GS Thái Kim Lan chia sẻ những câu chuyện về dạy con - Ảnh: Mai Thụy |
Trò chuyện tại buổi ra mắt, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - hội trưởng hội quán Các bà mẹ - cho hay hai cuốn sách đều do NXB Phụ Nữ phối hợp với hội quán Các bà mẹ phát hành.
Màu của nước là tự truyện của nhà văn James McBride, anh từng là đứa trẻ da đen bị phân biệt đối xử, kỳ thị trong xã hội Mỹ. Vượt lên tất cả, anh bắt đầu cuộc hành trình đi tìm cội nguồn và căn tính của mình.
Nếu Màu của nước là câu chuyện về ý chí con người, thì Thư gửi con của tác giả Thái Kim Lan là những trang viết thấm đẫm tình mẹ.
Ở đấy, bà Kim Lan đã bày tỏ những suy tư của một người phụ nữ sống giữa lòng nước Đức quyết định nuôi dạy con theo cách riêng của người Việt.
Trò chuyện với độc giả, GS.TS Thái Kim Lan nói Thư gửi con là nơi chất chứa rất nhiều tình cảm của bà. “Khi mang thai lần đầu tiên, tôi không còn trẻ nữa.
Thế nhưng tôi lại luôn phân vân không biết phải nuôi dạy con thế nào. Để có thể giải đáp thắc mắc của mình, tôi xin nhiều lời khuyên từ sách vở, chuyên gia. Và các lời khuyên ấy đã được đúc kết trong cuốn sách này” - tác giả chia sẻ thêm.
Có mặt tại buổi trò chuyện, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc cho rằng hiện nay có rất nhiều bậc phụ huynh đi tìm phương pháp dạy con theo kiểu Nhật, kiểu Mỹ hay kiểu Do Thái, trong khi những tinh hoa trong cách giáo dục con trẻ theo kiểu Việt Nam lại bị lãng quên. Đây cũng là một điều rất đáng quan tâm, vì đứa trẻ lớn lên sẽ bị lạc lõng trong chính môi trường sống của nó. |
Khán giả hào hứng theo dõi buổi giao lưu - Ảnh: Mai Thụy |
“Cuốn sách của Kim Lan sẽ cho bạn đọc thấy những băn khoăn của người mẹ khi đứa con lọt lòng, đó là câu chuyện cho con bú sữa gì, có nên cho trẻ nằm nôi hay không… đời thường nhưng lại rất quan trọng” - bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc giới thiệu.
Chia sẻ về phương pháp dạy con, tác giả Thái Kim Lan nghĩ dù người mẹ có tìm kiếm cách dạy trẻ từ các nước khác nhưng không áp dụng hoàn toàn được, bởi họ là người Việt nên việc phối trộn các phương cách dạy con đôi khi làm người mẹ trở nên bối rối.
“Thế nhưng việc nuôi dạy con theo nước nào không hoàn toàn là vấn đề, quan trọng là người mẹ phải cho con mình biết họ yêu thương con như thế nào” - bà bày tỏ.
Tác giả Thư gửi con còn chia sẻ: “Để nuôi dạy con tốt, người mẹ cần phải hiểu được 3 vấn đề: Thứ nhất, biết cảm nhận sự rung cảm của mình dành cho con.
Thứ hai, người mẹ phải tìm hiểu về thế giới xung quanh để biết con mình cần gì cho việc phát triển trong xã hội.
Cuối cùng, chúng ta phải thắng được cái tôi ích kỷ của mình và cho phép con cái có tư duy độc lập”.
ThS Đinh Thanh Phương giới thiệu sơ lược về cuốn Màu của nước - Ảnh: Mai Thụy |
GS.TS Kim Lan tâm sự có lúc cô phải từ Đức về Việt Nam để hoạt động xã hội, lúc trên máy bay cô đã dành thời gian viết cho con những lá thư hỏi thăm và gửi ngay khi vừa hạ cánh, điều đó khiến Kim Lan và con gắn bó với nhau kể cả khi phải xa cách.
Tiến sĩ Bùi Trân Phượng cũng đồng quan điểm với tác giả Kim Lan, bà cho rằng cha mẹ phải luôn chủ động liên lạc để trò chuyện với con cái và trở thành một điểm dựa đáng tin cậy của trẻ.
“Đến khi nào con xem mình là một người bạn, sẵn sàng chia sẻ mọi vấn đề cũng như tôn trọng ý kiến của mình thì tôi cho rằng đó là một thành công lớn lao của người mẹ” - bà Phượng chia sẻ.
Trong buổi giao lưu, Quỳnh Nhi, bạn trẻ đang ở Canada có dịp về thăm quê hương, bày tỏ:
“Từ những ngày còn bé, mình đã nghe được những điệu hát ru và câu chuyện cổ tích từ bố. Những điều ấy đã để lại dấu ấn trong mình nên khi lớn hơn một chút, mình đã quyết định học đàn tranh để có thể tìm hiểu thêm về văn hóa, con người Việt Nam…”.
Hiện Quỳnh Nhi đang là nghệ sĩ đàn tranh trẻ có nhiều buổi lưu diễn ở các nước trên thế giới.
Trong buổi trò chuyện, bà Thái Kim Lan cũng chia sẻ một câu chuyện khá thú vị. Sau nhiều năm ở Munich (Đức), bà đưa con gái trở về Huế thăm nhà.
Khi xe chạy ngang cầu Trường Tiền, cô bé thốt lên: “Mẹ ơi! Ước gì ở Munich cũng có dòng sông Hương chảy qua thì đẹp biết mấy mẹ nhỉ?”. “Câu nói đó khiến tâm hồn tôi tràn ngập trong hạnh phúc” - tác giả Kim Lan xúc động kể.
GS.TS Thái Kim Lan từng là giảng viên môn triết học đối chiếu tại Đại học Munich (Đức). Trước Thư gửi con, bà đã ra mắt độc giả một số cuốn sách gây được tiếng vang như Đốt lò hương ấy, Huệ tím… |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận