TTCT - 30% thủy thủ đoàn thế giới là những Pinoys (từ gọi đàn ông Phi) tưởng đã là nhiều. Ít ai biết rằng 55% thành viên nghiệp đoàn người đi biển Nhật là những Pinoys, tổng cộng lên đến 28.000 người vào năm 2009. Cũng ít ai biết rằng 1/6 quân số chiếc soái hạm USS Blue Ridge của hạm đội 7, tức 120/650 người, là những Pinoys! Vậy mà hải quân Phi lại tương đối yếu và già nua. Phóng to Hệ thống phòng không Phalanx CIWS Là dân đảo, người Phi có máu hải hành, nhất là khi “chủ nhân” của “những hòn đảo của nhà vua Philip” (đệ nhị xứ Tây Ban Nha) lại là một cường quốc hải quân. Nhà thám hiểm Tây Ban Nha Ferdinand Magellan tìm ra quần đảo này năm 1521, song phải đợi đến năm 1543 với một nhà thám hiểm Tây Ban Nha khác tên Ruy López de Villalobos mới đặt tên là Las Islas Filipinas (những hòn đảo của vua Filip), từ đó thành Philippines. Cả nước mở trường hàng hải Người Phi bắt đầu phục vụ trong hải quân Mỹ từ năm 1901 do sắc lệnh của tổng thống William McKinley cho phép hải quân Mỹ mỗi năm lấy vô 500 người Phi, sau khi Tây Ban Nha bán lại thuộc địa Philippines cho Mỹ vào năm 1898 với giá 20 triệu USD trong khuôn khổ hòa ước Paris năm đó. Học viện hàng hải đầu tiên ở đất nước này tên là Escuela Nautica de Manila (Trường hàng hải Manila) được thành lập từ năm 1820 trong khu sau này gọi là phố cổ nội thị ở thủ đô Manila. Sau khi người Mỹ thế chân người Tây Ban Nha, trường này được đổi tên thành Trường hàng hải Philippines (Philippine Nautical School - PNS). Dưới sự lãnh đạo của hải quân Mỹ, trường này được trang bị cho hoạt động giảng dạy bởi chính phủ mẫu quốc. Đến trước Thế chiến thứ nhì, trường này mở rộng hoạt động, không chỉ đào tạo sĩ quan hàng hải mà cả kỹ sư hàng hải và thủy thủ. Đến năm 1963, PNS đổi tên thành Học viện hàng hải Philippines (Philippine Merchant Marine Academy - PMMA), dạy và cấp bằng cử nhân khoa học (BS) chuyên ngành hàng hải (1). Song PMMA công lập chỉ là một trong những trung tâm đào tạo hàng hải ở đất nước mà nghề đi biển được đánh giá là “hái ra tiền” cả ở góc độ nhà nước lẫn cá nhân. Bên cạnh PMMA còn có gần trăm trường tư khác, trong đó nổi tiếng chất lượng cao và học phí cao là Trường PMI (Philippine Maritime Institute), một trường tư thành lập từ năm 1948 và có đến 13.000 sinh viên. Học phí đắt do học cụ rất đắt, tỉ như một máy mô phỏng (tạo cảm giác đang trên một buồng lái tàu) trị giá 10 triệu USD, song vẫn phải mua. Ngoài ra còn có những lớp tu nghiệp, ôn luyện lý thuyết ngắn ngày. Ấy vậy mà nay chế độ đào tạo này đang bị đe dọa sau khi Cơ quan An toàn hàng hải châu Âu (EMSA) kiểm định các trường đào tạo này và chê rằng một số thiếu chuẩn! Sau vụ này, ba trường đã bị đóng cửa để bảo vệ thanh danh ngành hàng hải Phi (2). Gia nhập hải quân Mỹ Trong số 65.000 người nhập cư đang phục vụ trong quân lực Mỹ, hiện có đến 23% là người Phi và đa số phục vụ trong hải quân. Người Phi bắt đầu phục vụ trong hải quân Mỹ từ năm 1901 do sắc lệnh của tổng thống William McKinley cho phép hải quân Mỹ mỗi năm lấy vô 500 người Phi, sau khi Tây Ban Nha bán lại thuộc địa Philippines cho Mỹ vào năm 1898 với giá 20 triệu USD trong khuôn khổ hòa ước Paris năm đó. Được “sang tay” trở thành dân thuộc địa Mỹ, dân Phi có được/bị đi lính cho Mỹ cũng không khó hiểu, y hệt như dân Việt đi lính cho thực dân Pháp, thậm chí cùng các ông chủ Pháp đánh chiếm đất nước mình từ cuối thế kỷ 19 trong bộ vó lính tập An-nam, lính tập Bắc kỳ (tirailleurs annamites, tirailleurs tonkinois), thậm chí đưa sang Pháp (và châu Âu) tham gia Thế chiến thứ nhất và bỏ mạng bên đó. Sau khi trả độc lập cho Philippines vào ngày 4-7-1946 (đúng ngày Quốc khánh Mỹ), Washington ký ngay vào năm sau một hiệp định mới gọi là Thỏa ước về các căn cứ quân sự với Cộng hòa Philippines để tiếp tục việc tuyển dụng người Phi tình nguyện đăng ký vào hải quân Mỹ. Đến năm 1952, do nhu cầu của chiến tranh Triều Tiên, quân số người Phi mỗi năm gia nhập hải quân Mỹ được tăng từ 500 lên 1.000 người. Đến năm 1954, con số này được nâng lên 2.000 người và Bộ Tư lệnh hải quân Phi chịu trách nhiệm tuyển dụng sẵn số binh sĩ này (3). Người Phi đi biển hăng hái gia nhập và phục vụ lực lượng hải quân Mỹ phần nào còn vì khả năng được nhập tịch Mỹ sau ba năm công tác tốt, theo tinh thần luật nhập cư năm 1940. Trong quân đội Mỹ, người Phi cũng được lên lon, tưởng thưởng huân chương, huy chương. Năm 1915, Telesforo Trinidad of Imus, dân cảng Cavite, được Quốc hội Mỹ truy thưởng Huân chương chiến công do đã thiệt mạng khi nồi xúp-de chiến hạm USS San Diego phát nổ. Trong hải quân Mỹ hiện có ba đề đốc người gốc Phi. Trung tá Leopoldo Albea Jr. là người Phi hai đời tham gia hải quân Mỹ - cha ông này đã phục vụ trong 28 năm (4)! Phóng to Tuần dương hạm Gregorio Del Pilar rút về án ngữ vịnh Manila trong bão tố - Ảnh: Danh Đức Nỗi buồn nhược tiểu Nhân sự hàng hải được đào tạo và huấn luyện khá chuẩn, song hải quân Philippines lại được trang bị dưới sức mình. Ngày “Hải quân” Philippines lần thứ 74 năm nay vào ngày 24-4 đã diễn ra trong bầu không khí căng thẳng vụ va chạm đang cù cưa ở dải đá ngầm Scarborough từ ngày 8-4 trước đó. Quyền tư lệnh hải quân, đề đốc Orwen Cortez, và tư lệnh hạm đội, đề đốc Jose Luis Alano, đã biểu dương những đơn vị hải quân Philippines nào là xuất sắc năm ngoái? Chiếc tiểu đĩnh BRP Dagupan City vì công tác cứu trợ nạn nhân cơn bão Pedring Sendong. Chiếc BRP Leovigildo Gantioquy được phong là “pháo đĩnh của năm”. Chiếc duyên tốc đĩnh Diesel Fast Craft 341 được phong là “tuần duyên đĩnh của năm”. Chiếc Navy Islander 314 được phong là “máy bay hải lực của năm”... Ngó tới ngó lui toàn là vào hàng “đĩnh” (tàu nhỏ) tuần duyên (ven bờ, LCS, Littoral Combat Ship), chứ không có hạm (tàu lớn), càng không có tuần dương hạm (tàu chiến lớn tuần tiễu xa bờ trên đại dương, OPV, Offshore Patrol Vessel), chỉ là một “hạm đội nước nâu” (brown-water navy) tuần tiễu ven bờ, nơi nước sông còn trộn với nước biển chưa được trong xanh, vẫn còn nâu phù sa, chưa phải là một hạm đội đại dương xanh (blue-water navy) có khả năng bảo vệ hết vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) tận 200 hải lý cách xa bờ. Cũng may là hải quân Philippines còn có vài chiếc máy bay thám thính, vận tải hạng nhẹ Islander hai chong chóng của Hãng Britten-Norman (Anh) có tầm bay 1.400km, song chưa thể nào gọi là máy bay tuần tiễu! Hoạt động của hải quân Phi, đặc biệt là lực lượng phòng vệ duyên hải (Coast Guard), và ở quần đảo mỗi năm hứng 20 cơn bão này công tác chủ yếu là tìm kiếm và cứu hộ (SAR), làm công tác dân sự vụ! Tại một hội thảo ở châu Á - Thái Bình Dương, một trung tá hải quân Philippines đã đề cập nhiều đến chức năng này của phòng duyên Philippines. Thật tốt lành cho dân chúng cứ phải hứng bão tố, song đến khi hữu sự vào tháng 4 năm nay thì hải quân Philippines mới cay đắng nghiệm ra rằng “lực bất tòng tâm”. Tuần dương hạm BRP Gregorio Del Pilar, mà người Phi tự hào nhận từ lực lượng phòng duyên Mỹ, thật ra là tuần dương hạm WHEC (White High Endurance Cutter) đã chào đời từ tháng 12-1965, nhập ngũ tháng 3-1967, giải ngũ tháng 3 năm ngoái, được bán lại cho hải quân Philippines với giá 13 triệu USD (450 triệu peso). Mua một con tàu “giải ngũ” thì rẻ song chi phí vận hành thì không rẻ, ước tính 120 triệu peso mỗi hai năm, tức vận hành, bảo trì bảy năm là bằng giá mua con tàu! Chi phí cao một phần vì máy cũ, tốn nhiên liệu. Biết sao bây giờ khi mọi chi tiêu ở đất nước có GDP/đầu người gấp đôi Việt Nam này là hạn chế vì bị kiểm tra nghiêm ngặt. Muốn có 13 triệu USD mua chiếc này phải gõ cửa Bộ Năng lượng nhờ cậy đầu mối các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí trên biển Tây và Nam Philippines! Song đó chưa phải là nỗi buồn nhược tiểu! Trước khi bàn giao, chiếc tuần dương hạm lớp Hamilton này còn được trang bị một khẩu hải pháo Mk.75 Oto Melara 76mm ở mũi tàu, hai khẩu Mk.38 M242 Bushmaster 25mm song hành gắn ở giữa tàu và một hệ thống vũ khí chuyên đánh cận chiến Phalanx CIWS gồm pháo tự hành 20mm M61 Vulcan Gatling kết nối với một rađa, bắn đạn xuyên phá, vừa có thể phát hiện, đánh trả máy bay lẫn tàu chiến. Song đến khi bàn giao cho hải quân Philippines, hai khẩu Mk.38 M242 Bushmaster 25mm, hệ thống vũ khí cận chiến Phalanx CIWS và dàn rađa AN/SPS-40 bị gỡ ra, chỉ còn để lại khẩu hải pháo Mk.75 Oto Melara 76 ở mũi tàu. Hải quân Philippines thay thế bằng cách lắp vào một cặp pháo 25mm kép, sáu đại liên 50 và hai pháo 20mm, không có rađa dẫn đường (5). Đến chiếc thứ nhì cùng loại, chiếc BRP Ramon Alcaraz, cho dù phía Philippines có yêu cầu đừng tháo gỡ vũ khí then chốt như chiếc BRP Gregorio Del Pilar, song “Washington đã khước từ yêu cầu của Manila nhằm giữ lại toàn bộ hệ thống vũ khí trên chiếc chiến hạm phòng duyên sắp nhận” - tờ Philippine Daily Inquirer ngày 22-5-2012 buồn bã đưa tin. __________ (1) The Philippine Merchant Marine Academy, http://www.pmma.edu.ph/about/history.html(2) Filipino seamen, Wikipedia(3) Bureau of Naval Personnel, Filipinos in the United States Navy, October 1976(4) Rodney Jaleco, Pinoy sailors in US Navy eye deployment to PH, ABS-CBN North America News Bureau(5) BRP Gregorio del Pilar (PF-15), Wikipedia Tags: Trung QuốcPhilippinesHồ sơBiển cảDải đá ngầm Scarborough
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Nga tuyên bố có quyền đưa tên lửa Oreshnik đến châu Á để đối phó Mỹ NGHI VŨ 25/11/2024 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Nga có thể triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong phản ứng với các hành động của Mỹ.
Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, trào dâng cảm xúc người lính DUY LINH 25/11/2024 Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, người từng là phi công tiêm kích rồi tư lệnh không quân, đã dừng hồi lâu trước chiếc MiG-21 số hiệu 5121 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.