Các nhà lập pháp cũng như mỗi công dân dù nổi tiếng hay không đều đang đứng trước những thử thách về cách ứng xử với quyền riêng tư.
Diễn đàn chủ nhật tuần này xin giới thiệu ý kiến của một số người xung quanh vấn đề nêu trên.
* Ông Lê Quốc Minh (tổng biên tập báo điện tử VietnamPlus):
Ông Lê Quốc Minh |
Cuộc chơi không sòng phẳng
Có một thực tế không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới là quyền riêng tư của người nổi tiếng đang ngày càng bị xâm phạm nhiều hơn trên báo chí. Độc giả càng tò mò về cuộc sống của họ thì cuộc sống của họ càng bị soi mói nhiều hơn.
Trừ trường hợp có những người cố tình tạo ra xìcăngđan hoặc cố tình để lộ thông tin cá nhân, có lẽ đa số người nổi tiếng, từ các chính khách, các thương nhân cho đến các nghệ sĩ, cầu thủ, người mẫu... chẳng thích thú gì với việc cuộc sống cá nhân của mình bị phơi bày trước hàng triệu con mắt như thế.
Báo chí nước ngoài còn trả tiền rất cao cho những thông tin, những tấm hình như vậy. Song một khi làm như thế, các báo đứng trước rủi ro bị kiện tội bôi nhọ, tội xâm phạm quyền cá nhân và khả năng bị phạt những khoản tiền lớn tại tòa.
Đã có “luật chơi” rõ ràng và họ chấp nhận điều đó, nếu không thì phải chọn cách làm báo có đạo đức.
Ở Việt Nam thì khác, những người nổi tiếng hoặc một người bình thường khi bị xâm phạm quyền cá nhân trên báo rất e ngại dính vào kiện tụng báo chí.
Vì thế, nhìn bề ngoài thì kiểu đăng tin gây sốc xâm phạm quyền riêng tư cá nhân trên một số báo Việt Nam không khác gì với báo chí quốc tế, nhưng thực tế là cuộc chơi không sòng phẳng vì đối tượng bị đưa tin hầu như lâm vào thế yếu.
Tôi cho rằng cách thức phù hợp khi xảy ra những trường hợp như vậy là giải quyết tại tòa án. Nếu chứng minh được cơ quan báo chí A xâm phạm quyền cá nhân của một nhân vật B thì phải phạt nặng làm tiền lệ cho các vụ việc khác.
Khi tôi ở quê, mẹ tôi hay nói: “Người dại ở truồng thì người khôn xấu hổ!”. Nhưng bây giờ người dại ở truồng, người tỉnh nhìn và chụp hình đưa ngay lên mạng. Mới thấy xã hội ngày càng văn minh, công nghệ ngày càng phát triển, nhưng nhận thức của con người dường như ngày càng đi xuống |
Ông Phạm Công Hùng (nguyên thẩm phán TAND tối cao) |
* TS Phan Thị Hương Thủy (Đoàn luật sư TP Hà Nội):
TS Phan Thị Hương Thủy |
Mọi công dân đều có quyền riêng tư
Có ý kiến cho rằng công dân có quyền tiếp cận thông tin và nêu vấn đề ranh giới của việc khai thác thông tin đời tư của những người nổi tiếng hay còn gọi là người của công chúng và các công dân bình thường khác.
Đúng là theo quan niệm thông thường trong xã hội, càng là người nổi tiếng thì càng phải có trách nhiệm với hình ảnh, việc làm của mình. Nhưng không có nghĩa đã là người nổi tiếng thì sẽ không còn chút quyền riêng tư nào.
Tôi cho rằng mọi công dân đều phải được bảo vệ khỏi các hành vi xâm phạm đời tư, dù đó là người nổi tiếng hay công dân bình thường. Ở Việt Nam, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật và đều được pháp luật bảo vệ khi quyền nhân thân bị xâm phạm.
Tuy nhiên, đối với những người nổi tiếng, thường là người mẫu, ca sĩ, diễn viên... hay được gọi với cụm từ “người của công chúng” bởi họ được một bộ phận công chúng ái mộ hơn những người khác, nếu họ không chú ý giữ gìn hình ảnh của mình nơi công cộng thì dễ trở thành đối tượng bị báo chí hoặc các cá nhân khác khai thác thông tin, tư liệu về đời tư đưa lên mạng.
Chúng ta biết rằng báo chí có chức năng thông tin và chức năng diễn đàn, cho nên không phải mọi trường hợp đưa thông tin đời tư lên phương tiện thông tin đại chúng đều trái pháp luật.
Và cũng không loại trừ một số người cố tình tạo xìcăngđan để được nổi tiếng hơn và báo chí vô hình trung trở thành công cụ để họ đánh bóng tên tuổi.
Chính vì thực tiễn cuộc sống liên quan đến quyền riêng tư muôn màu muôn vẻ, đòi hỏi quy định pháp luật phải hết sức rõ ràng và cụ thể để xã hội có cách hiểu thống nhất về vấn đề này.
Ví dụ, pháp luật cần định nghĩa thế nào là “bí mật đời tư của công dân”, thế nào là “quyền riêng tư” và tiếp tục hoàn thiện các cơ chế để công dân bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, đặc biệt là thông qua tòa án.
* Ông Lê Như Tiến(phó chủ nhiệm Ủy ban VH-GD-TN-TN&NĐ của Quốc hội):
Ông Lê Như Tiến |
Giới hạn của quyền riêng tư
Bàn về quyền riêng tư, chúng ta nên đi từ đạo luật gốc, đó là Hiến pháp. Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”.
Hiện nay Quốc hội đang sửa đổi Bộ luật dân sự và một số đạo luật liên quan, xem xét ban hành mới Luật an toàn thông tin, trong đó đều nhất quán tinh thần của Hiến pháp.
Nếu chúng ta tạm phân chia không gian sống của con người ra nơi công cộng và nơi riêng tư (ví dụ như nhà ở), xã hội có quyền đòi hỏi cao hơn về cách ứng xử của những người nổi tiếng. Đơn giản vì người bình thường có hành vi xấu nơi công cộng thì sức lan tỏa không lớn như người nổi tiếng.
Tôi nói ví dụ đơn giản, chúng ta cấm hút thuốc lá nơi công cộng, giả sử một nghệ sĩ nổi tiếng cứ hút thì không những vi phạm quy định pháp luật mà còn chứng tỏ sự thiếu trách nhiệm với bộ phận công chúng ái mộ (trong khi chính sự ái mộ đó đem lại các giá trị gia tăng cho người nghệ sĩ).
Còn nếu hút thuốc lá ở nhà riêng, không ai biết và không ảnh hưởng đến ai thì đây rõ ràng là quyền riêng tư. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở.
Do vậy, một hành vi khai thác thông tin ở nơi riêng tư như chỗ ở mà không được sự đồng ý của chủ nhân (hoặc không phải do chủ nhân cố tình để lộ ra) thì đó là hành vi xâm phạm quyền riêng tư.
Tương tự, chúng ta không đồng tình với những hành vi ăn mặc phản cảm, cố tình “lộ hàng” thiếu văn hóa nơi công cộng, càng không đồng tình nếu đó là hành vi của người nổi tiếng cho dù cơ thể con người và cách ăn mặc thuộc về quyền riêng tư.
Với các chính khách, họ có quyền riêng tư theo quy định pháp luật, nhưng quyền riêng tư đó phải phù hợp với trách nhiệm và đạo đức công vụ.
Trên thế giới, không phải tự nhiên mà nhiều chính khách bị báo chí, dư luận phê phán, thậm chí mất chức vì đi nghỉ mát trong lúc lĩnh vực phụ trách xảy ra sự kiện cần sự có mặt của người đứng đầu.
Tiếp cận vấn đề như nêu trên, chúng ta thấy mọi công dân không phân biệt người nổi tiếng hay không nổi tiếng đều có quyền riêng tư và quyền này được pháp luật bảo vệ.
Nhưng trong những trường hợp cụ thể thì quyền riêng tư có giới hạn, giới hạn này chính là các quy định pháp luật về cách ứng xử nơi công cộng và truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục được cả cộng đồng thừa nhận. Không ai có thể viện dẫn quyền riêng tư để bào chữa cho vi phạm của mình.
Giới nghệ sĩ nói gì? Diễn viên Lan Phương: Tôi bảo vệ sự riêng tư bằng cách... không chia sẻ!
Trong thời đại bùng nổ truyền thông, Internet... như hiện nay, tôi nghĩ mọi người càng nên có khái niệm về sự riêng tư của người khác. Nếu ai đó hack Facebook, email... của người khác để tung những thông tin cá nhân lên mạng nhằm mục đích không tốt thì dĩ nhiên sẽ bị xét xử theo pháp luật. Còn với những trường hợp khác, tôi nghĩ chúng ta nên giữ lại ít nhất là sự tôn trọng đối với cuộc sống, sự riêng tư cần có của người khác. Cá nhân tôi bảo vệ sự riêng tư của mình bằng cách... không bao giờ chia sẻ. Tuy nhiên đôi lúc giữa những bạn đồng nghiệp với nhau, tôi cũng tâm sự vài chuyện cá nhân. Nhưng rồi câu chuyện ấy lại lan truyền qua vài người khác thành tam sao thất bản. Có người sử dụng câu chuyện đó thành nội dung bới móc, khai thác chuyện riêng tư trên mạng. Rút kinh nghiệm nên tôi không bao giờ chia sẻ nếu không phải là người bạn mà mình thật sự tin tưởng. Tôi cũng khuyên các đồng nghiệp của mình để bảo vệ sự riêng tư thì đừng đưa những điều đó lên Facebook, Zalo, Viber... hay bất cứ thứ gì khác. Tất nhiên ở nước ta hiện nay chưa có paparazzi (thợ săn ảnh) đâu. Nhưng bất cứ ai sử dụng thông tin người khác vào mục đích gì thì tôi nghĩ họ cần có lòng tự trọng, ý thức đạo đức nghề nghiệp. Diễn viên Lê Khánh: Cần có hình phạt răn đe
Ai cũng có quyền cá nhân, quyền riêng tư. Nhưng tôi thấy trong xã hội chúng ta hiện nay sự riêng tư bị tấn công nhiều quá. Không chỉ riêng các nghệ sĩ, tôi thấy những người xung quanh tôi cũng vậy. Hình như mọi người có thói quen can thiệp vào sự riêng tư của người khác quá nhiều. Một khi một tin tức riêng tư của người khác bị khai thác thì phải xem lại người muốn khai thác có mục đích gì, tư cách họ như thế nào... Tôi nghĩ mọi người nên biết được giới hạn sự riêng tư của người khác và phải có lòng tự trọng. Hơn nữa, quan trọng là pháp luật chúng ta hiện nay bảo vệ quyền tự do cá nhân tới đâu? Nếu luật chưa mạnh mẽ thì chưa bảo vệ quyền cá nhân tốt được. Tôi nghĩ cái gì cũng vậy, có thưởng có phạt, để có sự răn đe. Đạo diễn Chánh Trực: Hãy là người đọc có trách nhiệm!
Tôi thấy thời đại bùng nổ truyền thông như hiện nay, mỗi người như sống trong một ngôi nhà có... hàng trăm cửa sổ. Bất cứ cửa sổ nào cũng có thể bị nhòm ngó. Tất nhiên, bị lợi dụng hay không đều do mình mà thôi. Nhưng tôi cũng từng chứng kiến những “tai nạn” không ngờ được. Một người nói lên quan điểm của mình cho một sự việc nào đó, rồi quan điểm đó được dẫn đi bằng nhiều người khác, sau cùng lại... biến thành lời khác. Rồi chính những lời đó quay trở lại thành mũi dùi đâm chính họ! Thông tin trên mạng thì vàng thau lẫn lộn, tin thực cũng có mà tin rác cũng vô khối. Tôi chỉ có thể dặn bản thân mình hãy là một người tiếp nhận thông tin có trách nhiệm. Trước một thông tin nào đó trên mạng, tôi phải xác minh được tính xác thực rõ ràng. Trước khi phán xét ai đó, tôi phải cân nhắc, đặt mình vào hoàn cảnh người ta như thế nào. Chứ tôi thấy trên mạng nhiều khi người ta dành cho nhau những lời nanh ác quá! Biên tập viên VTV9 Hoàng Thị Mộng Hoài: Đã là hoa hậu, thì khó được cho qua...
Người nổi tiếng được dư luận quan tâm nhiều hơn, để ý nhiều hơn thì cũng sẽ dễ bị xét nét hơn. Họ cũng có khi mắc lỗi, mắc sai lầm, nhiều khi chỉ là hớ hênh trong ăn mặc, ăn nói, trong hành vi . Bỏ qua những người cố tình diễn chiêu trò để gây sự chú ý, mình gọi những hớ hênh này là tai nạn. Nhiều ý kiến cho rằng dư luận quá ác độc với một hoa hậu. Là bởi vì hoa hậu mới 19 tuổi, cái tuổi còn hồn nhiên, chưa nhiều kinh nghiệm để nhìn trước ngó sau trước khi muốn làm một điều gì. Điều này có phần hơi khắt khe cho một thiếu nữ còn quá trẻ. Nhưng với một hoa hậu thì hành vi quá tự nhiên thoải mái như vậy lại khó được cho qua. Vì đã là người được dư luận bầu chọn đại diện cho cái đẹp, thì phải có nhiệm vụ giữ gìn hình ảnh đẹp đó, từ cách sống, đến cả hành vi nơi công cộng. Với những thiện chí học hỏi và thái độ khiêm nhường thẳng thắn, mình nghĩ sẽ được bỏ qua nhanh thôi và lại tiếp tục được yêu mến. Điều này là kinh nghiệm cho mọi người chứ không riêng người nổi tiếng. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hải Đông: Ở VN thật dễ gặp... sao!
Ai cũng có quyền riêng tư nhưng đúng là "sao" ở đâu cũng đương nhiên bị tước bớt quyền riêng tư. Sao nào cũng phải biết, quen và tập chấp nhận cái "quyền riêng tư" bị tước đó thôi. Vụ cô KD nhiều người phân tích là chụp trên máy bay là nơi công cộng thì không phạm luật. Chỉ trách người đăng và chia sẻ... Nhưng tôi thấy dù là nơi công cộng thì việc dí máy ảnh (điện thoại) chụp cận cảnh người ta lúc đang ngủ (vô thức) là đáng trách vì đây là chụp nhân vật rõ ràng chứ không phải cảnh sinh hoạt của con người nơi công cộng. Chắc chắn đây cũng là kinh nghiệm cho những người nổi tiếng chú ý hơn về tác phong, phát ngôn, hành động, hình ảnh của mình mọi lúc mọi nơi. Lâu lâu vào mạng đọc là lại nhớ cái câu "anh hùng bàn phím" thật là chính xác. Những con người ngồi ẩn mình gõ phím và vô tư share thật ác độc. Nhiều thông tin, ảnh được đăng lên chỉ mới một chiều, chưa được kiểm chứng hay nghe từ nhiều phía thì cộng đồng mạng đã nhảy vô chửi rủa không thương tiếc rồi, sau đó mới biết hớ thì chuyện đã rồi. "Share có ý thức", phải tỉnh táo trên mạng thôi! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận