Đó là trả hết nợ và làm đám cưới với người đã thương yêu mình 5-6 năm nay.
Phóng to |
Trọng bưng rổ rau đã được nhặt sạch lá già ra bày bán - Ảnh: Gia Minh |
Một đêm đầu năm 2009, hai tên cướp khống chế một phụ nữ trên đoạn đường vắng thuộc xã Long Trạch (huyện Cần Đước, Long An). Nghe tiếng kêu cứu, Nguyễn Thành Trọng và Trần Ngọc Lương (cùng 23 tuổi) đã tay không lao vào giải cứu. Hai tên cướp vung dao khiến Lương tử vong trong bệnh viện, Trọng bị thương tật 71% vĩnh viễn sau nhiều ngày vật lộn với tử thần. Lương được phong liệt sĩ, Trọng thành thương binh hơn một năm sau đó...
Cần mẫn mưu sinh
Anh em ruột cùng đi cướp Hai kẻ cướp đâm Trọng và Lương là anh em ruột Nguyễn Văn Mèo (30 tuổi) và Nguyễn Văn Tư (26 tuổi, ngụ xã Trung Nghĩa, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long). Chúng khai nhận gây ra nhiều vụ cướp tại TP.HCM bằng cách tấn công phủ đầu nạn nhân để lấy xe, tiền, vàng. Tư bị tuyên án tù chung thân, Mèo 25 năm tù. |
Ở tiệm rau chợ Phú Lâm, phường 13, quận 6, TP.HCM, hơn 10g một ngày cuối năm 2012. Mồ hôi ướt khuôn mặt đen sạm, Trọng cần mẫn tách lá già từng cây cải, hai bàn tay chai sạn, cánh tay cuộn từng bắp thịt nhưng những ngón tay như múa trên những cây cải. Tách xong, Trọng dồn rau vào rổ, thu dọn gọn gàng rồi quay qua cầm một xấp “toa” bà chủ đưa để sắp rau theo “toa” đi giao cho khách. Trọng cặm cụi xếp từng loại rau củ quả vào mỗi bịch nilông mà không cần nhìn giấy.
“Tôi quen từng tiệm rồi, ngày nào họ lấy gì, bao nhiêu tôi đều nhớ nên giấy chỉ để đưa cho chủ tính tiền thôi” - Trọng nói.
Bà Trịnh Thị Mười Út (36 tuổi, ngụ Long An), chủ cửa hàng, cho biết hằng ngày Trọng có mặt từ 3g sáng để dọn dẹp, mở cửa hàng bán tới khi nhận hàng, “làm hàng” (chọn lựa, tách rau hư) và sắp xếp các “toa” cho ca sau đi giao mới nghỉ, thường là 14g30.
“Trọng dễ thương lắm, làm cho tôi 6-7 năm nay nên mọi thứ đều quen hết, chỉ nói qua là hiểu, tôi tin tưởng Trọng như người nhà mình vậy” - bà Út nói. Mỗi ngày làm việc như thế, Trọng được trả 100.000 đồng.
Bà Út cho biết: “Trọng chăm lắm, từ Long An đi 30km để có mặt lúc 3g sáng mà ngày nắng cũng như ngày mưa, không trễ bao giờ. Nó không có xe đi, mấy anh chị ở đây thương tình cho mượn xe máy để chiều về, sáng sớm lên lại trả cho họ đi làm”.
Éo le
Ba năm trước, khi lần đầu tiên tôi gặp Trọng, cảnh tượng người cha nằm liệt giường, đôi mắt dại đi được Trọng nâng dậy một cách cực nhọc, đút từng miếng cơm đã khiến tôi rơi nước mắt. Cha Trọng bị tai biến mạch máu não đã 4-5 năm, nằm liệt giường khiến ngôi nhà nhỏ đang xây dở phải dừng lại.
Căn nhà nhỏ xíu, đường vào chênh vênh cứ ngổn ngang, nham nhở. Trong ngôi nhà ấy, cha Trọng nằm liệt giường, anh của Trọng bị khờ, Trọng bị thương yếu ớt, phải lo từng bữa ăn chứ không tính được hôm sau.
Ba Trọng giờ đã mất, ngôi nhà được hoàn thiện, sơn màu xanh dương, nhưng đồ vật vẫn vậy, thứ quý giá nhất là chiếc tivi cũ. Cạnh nhà, phía gần ao cá có một chuồng chăn nuôi rộng gần 20m2 nhưng đã hoang tàn. Trọng kể: “Cha mất hơn hai năm trước, mẹ con tôi vay 50 triệu đồng làm ma cho cha, phần còn lại dùng để sửa, hoàn thiện ngôi nhà và làm vốn nuôi gà. Cách nay mấy tháng, cả đàn gà 300 con sắp tới ngày bán bỗng lăn đùng ra chết. Mẹ con tôi vừa mang gà đi chôn vừa khóc, bao nhiêu vốn liếng, hi vọng trả được bớt nợ đã chôn theo đàn gà”.
Trọng và bạn gái - cũng là em con dì ruột của liệt sĩ Lương - thương nhau đã 5-6 năm. Suốt thời gian Trọng nằm viện, bạn gái đã bỏ việc để chăm sóc, cả hai dự định sau khi Trọng khỏe lại sẽ làm đám cưới. Hai gia đình đã gặp mặt, lên kế hoạch tổ chức đám cưới thì ba Trọng mất, kế hoạch phải hoãn. Hỏi Trọng giờ mong mỏi điều gì nhất, Trọng trả lời: “Tôi chỉ mong làm sao kiếm tiền trả được hết nợ, rồi cưới vợ”.
Trọng không kể về những khó khăn trong cuộc sống vì theo Trọng: “Lương thương binh của tôi được hơn 2 triệu đồng, đi làm được gần 3 triệu, so với nhiều người tôi cũng không khó khăn gì”.
Gặp riêng bà Mức - mẹ của Trọng - để hỏi về cuộc sống, bà rụt rè kéo tôi ra phía sau nhà rồi mở tập hồ sơ, hợp đồng tín dụng của Agribank chi nhánh khu vực Gò Đen. “Tôi nói nó là vay có 50 triệu, nhưng thật tình vay 80 triệu đồng. Mỗi tháng mất gần 2 triệu tiền lời. Tôi bệnh đau suốt, thuốc men tốn kém cũng mình nó lo” - bà Mức tâm sự.
Đời người sống chỉ một lần Trọng kể trong một lần chở bạn gái đi chơi qua cầu Phú Lâm (Q.6), nghe tiếng hô “cướp, cướp!”, thấy một tên cướp đang chạy bộ ngược chiều, Trọng liền quay đầu xe tăng tốc đuổi theo. Lần đó Trọng không bắt được tên cướp nhưng khiến hắn sợ nhảy xuống cầu, sau đó Công an Q.6 và người dân bắt được. Mấy tháng trước, Trọng nghe tiếng hô “cướp” khi đang làm việc ở cửa hàng, quay ra thấy hai tên cướp đang chạy xe máy. Trọng đã lao vào đạp đổ xe, cùng người dân bắt được một tên giao Công an P.13, Q.6. Ai hỏi Trọng bị thương vậy, không sợ sao? Trọng nói: “Đời người sống chỉ một lần, cứ sợ cái ác thì bao giờ xã hội bình yên được”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận