02/08/2008 01:16 GMT+7

Ước mơ được viết bằng chân

ĐỨC VỊNH
ĐỨC VỊNH

TT - Sinh ra không có đôi tay nhưng với nghị lực của mình, cậu học trò nghèo Nguyễn Minh Trí - ấp Tây An, Thạnh Mỹ Tây, Châu Phú, An Giang - đã biến đôi chân của mình trở nên kỳ diệu. Cậu viết bằng chân và học rất giỏi.

FxzQxcou.jpgPhóng to
Cậu bé Nguyễn Minh Trí viết bằng chân và học rất giỏi - Ảnh: Đ.Vịnh
TT - Sinh ra không có đôi tay nhưng với nghị lực của mình, cậu học trò nghèo Nguyễn Minh Trí - ấp Tây An, Thạnh Mỹ Tây, Châu Phú, An Giang - đã biến đôi chân của mình trở nên kỳ diệu. Cậu viết bằng chân và học rất giỏi.

Bà Quang Thị Hây, mẹ Trí, bảo thuở nhỏ Trí ốm yếu, mãi tới 3 tuổi mới bắt đầu tập đứng, tập đi. "Không có đôi tay nên Trí không thể giữ thăng bằng, vừa bước tới là đâm đầu ngã sóng soài, lại gượng dậy đi tiếp. Tội nghiệp, nhiều hôm bị té ngã đến u đầu, sứt trán nhưng vẫn cố tập đi cho bằng được" - bà nhớ lại.

Nhà Trí nằm bên đoạn kênh vắng heo hút giữa chốn đồng sâu, mùa nước nổi chơi vơi giữa bốn bề sóng lũ. Cũng từ tập đi bị té lủi đầu xuống nước riết nên em mau biết bơi, và tuy chỉ có hai chân nhưng bơi giỏi như con rái cá. Dần dà mọi sinh hoạt cá nhân em đều tự làm lấy, từ chuyện ăn uống, tắm rửa, chải đầu, mặc và giặt quần áo... Hôm chúng tôi đến em tự nấu nước, pha trà mời khách. Rồi đôi chân ấy xâu kim thêu một bức tranh. Chỉ trong chốc lát trên miếng vải dần hiện ra đôi bồ câu đậu trên cành cây trông thật sinh động...

Gia đình không có đất ruộng, quanh năm làm thuê. Người dân làm lúa dọc hai bờ kênh 10, xã Thạnh Mỹ Tây kể rằng hễ tới mùa lúa cả nhà Trí kéo nhau đi cắt mướn, em thường lẽo đẽo theo phụ chuyện lặt vặt. Thấy cha mẹ mỗi người một xuồng giăng lưới thả câu, hái điên điển đem ra chợ bán đắp đổi, em tập bơi rồi đảm nhận "giữ tay chèo" cho mẹ. Mùa nước năm nào cũng vậy, hai mẹ con vẫn sớm khuya lam lũ trên đồng nước heo hút... Hằng ngày Trí trồng cây, quét nhà, làm mọi chuyện... đều bằng chân. Tất cả từ nỗ lực tự tập luyện để... bù lại không có đôi tay của mình!

Đôi chân kỳ diệu

Thấy chúng bạn cùng trang lứa tung tăng cắp sách đến trường, Trí ham lắm, nằng nặc đòi đi học. Mẹ ngậm ngùi: "Con có tay đâu để cắp cặp, cầm viết mà đòi đi học!". Thế rồi cậu miệt mài tập viết bằng chân. Bàn chân từng cầm nắm, quen làm đủ thứ nhưng với cây viết chúng trở nên khó bảo. Em ngồi lì cặm cụi cố nắn nót. Hai ngón chân bị phồng rộp da, tê cứng vẫn không nản. Mỗi lần nhìn con tập viết, nước mắt đẫm gương mặt khắc khổ của đôi vợ chồng nghèo. Khuyên ngăn mãi không được, họ lại động viên, tìm cách giúp đỡ con. Dần dà cây viết dưới cái chân ngọ nguậy của em dễ bảo hơn, 24 chữ cái, những chữ số rõ nét, tròn trịa ngày một đẹp hơn. "Hôm viết được họ tên mình và câu "con sẽ đi học" liền lạc trên tờ giấy trắng, nó nhảy cẫng lên mừng rỡ. Chúng tôi lại không cầm được nước mắt" - bà Hây giúi gương mặt vào vạt áo.

Năm Trí lên 7, gia đình đăng ký cho con đi học. Trường tiểu học Thạnh Mỹ Tây chưa hề hay biết em không có đôi tay. Ngày khai trường người cha lủi thủi dắt đứa con tật nguyền vào tận lớp. Thầy cô tròn xoe đôi mắt, ái ngại, Trí lẳng lặng dùng chân mở chiếc cặp lấy quyển vở lật ra, rồi kẹp cây bút viết liền một hơi...

Trong lớp cái bàn của cậu học trò ấy cũng khá đặc biệt, nó có tới hai băng ghế đặt ở cuối dãy và cậu ngồi nhổm chân trên đó. Sách để trên bàn, vở cần ghi chép để ở ghế. Thầy cô ở trường vẫn nhớ chuyện hồi đầu năm lớp 2 cô giáo kêu tên Nguyễn Minh Trí lên bảng làm bài. Trí lẳng lặng lên bục giảng, dùng chân phải làm chân trụ, chân trái kẹp lấy viên phấn trắng. Những dòng chữ đẹp đều đặn hiện ra trước bao ánh mắt ngỡ ngàng. Cô giáo, cả lớp cùng ồ reo lên, vỗ tay tán thưởng.

Học sinh xuất sắc

Mấy anh chị lần lượt bỏ học sớm đi làm kiếm sống, rồi lập gia đình. Mọi chuyện trong nhà chỉ mỗi trông nhờ vào tiền công từng buổi làm thuê của cha mẹ già. Sau cơn bạo bệnh người anh kế bỏ học, chỉ còn Trí ngày ngày một mình lầm lũi tới trường. Học trò vùng sâu vốn đã thiệt thòi, nhà nghèo lại trơ trọi giữa chốn đồng không mông quạnh càng thiếu thốn hơn. Em lội bộ đến trường xa gần bốn cây số, còn mùa nước nổi tự bơi xuồng ngày hai buổi đi về. Bạn bè kể rằng cha mẹ đi làm sớm, Trí đi học lót dạ thường là củ khoai, chén cơm nguội.

Thầy cô đều khen Trí siêng năng, cần mẫn, học giỏi, đặc biệt vẽ rất có nét. Một số tranh của em được giáo viên giữ lại treo trong lớp. Năm rồi em học lớp 7A2 Trường THCS Thạnh Mỹ Tây. Cô Lê Hồng Ngọc Rạng Đông, giáo viên chủ nhiệm, tự hào nói về cậu học trò của mình: "Rất chăm, ngoan hiền. Hai năm rồi đều là học sinh xuất sắc tiêu biểu của trường".

Năm học mới này vào lớp 8, chuẩn bị ngày tựu trường sắp đến, Trí cặm cụi ngồi viết tên mình, tên môn học lên từng quyển vở. Em hồn nhiên tâm sự rằng mình cố gắng học thật giỏi để sau này làm thầy giáo. "Ngoài ra con muốn làm thêm nghề họa sĩ để có tiền lo cho cha mẹ già yếu..." - em bỏ lửng câu nói, ánh mắt chợt xa xăm...

ĐỨC VỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên