01/12/2013 08:48 GMT+7

Ước mơ của ông lái đò trên sông Hóa

BÙI HƯƠNG
BÙI HƯƠNG

TT - Xóm Thượng là một phần của thôn Lô Đông, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) bị sông Hóa chia cắt khiến xóm nằm tách biệt ở bên bờ huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.

Bao đời nay, hơn trăm hộ của xóm Thượng bị biệt lập với trung tâm xã, chưa kể đi đâu, chỉ muốn vào xã cũng phải qua đò. Cuộc sống của người dân nơi đây chỉ biết trông chờ vào chiếc đò nhỏ cùng sự nhiệt tình chở khách sang sông miễn phí của ông lái đò. Đó là ông Trần Văn Khương, 53 tuổi, ở xã Vĩnh Long. Ông lái đò ấy chỉ có một ước ao duy nhất là quê nghèo của ông có được một cây cầu.

Vì tình làng nghĩa xóm

Năm năm nay, ông Khương gắn với bến đò và dòng sông Hóa. Ngày nào cũng vậy, cứ 4g sáng, ông Khương lại bắt đầu công việc quen thuộc của mình bất kể ngày nắng cũng như ngày mưa bão. Chuyến đò sớm nhất trong ngày là chở các em học sinh và bà con qua sông đi học, đi làm. Với người dân bị “ngăn sông lỡ đò” nơi đây, con cái được học hành đến nơi đến chốn là niềm hạnh phúc khôn nguôi. Ông Khương tâm sự: “Chính vì muốn bà con được thông đôi bờ và các cháu được đến trường bình thường, năm năm trước, sau đợt ốm phải mổ, tôi nghỉ đi tàu tư nhân. Là người có bằng lái tàu thuyền nên khi được bà con nhờ cậy, tôi hạ quyết tâm nhận chiếc đò cũ của xã giao rồi sửa sang lại để đưa bà con qua sông đi đồng áng, chợ búa, học hành... Tôi không thu tiền của một ai cả, chủ yếu là lấy cái phúc cho con cháu sau này thôi”.

Bà Phạm Thị Ngân, thôn Lô Đông, nói: “Ông Khương chẳng lấy tiền của ai cả, ông làm nhiệt tình đến râu tóc dài ra mà không rảnh để đi cắt. Có hôm ông ấy ốm, vợ ông không cho ông ấy lái đò nhưng chúng tôi cần quá, gọi ông thì ông cũng chở mà chẳng bao giờ lấy tiền nong gì cả, tấm lòng của ông rất là quý. Không có đò, những người dân chúng tôi chắc chỉ biết khóc”.

Chủ nhật tuần trước, 12g đêm, đúng vào hôm lạnh đầu mùa lại mưa gió, ông Khương giật mình thức dậy khi có điện thoại. Nghe xong ông vội vàng đưa đò sang bờ xóm Thượng chở chị Thông đi cấp cứu vì đau bụng dữ dội. Hồi đầu năm, một ca nửa đêm đau bụng đẻ phải sang sông gấp. Những lúc đấy, ông Khương không thể chậm trễ bởi ông bảo không thể đùa với mạng người, nhanh phút nào là quý phút đấy.

Vào những ngày mùa thì cả ngày không lúc nào ông Khương được rảnh tay. Cả sáu xóm của thôn Lô Đông đều phải qua sông gặt lúa ở đồng xóm Thượng. Hàng dài xe lúa đứng chờ được lên đò ông Khương chở về nhà. Mồ hôi nhễ nhại đẩy đò nhưng ông Khương vẫn vui vẻ đùa tếu với bà con.

Chị Trần Thị Bình, em gái ông Khương, than thở: “Không lúc nào anh ấy rời đò được, đến ngày tết, ngày giỗ cha cũng không về. Nếu có về thì cúng xong là anh ấy đi ngay cũng chẳng kịp ăn. Có ai bắt anh ấy gắn cái khổ vào người đâu, khuyên anh ấy nghỉ nhưng có được đâu”.

Dường như mọi người trong xã đã quen với sự nhiệt tình vô điều kiện của ông Khương nên đôi khi họ vẫn trách móc nếu có trễ đò vì lầm tưởng nhiệm vụ của ông là phải phục vụ bà con. Ông Khương cũng chỉ biết cười xin bà con thông cảm nhưng dần dần người làng xã ai cũng biết “tiền công” của ông rất đặc biệt, nó không phải là tiền mặt mà là tình làng nghĩa xóm, là tiếng cười hạnh phúc của bọn trẻ được cắp sách đến trường.

Giấc mơ cây cầu

Với 60-70 chuyến qua lại trên sông Hóa mỗi ngày, chiếc đò nhỏ của ông Khương tiêu tốn hơn 50.000 đồng tiền dầu mỗi ngày. Rồi mỗi tháng ông lại phải đóng cho hợp tác xã 150.000 đồng tiền tu sửa thuyền. Nhưng hợp tác xã cũng chỉ hứa sửa thuyền cho ông khi nào thuyền hỏng, còn máy hỏng thì ông phải tự bỏ tiền sửa lấy. Mặc dù vậy ông vẫn chở đò miễn phí, may mắn có khách lạ đi đò, họ trả 2.000-3.000 đồng một lượt, ông mới có thêm chút ít bù vào tiền dầu cho mỗi chuyến đi. Khách lạ thì đâu có mấy, chỉ toàn bà con trong thôn xóm nên hầu như tháng nào ông cũng phải bù tiền để mua dầu và nộp tiền cho hợp tác xã.

Là người có nhiều năm kinh nghiệm sông nước, ông Khương thông thạo từng khúc sông, từng dòng nước xoáy và thấu hiểu những khó khăn vất vả mà sông nước mang lại. Mỗi khi đến mùa mưa lũ, sông Hóa càng chảy xiết, nước sông dâng cao, đoạn sông gấp khúc che khuất tầm nhìn. Lúc đấy, ông Khương lại càng phải thận trọng hơn trong mỗi chuyến sang sông, trong cách dìu đò theo con nước lũ. “Người chở đò ở đây rất chi là vất vả. Vất vả ở chỗ không có quy định gì hết, không có lương, chỉ có quy định duy nhất là phải phục vụ nhân dân sớm tối đi lại học hành. Cho nên phải nhiệt tình lắm mới làm được công việc này” - ông Phạm Trung Hiên, trưởng thôn Lô Đông, cho biết và mong mỏi một ngày không xa, người lái đò quê ông có chút lương gọi là động viên.

Chính vì thấy chồng vất vả nên bà Trần Thị Thúy, vợ ông Khương, lúc nào cũng thấp thỏm lo lắng cho ông. Bà bảo: “Ba đứa con, con gái lớn miền Nam, con gái thứ thì ở tận ngoài trung tâm huyện, còn thằng con trai đi lái xe xa nhà suốt, nhà chỉ còn hai ông bà già. Nay ông ấy ra ngoài bến đò, mỗi mình tôi thui thủi trông nom nhà cửa ruộng vườn, vừa buồn vừa thương ông. Chỉ mong hôm nào vơi khách, ông ấy về ăn với tôi một bữa cơm cho đầm ấm cũng khó lắm. Tôi bảo ông ấy thôi nhưng ông nhất định làm. Ông ấy bảo đưa đò nó vui, vả lại nghỉ thì ai làm, người ta làm người ta lại thu tiền thì bà con lấy tiền đâu mà trả khi có ngày phải năm lần bảy lượt qua sông”.

Ánh mắt lúc nào cũng khắc khoải và nhìn xa xăm vào đôi bờ bị chia cắt bởi dòng sông Hóa, ông Khương trầm ngâm: “Tôi chỉ ao ước quê nghèo của tôi có được cây cầu nho nhỏ thôi để bà con đỡ khổ. Và cũng để bà nhà tôi không phải trông ngóng tôi hằng ngày nữa, nhất là những lúc tết nhất, giỗ chạp, lúc trái gió trở trời... Chính vì vậy mỗi lần đưa các cháu học sinh qua đò, tôi dặn chúng phải học thật giỏi để sau này về xây dựng cây cầu thật hoành tráng cho quê hương”.

jgFnSdcS.jpgPhóng to
Ông Khương (trái) đưa đò qua sông - Ảnh: Bùi Hương

Tấm gương tiêu biểu

Biết được nghĩa tình của ông Trần Văn Khương, năm 2012 TP Hải Phòng đã khen thưởng và Thành đoàn Hải Phòng trao tặng một chiếc thuyền mới cùng 30 áo phao và 20 chiếc phao cho ông Khương và người dân nơi đây để những chuyến đò ông chở được an toàn hơn. Ngày 3-11, ông Khương là một trong năm tấm gương tiêu biểu trong đời sống xã hội được Tập đoàn sơn Kova trao giải thưởng về thành tích “Năm năm qua ông đã lái đò đưa 3 triệu lượt học sinh và người dân đi về an toàn miễn phí trên sông Hóa”.

BÙI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên