05/10/2021 12:54 GMT+7

UNICEF: Cứ 7 trẻ vị thành niên, có 1 em rối loạn tâm thần

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Theo báo cáo mới nhất của UNICEF, cứ 7 trẻ thì có hơn 1 trẻ vị thành niên từ 10-19 tuổi trên toàn cầu đã bị chẩn đoán mắc rối loạn tâm thần. Mỗi năm, có gần 46.000 trẻ vị thành niên tử vong do tự tử.

UNICEF: Cứ 7 trẻ vị thành niên, có 1 em rối loạn tâm thần - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trao quà hỗ trợ cho trẻ em mồ côi vì dịch COVID-19 tại quận 8 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Ngày 5-10, Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) đưa ra báo cáo mới nhất về "Tình hình trẻ em thế giới 2021; Trong tâm trí tôi: thúc đẩy, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe tâm thần của trẻ em".

Báo cáo của UNICEF xem xét các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần và hạnh phúc của trẻ em và thanh thiếu niên, đặc biệt tập trung vào việc phân tích các yếu tố nguy cơ và bảo vệ tại gia đình, trường học và cộng đồng trong việc hình thành kết quả liên quan đến sức khỏe tâm thần.

Theo số liệu ước tính mới nhất, cứ 7 trẻ thì có hơn 1 trẻ vị thành niên từ 10-19 tuổi trên toàn cầu đã bị chẩn đoán mắc rối loạn tâm thần. Mỗi năm có gần 46.000 trẻ vị thành niên tử vong do tự tử, trở thành 1 trong 5 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nhóm tuổi này.

Đại dịch COVID-19 đã chuẩn bị bước sang năm thứ ba, đã và đang tiếp tục tác động nặng nề lên sức khỏe tâm thần cũng như điều kiện sống của trẻ em và thanh thiếu niên.

Theo dữ liệu mới nhất từ UNICEF, hơn 1,6 tỉ trẻ em phải hứng chịu những thiệt hại nhất định về giáo dục. Gián đoạn trong sinh hoạt, giáo dục, giải trí cũng như trăn trở về thu nhập gia đình và sức khỏe đang khiến nhiều người trẻ rơi vào cảnh lo sợ, tức giận và băn khoăn về tương lai.

Báo cáo yêu cầu đầu tư khẩn cấp vào sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh thiếu niên trong các lĩnh vực, không chỉ trong lĩnh vực y tế.

Đồng thời chỉ ra rằng những can thiệp trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục và bảo trợ xã hội đã được chứng minh là có hiệu quả, ví dụ như các chương trình làm cha mẹ và các chương trình trong các nhà trường.

Bên cạnh đó, kêu gọi xã hội phá vỡ sự im lặng xung quanh vấn đề sức khỏe tâm thần, bằng cách xóa bỏ kỳ thị, tăng cường hiểu biết và xem xét nghiêm túc những trải nghiệm của trẻ em và thanh niên.

Báo cáo của UNICEF chỉ ra, những rối loạn tâm thần được chẩn đoán bao gồm rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), lo âu, tự kỷ, rối loạn lưỡng cực, rối loạn cư xử, trầm cảm, rối loạn ăn uống, khuyết tật trí tuệ và tâm thần phân liệt có thể gây tổn hại đáng kể đến sức khỏe, việc học tập, kết quả cuộc sống và năng lực tạo ra thu nhập sau này của trẻ em và thanh thiếu niên.

Đồng thời nhấn mạnh đến các yếu tố bảo vệ như người chăm sóc giàu tình yêu thương, môi trường nhà trường an toàn và các mối quan hệ bạn bè đồng trang lứa tích cực có thể giúp giảm thiểu nguy cơ rối loạn tâm thần ở trẻ em.

Tập huấn giáo viên hỗ trợ trẻ mồ côi Tập huấn giáo viên hỗ trợ trẻ mồ côi

TTO - Nhiều phòng Giáo dục và đào tạo ở TP.HCM đã gửi văn bản cho Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đề nghị hỗ trợ về mặt chuyên môn để các trường thực hiện hiệu quả nhất nhiệm vụ nâng đỡ tinh thần cho học sinh mồ côi vì COVID-19.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên