Anh Nguyễn Đức Hải - Ảnh: Diệp Thế Tài |
* Nguyễn Đức Hải (27 tuổi, trưởng nhóm Global Shapers, TP.HCM - Sáng kiến thuộc Diễn đàn Kinh tế thế giới - World Economic Forum):
VN - một quốc gia khởi nghiệp công nghệ
Đầu năm nay tôi có dịp đến giao lưu với các công ty khởi nghiệp công nghệ (startup) ở hai thành phố Incheon (Hàn Quốc) và London (Anh), nơi được mệnh danh là Silicon Roundabout, được chứng kiến sự phát triển vượt bậc của hai nơi này khi họ lựa chọn khởi nghiệp công nghệ là trọng tâm phát triển. Hàn Quốc chính thức tập trung hỗ trợ các công ty khởi nghiệp công nghệ từ năm 2013.
Đến nay top năm công ty khởi nghiệp công nghệ ở Hàn Quốc được đầu tư hơn 500 triệu USD từ các quỹ đầu tư danh tiếng như Sequoia, Formation 8, Goldman Sachs...
Tương tự, tháng 3-2014 thị trưởng London, ông Boris Johnson, công bố tầm kế hoạch biến London thành thủ đô công nghệ mới của thế giới. Hiện tại London có hơn 382.000 chuyên gia công nghệ...
Vẫn biết so sánh với các cường quốc công nghệ như Anh hay Hàn Quốc là một sự không công bằng vì nguồn lực đất nước của ta còn giới hạn.
Tuy nhiên, 20 năm là một chặng đường dài, chúng ta hoàn toàn có thể hi vọng và tin tưởng vào một viễn cảnh tươi sáng.
Các tài năng trẻ sẽ nhận được nhiều nguồn lực hỗ trợ từ chính phủ, cộng đồng, thế hệ đi trước để có thể theo đuổi hoài bão: sử dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề khó khăn của đất nước.
Tôi sẽ rất tự hào khi được sử dụng một sản phẩm công nghệ Việt Nam ngay tại thung lũng Silicon hay kinh đô tài chính London hoặc New York. "Tinh thần khởi nghiệp - thất bại thì làm lại" sẽ là tinh thần chung của dân tộc Việt trong 20 năm tới.
* Cao Xuân Nhật (29 tuổi, người sáng lập Trường truyền thông VNMG-VNMG School of Media):
Anh Cao Xuân Nhật - Ảnh: Giang Nguyễn |
Một không gian tự do cho giáo dục
Tôi là một người trẻ hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Nền giáo dục của tương lai 20 năm tới mà tôi muốn được nhìn thấy trên đất nước mình, đó là nơi ươm mầm và sản sinh những con người tự do, nỗ lực hết mình cho sự phát triển chung của không chỉ cá nhân, đất nước mà cho cả nhân loại.
Chúng ta vẫn thường nói giáo dục là quốc sách hàng đầu và tôi mong chính sách đó sẽ luôn được thực thi một cách mạnh mẽ hơn trong thực tế.
Trong suy nghĩ của tôi, điều mà nền giáo dục Việt Nam cần trong tương lai không chỉ là tiền, là cơ sở vật chất mà quan trọng nhất đó chính là sự tự do.
Tự do sẽ ươm mầm cho sáng tạo. Người trẻ cần nhiều hơn những không gian tự do, ở đó chúng tôi được dấn thân cho những đam mê của mình, được tung hoành những hoài bão và khát vọng mà không lo sợ bị “chụp mũ” hay gây khó khăn bằng những quyết định hành chính đầy cảm tính.
Tôi mong được nhìn thấy hình ảnh những ngôi trường rộng thênh thang, nơi thư viện là tòa nhà được đầu tư nhất.
Ở đó sinh viên có thể tranh luận một cách bình đẳng với giáo sư về học thuật, được đi đến tận cùng để tìm kiếm chân lý.
Tôi mong được nhìn thấy những học sinh được phát triển mọi tài năng mà họ có, không chỉ suốt ngày cắm cúi với thi cử, chạy đua với những bảng thành tích về học tập mà được tự do và khuyến khích đi theo con đường riêng của mình, dám chấp nhận mạo hiểm để sáng tạo những giá trị mới.
Và tôi mong nhìn thấy một nền giáo dục khoan dung với thất bại, khoan dung với những sự khác biệt của mỗi cá nhân, một nền giáo dục hun đúc cho tinh thần khởi nghiệp của người trẻ dám dấn thân cho những sự thay đổi tốt đẹp của cộng đồng và đất nước.
* Võ Quốc Vinh (25 tuổi, học viên Đề án 922 TP Đà Nẵng):
Anh Võ Quốc Vinh - Ảnh: Trường Trung |
Nhiều lãnh đạo ở độ tuổi dưới 35
Qua bốn năm được học truyền thông ở bang Queensland (Úc), tôi chú ý ở Úc người ta rất coi trọng sự trải nghiệm, vì thế nhiều sinh viên được tạo điều kiện bảo lưu kết quả học tập để đi du lịch.
Hầu hết người Úc không đợi khi có tiền mới đi du lịch mà họ sẵn sàng đi ngay cả khi không có tiền. Họ rất tự chủ và sẵn sàng lao vào bất cứ công việc từ quét rác, rửa chén, phụ bếp... để được đi và trải nghiệm.
Từ đó họ trưởng thành rất nhanh, nhiều người trẻ tuổi đã có thể lãnh đạo những tập đoàn lớn.
Ở nước ta, với tốc độ phát triển và toàn cầu hóa như hiện nay, ngày càng có rất nhiều người trẻ giỏi tiếng Anh và được đi đây đó, được trải nghiệm, tiếp thu văn hóa và kiến thức nhiều nơi.
Càng hội nhập thì vai trò của người trẻ càng lớn. Khi ấy người trẻ có cơ hội bứt phá và thể hiện bản thân.
Tuy nhiên, tiến trình này có thuận lợi hay không còn phụ thuộc các chính sách vĩ mô và cách nhìn nhận của xã hội.
Dù ở đâu người trẻ cũng cần rất nhiều “bệ phóng”, cần cơ hội để phát triển bản thân. Những người trẻ cần sự công bằng, cần xã hội cho cơ hội để thể hiện vai trò, năng lực và sức sáng tạo.
Nếu chúng ta làm được điều này ngay bây giờ thì chắc chắn trong 20 năm tới nước ta sẽ có lớp người lãnh đạo mới ở độ tuổi dưới 35.
Bốn ý tưởng tham gia đầu tiên Đã có bốn tác giả gửi ý tưởng tham gia cuộc thi “” ngay trong ngày đầu tiên phát động. Trong đó tác giả Phạm Nguyễn (TP.HCM) đặt kỳ vọng về một nền công quyền thân thiện, để người dân đến làm việc với cơ quan nhà nước có thể hớn hở bước về nhà với nụ cười tươi tắn trên môi. Tác giả Trịnh Quang Minh (Cần Thơ) thì phác họa VN trở thành một nước có nền công nghiệp phát triển mạnh và có khả năng cạnh tranh cao. Còn tác giả Nguyễn Xuân Thái ước mơ 20 năm nữa du khách các nước sẽ sang VN để tìm mua đồng hồ thương hiệu nổi tiếng do VN sản xuất với giá rẻ. Đặc biệt, cuộc thi đã nhận được bài viết của tác giả A Khương, 16 tuổi, với tựa “Một Việt Nam ngời sáng 20 năm sau…” phác họa hình ảnh đất nước với hàng trăm tòa nhà chọc trời, những khu đô thị xanh mát… Ban tổ chức cuộc thi (báo Tuổi Trẻ và Ngân hàng Thế giới tại VN) kính mời bạn đọc từ 15 tuổi trở lên tham gia cuộc thi. Bài dự thi gửi đến ban tổ chức qua đường bưu điện: Báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ tham gia cuộc thi viết “Kỳ vọng VN 20 năm tới”); hoặc gửi bằng thư điện tử đến địa chỉ [email protected] (một tác giả có thể gửi tối đa ba tác phẩm dự thi). Ban tổ chức nhận bài dự thi từ ngày 18-5 đến 28-6-2015. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận