Anh Chí Thanh (quê An Giang) buộc kẽm vào lưới thép để chuẩn bị đổ bêtông sàn dầm cầu metro sáng 1-2 - Ảnh: Phước Tuần |
Với họ, công việc không đơn thuần là cái nghề gắn bó cuộc sống hằng ngày mà ở đó còn cả niềm tự hào khi bản thân góp một phần tuổi trẻ xây dựng những tuyến đường mới, công trình lịch sử cho TP ngày càng hiện đại.
Hối hả giữa cái nắng giáp tết
Chiều 29-1, Nguyễn Văn Duy (quê Tân Kỳ, Nghệ An) đang trám lại những lỗ hổng của các tấm bêtông dựng làm dải phân cách đường dẫn lên cầu Rạch Chiếc 2 trước ngày khánh thành một hôm, giữa hơi nóng mùi nhựa đường bốc lên.
Quệt vội mồ hôi, Duy cho biết mình làm công trình này được năm tháng, ăn, ở và làm việc ngay tại tuyến đường đang thi công cùng anh em công ty. Khi công trình khánh thành cũng là lúc anh em công nhân về quê ăn tết.
“Nghiệp công nhân cầu đường thì “nay đây mai đó”, chưa biết xong công trình này mình sẽ đi đâu. Cứ gắng hoàn thành công việc, nhận lương rồi mua ít quà tết. Năm nay không dư dả mấy nhưng cuối năm cũng tích cóp được mua về cho cha mẹ cái tivi xem tết” - Duy bộc bạch.
Trong khi đó, anh Hoàng Đình Mạnh (quê Kỳ Anh, Hà Tĩnh) chia sẻ: “Năm ngoái tôi tình nguyện ở lại trực và làm để đẩy nhanh hoàn thành tuyến đường cao tốc với anh em công ty nên năm nay dù thế nào cũng sắp xếp về nhà. Năm rồi đón tết ngay ở công trường trong căn chòi dựng tạm dành cho anh em công nhân, dù có chút chạnh lòng vì nhớ nhà nhưng vẫn vui vẻ, ấm cúng lắm”.
Tại công trình metro Sài Gòn nối ga Thảo Điền qua Văn Thánh thuộc dự án tuyến metro Suối Tiên - Bến Thành những ngày giáp tết, anh em kỹ sư và công nhân Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Tuấn Lộc vẫn miệt mài làm việc để có thể sớm hoàn thành dự án.
Sáng 1-2, phía bờ sông Sài Gòn đoạn khu du lịch Tân Cảng, nhiều người dân thay nhau thả cá chép xuống sông. Anh Hòa, kỹ sư công trình, mới sực nhớ ra hôm nay đã 23 âm lịch, bà con cúng ông Táo.
Theo anh Hòa, anh em ở công trình làm hết ngày 25 âm lịch sẽ được nghỉ, về quê đón tết với gia đình. Thời điểm này ai cũng háo hức, chờ ngày về quê nhưng vẫn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, phần việc được giao.
Trên chiếc xe cần cẩu đặt giữa sà lan của công trình, chàng trai trẻ Trần Văn Nghĩ (23 tuổi, quê huyện Phú Tân, Cà Mau) đang vận hành để đưa những thanh thép lên trụ cầu cho bộ phận chuẩn bị đổ bêtông sàn dầm cách mặt nước hơn 10m, Chí Thanh (22 tuổi, quê An Giang) cùng anh em buộc kẽm lưới thép, tạo khung lưới để chuẩn bị đổ bêtông...
“Làm xong ngày 25 là khuya đó mình ra bến xe Miền Tây về luôn. Đi cả năm rồi, tết cố gắng về sớm phụ giúp bố mẹ dọn nhà, chuẩn bị đón tết. Mồng 7 mình phải lên lại thành phố để mồng 8 bắt đầu làm việc” - Nghĩ nói.
Không khí làm khẩn trương nhưng ai cũng cẩn thận, tỉ mỉ dù là chi tiết nhỏ nhất. Trên những tấm áo của các chàng trai trẻ đã ướt nhẹp mồ hôi, tiếng máy cắt thép, máy hàn xen lẫn những câu chuyện trao đổi giữa các chàng trai trẻ.
Dưới sông, nhiều chiếc thuyền chở đầy hoa từ miền Tây lên khiến không khí tết thật sự rất gần, làm ai cũng chộn rộn.
Năm mới thêm những công trình mới
Cầu metro Sài Gòn nằm trong dự án tuyến metro đầu tiên của thành phố mang tên Bác là công trình được xem là lịch sử của thành phố. Với những công nhân, kỹ sư trẻ đang góp sức xây dựng công trình ấy không chỉ là niềm vui mà còn là vinh dự.
“Mình từng làm cầu Cổ Chiên nối Bến Tre và Trà Vinh, giờ lại có cơ hội làm cầu metro Sài Gòn. Mỗi cây cầu có một sứ mệnh lịch sử khác nhau của một vùng đất nhưng đều là hai công trình lớn, có ý nghĩa đến sự phát triển của đất nước.
Được làm, góp sức vào đó không chỉ là vui, hạnh phúc mà còn là vinh dự của bản thân. Sau này khi đi trên tuyến metro này, mình sẽ tự hào vì là một thành viên nhỏ tạo nên công trình mà mọi người đang được hưởng thụ” - Nghĩ chia sẻ.
Còn với Chí Thanh, lại mong ước đất nước đổi mới, quê hương miền Tây sẽ có thêm nhiều cây cầu, giúp bà con đi lại dễ dàng, tạo điều kiện phát triển kinh tế. Thanh cũng mong ước sẽ có cơ hội được về An Giang xây những cây cầu bắc qua sông Hậu để người dân không còn lụy đò, đi phà nữa.
“Tết này về quê chắc vẫn còn đi phà Vàm Cống, nhưng mấy năm nữa mình và bà con An Giang sẽ có một cây cầu mới để đi rồi” - Thanh nói.
Trong khi đó, chàng trai xứ nghệ Văn Duy chia sẻ: "Mong những năm tới đây, nhiều tuyến đường huyết mạch đưa vào sử dụng, kinh tế địa phương sẽ phát triển, đời sống người dân sẽ được nâng lên”.
Ngày cuối năm ai cũng hối hả, háo hức đợi đón xuân mới. Những chàng trai trẻ vẫn miệt mài với công việc với những niềm tin, ước vọng vào năm mới, vào sự đổi thay phát triển của đất nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận