TTO - Những ngày này, tỉnh Bình Dương đang diễn ra Hội khỏe Phù Đổng khu vực IV 2012. Tranh thủ ngày chủ nhật, với ý định “bắt quân”, tôi có mặt trên sân và được biết vài câu chuyện, xin chia sẻ với bạn đọc.
Đội mạnh thắng đội yếu, đó là chuyện bình thường. Sinh ra trên nương rẫy rồi sẽ lại làm rẫy, đó cũng là điều bình thường. Nhưng…
Tôi có mặt trên sân điền kinh vừa lúc xuất phát nội dung 200m nữ.
Hội khỏe Phù Đổng (HKPĐ) khu vực IV tại Bình Dương thu hút hơn 2.200 huấn luyện viên, vận động viên đến từ 13 tỉnh, thành trong khu vực Đông Nam bộ và Tây nguyên gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Thuận, Đắk Nông, Đắk Lắk, Đồng Nai, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Tây Ninh, TP.HCM và chủ nhà Bình Dương. Các vận động viên học sinh tranh tài ở 11 môn thi đấu gồm: điền kinh, bơi lội, bóng bàn, đá cầu, đẩy gậy, kéo co, bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, cầu lông và thể dục aerobic. |
Trên đường chạy số 3, một cô bé cao hơn những đối thủ khác cả cái đầu đang băng băng về đích. Có tiếng xuýt xoa từ những trọng tài: “Điền kinh thành phố quá mạnh”. Một chị khác nói: “Hôm qua thi bơi, TP.HCM lấy hết sạch giải”.
Có thể nhận thấy ở tất cả nội dung trên sân, TP.HCM luôn nổi bật giữa những học sinh “lít nhít” ở các tỉnh khác, trong số “lít nhít” ấy có màu da đen sạm của nhiều học sinh người dân tộc.
Hết buổi, tôi có dịp trò chuyện với thầy trò đoàn điền kinh Đắk Nông nay làm công tác giảng dạy. Anh Việt, giáo viên Trường THCS Trần Hưng Đạo (Đắk Nông), nói: “Nguyên đội kéo co và đẩy gậy, trong túi của mỗi học sinh thành phố có đến bốn đôi giày”. Mọi người thi nhau liệt kê: giày khai mạc (đồng phục), giày chuyên dụng, giày khởi động, giày mềm đi ngoài thảm.
Trong khi đó, nhiều đoàn không biết giày chuyên dụng ấy trông như thế nào. Riêng đoàn Đắk Nông nhờ có giáo viên từng là tuyển thủ nên kịp phát hiện và mua gấp được hai đôi ở TP.HCM, một đôi 900.000 đồng, là cái giá mà theo cả nhóm “nhiều đoàn nghe phải le lưỡi”.
Thi kéo co, đẩy gậy, đi chân đất làm sao trụ được với những đôi giày chuyên dụng có thể bám chặt xuống sàn, thế nên trước và sau mỗi đợt thi đấu là đội các tỉnh lại chạy nháo lên hỏi mượn nhau giày.
Bên cạnh chuyện rất thường TP.HCM thắng là những “giai thoại” quanh tấm huy chương của các học trò, về những em là dân tộc vùng sâu, lần đầu tiên “trông thấy xã hội” trong đó có cô bé H’Ráp.
Khi chuẩn bị xuất phát ở cự ly 60m, H’Ráp nhìn thấy trọng tài cầm súng và bắt đầu hoảng. Súng nổ, H’Ráp vùng chạy. “Em thấy nó cầm súng, em tưởng là nó bắn em, em bỏ chạy” - H’Ráp nói vậy sau khi hoàn hồn. Tuy thế H'Ráp vẫn mang về cho đội một chiếc huy chương đồng cùng tràng cười nghiêng ngả.
Với H’Ráp, chiếc huy chương cũng là vật “kỳ cục”, trên bục trao giải thưởng bước xuống H’Ráp tháo ngay huy chương và bảo: “Cái này nặng cổ quá, đeo không quen”. Dù lên tới Bình Dương Ráp bị say xe đến mức phải “truyền nước”, nhưng Ráp bảo thích lắm, nhất là thang máy. Buổi trưa, mọi người đang ngủ, H’Ráp cùng bạn vào thang máy bấm đi lên đi xuống miết. Kết quả là thang máy đứng luôn không chạy nữa và thầy Việt phải ra “cứu”.
Tò mò, tôi theo cô Lan Anh đi gặp H’Ráp. Cũng như nhiều em người dân tộc vùng núi tôi từng biết, gặp người lạ H’Ráp rất rụt rè. Nhờ cô giáo “phiên dịch” mà mỗi câu phải chờ hồi lâu mới nghe em trả lời.
H’Ráp học lớp 5, nhà ở sâu trong buôn Gia Long, xã Đắk Môn, huyện Đắk Song. Cha mẹ em làm rẫy. Rẫy cà phê của nhà H’Ráp đi lâu lắm, cao lắm mới hết. Thế nhưng theo sự mô tả của Ráp thì nhà em không có tủ, bàn ghế, khách đến ngồi lên một tấm ván trước cửa, chỉ duy nhất một chiếc tivi.
Hằng ngày Ráp đi học và trông em cho cha mẹ đi làm rẫy. Dưới Ráp là hai em, một bé đã “biết tự ăn, đi chơi”, bé nhỏ hơn thì Ráp bế. Cha mẹ đi rẫy cả ngày, ở nhà Ráp tự nấu cơm ăn với rau nhíp. Ráp nói: “Thỉnh thoảng mẹ đưa tiền sang hàng xóm mua trứng gà”. “Thế còn ăn thịt?” - cô giáo hỏi, H’Ráp đáp rất nhanh: “Không có ai đi chợ mua”. Đến giờ học, Ráp gửi tụi trẻ con nhà bên trông em. Ráp nói: “Cha mẹ bảo nghỉ học nhưng cô giáo mắng”.
Tuy nhà có tivi nhưng Ráp và bạn cùng phòng với em (nhà ở huyện Krông Nô) đều nói “ở nhà cúp điện miết”. Có lẽ vì thế mà H’Ráp không mê hoạt hình như trẻ con thành phố: “Em thích xem thời sự, có bão lụt và nhiều cái khác hay lắm, nhưng lâu không xem quên hết rồi”.
Cô giáo hỏi H’Ráp: “Lớn lên em ước làm gì?”, chẳng nghĩ ngợi, cô bé đáp: “Em muốn đi rẫy. Em chỉ muốn đi làm rẫy thôi, em không thích cái gì khác đâu”!
Câu trả lời thật hồn nhiên của cô bé đồng bào người dân tộc nhưng sao nghe thật đắng lòng!
NGUYỄN THỊ THANH HUYỀN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận