, hiểu rõ về các loại bệnh, cách điều trị, phòng ngừa, cách chăm sóc sức khỏe thông thường...

Hiện Minh đang tự bỏ tiền ra thuê một công ty chuyên về IT cùng Minh tạo ra phần mềm này. Kế hoạch của Minh trong năm 2017 là sẽ hoàn thành với đầy đủ thông tin về hơn 2.000 loại bệnh. Sau đó, Minh dự định sẽ sang Úc hoặc Mỹ để học chuyên khoa về hồi sức cấp cứu.

Minh đi học thêm chuyên khoa hồi sức cấp cứu không có mục đích nào khác ngoài mong muốn được trở về Bệnh viện Q.Gò Vấp để phục vụ bệnh nhân được tốt hơn!

THÙY DƯƠNG

THÂN HOÀNG - MAI VINH - THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên