TTCT - Gần đây, có thể thấy mối lo đang lớn dần lên trong dư luận xung quanh câu chuyện chất lượng sách. Nhiều câu hỏi mặc nhiên được đặt ra: Chất lượng sách đang bày bán trên thị trường hiện nay ra sao? Những yếu tố độc hại, phản cảm, những sai sót, vô tình hay cố ý, sẽ gây hại cho nhận thức và tình cảm của người đọc, nhất là độc giả trẻ em, thế nào? Sẽ phải ứng xử ra sao nhằm phòng ngừa những cái xấu độc, gây hại ấy? Có thể thấy dư luận đặc biệt lưu ý đến mảng sách gắn với độc giả trẻ em. Từ sự phát hiện về cuốn sách in những truyền thuyết hay thần thoại cổ xưa bỗng xen vào những đoạn miêu tả gần với những trang truyện tình dục hiện đại khiến người ta ngờ vực dụng ý bất chính của người làm sách. Rồi những tình thế giả định cực kỳ phản cảm (chặt ngón tay!) được đưa ra để dẫn tới một đề bài toán học.Rồi đến chuyện phát hiện một loạt cuốn “từ điển tiếng Việt” được nhái theo một cuốn từ điển ít tăm tiếng từng có mặt hơn bốn chục năm trước với những giải nghĩa rất tùy tiện, bịa đặt, “cà chớn”, được in với dụng ý “phục vụ” học sinh! Theo cái mạch phát hiện những sự lạ “giật mình” ấy trong rừng sách, người ta bắt đầu chú ý “soi” vào các trang sách bất kỳ. Quả nhiên, chỉ vừa “soi” vào bìa sách đã “giật mình” thấy một cuốn sách luật nghiêm chỉnh lại bị bọc bởi cái bìa hí họa giễu cợt!Hiệu quả có vẻ rất đắc ý từ ca “soi” này dường như đang kích thích những ca “soi” khác, đến mức một đôi chỗ sách dạy đọc các từ tiếng nước ngoài theo lối phiên âm Việt hóa (một lối làm sách dạy ngoại ngữ đã lỗi thời) cũng bị người ta đánh dấu ngờ vực, khi nó ngẫu nhiên trùng hợp với những từ tiếng Việt có mùi “tục tĩu”!Sự thể như đang hứa hẹn một tâm thế cảnh giác có thể lên đến cao độ, có thể dẫn dắt đến những thái độ vội vã và sai lạc về vấn đề này.Giữ đúng những chuẩn mực văn minh Tất nhiên ngành nghề nào cũng không thiếu những kẻ cơ hội, muốn làm mỏng ăn dày. Những cuốn sách bị tố ra những chỗ sai hỏng, rốt cuộc thường đều lộ ra những “quy trình” làm dối làm ẩu, làm ăn ngang tắt. Trong điều kiện của ta hiện nay, mỗi khe hở về quản lý, mỗi quy phạm ưu tiên ưu đãi thường đều bị lợi dụng triệt để. Chẳng hạn khu vực sách tham khảo, sách dùng cho học sinh thường bị lợi dụng và lạm dụng, vì không ít cuốn sách trong loại này được xem như “sách luyện thi”, sách thiết yếu, giới học trò và cha mẹ họ thường chú ý tìm mua. Nếu không trà trộn được vào loại sách “từ điển dành cho học sinh” thì số lượng những cuốn “từ điển” nhái theo “từ điển Vũ Chất” đã không thể nhiều đến vậy. Một khe hở quản lý đã bị lợi dụng chính là cơ chế liên kết trong xuất bản, được mở ra từ đầu những năm 1990, đã dần biến các nhà xuất bản (là doanh nghiệp nhà nước) thành những kẻ “bán giấy phép” in sách, còn các bên liên kết (là những doanh nghiệp tư nhân) được tổ chức kinh doanh sách mà không phải trực tiếp chịu trách nhiệm về mỗi đầu sách.Phía cơ quan quản lý đòi hỏi cả hai bên (nhà xuất bản và bên liên kết) phải đồng thời chịu trách nhiệm, song thực tế cho thấy từ cơ chế nửa bao cấp nửa thị trường này đã nảy sinh khá nhiều vụ việc rắc rối. Những lỗi lầm, sai sót ở sản phẩm thường bị hai phía - nhà xuất bản và bên liên kết - đổ thừa cho nhau, và người ngoài cuộc thấy rõ nguyên nhân chính là ở cơ chế kể trên. Trong tâm thế ấy, có lẽ với việc cơ quan chức năng xuống tay phạt nặng (mức tiền phạt khá cao) một vài vụ làm sách có dấu hiệu phạm luật thì những lo lắng về “rác” sách (hay sách “rác”) xem ra được vỗ về, an ủi đôi phần.Thậm chí, phấn khích nhân sự trừng phạt này, đã có đôi ý kiến như muốn tăng thêm quyền kiểm soát, “kiểm duyệt” cho cơ quan chức năng về xuất bản. Thế nhưng, phải chăng giải pháp cho vấn đề rốt cuộc vẫn là cứ phải trông chờ ở cơ quan chức năng, tức là trông chờ ở sự kiểm soát của bộ máy nhà nước?Và liệu các cơ quan chức năng của Nhà nước có thể làm được tất cả những gì cần thiết để đảm bảo chất lượng sách in ra bán đúng như mong muốn của những ai có quan tâm, nhất là các bậc phụ huynh vốn dành sự lo lắng trước hết đến loại sách cho trẻ em? Xuất bản, tức là công bố những cuốn sách, vốn gắn với quyền tự do ngôn luận - một trong những quyền công dân cơ bản. Và về nguyên tắc, việc đảm bảo tự do ngôn luận trong lĩnh vực xuất bản đã được quy định trong Hiến pháp và pháp luật. Theo đó, trong điều 5, khoản 2 của Luật xuất bản đã minh định “Nhà nước không kiểm duyệt tác phẩm trước khi xuất bản”. Đây là một chuẩn mực văn minh mang tính toàn cầu đã được hiến định và luật định ở nước ta, hầu hết mọi người dân Việt đều mong các chuẩn mực pháp quy ấy trở thành thực tế cuộc sống chứ không chỉ là những dòng chữ đẹp đẽ trên giấy. Do vậy, người ta mong các cơ quan chức năng làm hết trách nhiệm của mình đối với thị trường sách, đặc biệt là trong việc chống sách nhái, sách giả, sách in chui, sách vi phạm bản quyền.Về mặt này, phải thừa nhận rằng các cơ quan chức năng mới chỉ làm được rất ít, chứng cứ là sách in nhái, in chui, sách vi phạm bản quyền vẫn còn lưu hành đây đó trên thị trường với số lượng không nhỏ, tức là vẫn lọt lưới kiểm soát của các lực lượng chức năng.Nhưng, hãy giả định rằng đến một lúc nhất định, các viên chức hữu quan làm hết trách nhiệm, các hiện tượng sách nhái, sách in chui, sách vi phạm bản quyền được khống chế đến mức thấp nhất thì sự thể sẽ ra sao? Xin thưa, ngay khi đó, câu chuyện chất lượng sách in vẫn chưa thể chấm dứt! Tại sao? Vì các cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản không phải là chỗ làm ra chất lượng của sách! Nơi nào cũng vậy, không riêng gì ở nước ta. Đâu mới là kẽ hở đáng lo?Chất lượng sách, trước hết và chủ yếu, tùy thuộc ở tác giả - người làm ra mỗi cuốn sách. Không phải ngẫu nhiên mọi tên sách đều buộc phải đi kèm với tên tác giả, bởi vai trò không thể thay thế của chủ thể này trong việc tạo ra giá trị của mỗi cuốn sách.Nhà xuất bản có vai trò không kém quan trọng, khiến một văn bản của tác giả có thể trở thành hoặc một cuốn sách in xoàng xĩnh, hoặc một cuốn sách in tầm trung bình, hoặc một ấn phẩm chất lượng cao (với chất lượng cao về biên tập, điều chỉnh được mọi sai sót ngẫu nhiên trong bản thảo của tác giả, đôi khi làm thêm được những chỉ dẫn thuận tiện cho việc sử dụng sách, nhất là đối với sách về các loại kiến thức, khoa học...).Các công nghệ mới trong nghề in hiện nay đang tạo cơ hội để nâng cao chuẩn mực làm sách.Song, mọi nỗ lực của nhà xuất bản, của công nghệ in ấn cũng sẽ không cứu nổi cuốn sách nếu những nội dung mà tác giả làm ra trong sách là xoàng xĩnh, thậm chí những mới mẻ, hiện đại của công nghệ sẽ chỉ làm phơi bày thêm những non kém, thô lậu trong các nội dung ban đầu của tác giả, nếu nó vốn dĩ yếu kém. Đứng từ phía các tác giả, hầu như mọi tác giả - có lẽ chỉ trừ những kẻ cơ hội, xu thời - đều chủ ý, tức là có thiện ý đưa ra xã hội những cuốn sách có chất lượng, nếu không chất lượng cao thì cũng ở mức trung bình, “dùng được”. Song, chất lượng sách lại là hiện trạng khách quan, được nhận định, phán xét chủ yếu bởi những người khác chứ không phải bởi tác giả! Kinh nghiệm nhân loại cho thấy ở lĩnh vực tìm tới giá trị của sách cần trông cậy ở hoạt động phê bình, trông cậy sự nhận xét từ phía giới chuyên môn, trông cậy sự lắng lại của dư luận về giá trị sách do thời gian - thời gian như cơ chế sàng lọc mọi giá trị.Đồng thời, cả sự nhận định lẫn sự sàng lọc đều nên được xem như những cơ chế có ý nghĩa tương đối, có thể giúp tiếp cận một loạt tham số định tính hay định lượng, song không thể giúp đưa đến một kết luận dứt khoát.Nằm ngoài những đánh giá hoặc nghiêm chỉnh hoặc thiên kiến tùy thời, trong thế giới sách vẫn có thể có những thứ nhất thời bị coi thường nhưng sẽ có lúc được coi trọng và ngược lại.Đến đây hẳn có bạn sẽ hỏi: giá trị sách khó xác định như thế, vậy tôi nên chọn sách thế nào mỗi khi vào các hiệu sách, hoặc để chọn mua sách cho chính mình, hoặc chọn mua sách cho con em?Lời đáp của tôi: Điều bạn nên làm là hãy cẩn thận đọc và chọn những cuốn sách tốt nhất theo ý mình, sau đó lắng nghe người ta bàn luận về những cuốn sách bạn đã từng mua. Tới lần khác, bạn cũng hãy làm như vậy!Tôi luyện trong thói quen đọc, tìm đến những mục điểm sách đàng hoàng trên những tờ báo đàng hoàng... sẽ dần trao cho bạn kỹ năng lựa sách đúng. Ta cần nhận rõ làm sách là một nghề. Nghề nào cũng nhằm đáp ứng những công chúng nhất định, những khách hàng nhất định, với cách thức chủ yếu là làm ra những sản phẩm tốt. Hãy tin rằng trong giới làm sách ở ta hiện nay, xu thế chủ đạo vẫn là hướng tới việc làm ra những cuốn sách tốt, sách hay, hướng theo những chuẩn mực chung của nhân loại.Nguồn khích lệ, động lực đua tranh trong nghề làm sách là ở đó chứ không thể khác. Có những người lăn lộn nhiều năm trong nghề làm sách từng than thở: gắng làm sách hay sách tốt còn chưa bán được, nói gì sách xấu sách hỏng! Quyền lực của người đọcVậy, trở lại câu chuyện chất lượng sách, câu hỏi là làm sao kiểm soát được chất lượng sách in? Rõ ràng chúng ta có thể đòi hỏi nhiều hơn ở các giới chức quản lý xuất bản, đòi hỏi nhiều hơn ở lực lượng chức năng trong quản lý hoạt động in ấn và kinh doanh sách. Song, chất lượng sách in không tùy thuộc ở các cơ quan ấy, các lực lượng ấy. Chúng ta đòi hỏi và trông đợi ở đạo lý nghề nghiệp của những người làm nghề sách, từ các tác giả, soạn giả, dịch giả, người làm xuất bản và phát hành, bởi đây là nghề nghiệp đưa đến cho khách hàng thứ sản phẩm chuyên biệt: các hệ thống tri thức, các giá trị văn hóa, nghệ thuật.Nhưng chúng ta cũng nên trông cậy ở chính mình, những người đọc sách, trong khi tiếp xúc với thế giới sách nên phản hồi mau lẹ về những sai sót, non yếu, phản cảm, nếu có, từ những cuốn sách cụ thể.Trong thế giới đã nối mạng hiện thời, những phản hồi như vậy sẽ có hiệu ứng rõ rệt. Bạn đọc khác sẽ kiểm tra sự phát hiện của bạn, đính chính hoặc xác nhận nó. Điều này sẽ tác động đến cuốn sách đang có tại các hiệu sách hoặc đã vào các thư viện. Người ta sẽ tẩy chay hoặc cảnh báo cho nhau tránh xa những ấn phẩm nhất định do các sai sót của nó.Một dư luận năng động, linh hoạt và nghiêm khắc một cách lịch thiệp về sách sẽ vừa cổ vũ vừa cảnh báo đối với giới đang sản xuất và kinh doanh sách. Suy cho cùng, làm ra và sử dụng các loại sách chính là các thành viên xã hội dân sự chúng ta, chính chúng ta chứ không ai khác đã và sẽ kiểm định chất lượng sách trên thị trường. Tags: Xuất bảnSách nhảmChất lượng sáchQuyền lực của người đọc
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đua theo ‘cơn sốt’ ăn táo đỏ, những ai không nên ăn? ĐOÀN NHẠN 22/11/2024 Nhiều người đang theo trào lưu mua táo đỏ trên mạng để ăn hằng ngày, nhưng cần lưu ý cách dùng đúng để đạt công dụng và tránh bất lợi.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.
Rộ tin tướng cấp cao Triều Tiên bị thương do tên lửa Storm Shadow UYÊN PHƯƠNG 22/11/2024 Các quan chức phương Tây cho biết một tướng cấp cao Triều Tiên đã bị thương trong cuộc tấn công của quân đội Ukraine tại vùng Kursk.
Gần 150 bộ hài cốt ở phố Tây Sơn không phải của binh lính nhà Thanh PHẠM TUẤN 22/11/2024 Ngày 22-11, nhà chức trách cho biết gần 150 bộ hài cốt phát hiện trên phố Tây Sơn, Hà Nội là của người dân bình thường, được chôn cất ở đây từ 50-70 năm.