Trần Công Hận (phải) tham gia hoạt động Xuân tình nguyện cùng các bạn nhỏ tại đảo Thổ Chu (Kiên Giang) - Ảnh: Q.NG.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tâm đắc với phát biểu này của bạn Trần Công Hận, một trong những sinh viên tiêu biểu tham gia cuộc gặp của lãnh đạo TP với đại diện học sinh - sinh viên tiêu biểu gần đây. Công Hận bày tỏ:
- Nhìn cách nhiều người đang ứng xử với TP.HCM, tôi cảm giác như họ đang rút tài nguyên của TP mang về quê hơn là nghĩ đến việc đóng góp gì đó cho TP này. Trong khi nói một cách công bằng, số ngày họ ở quê là rất nhỏ so với khoảng thời gian sống tại TP trong 365 ngày của năm. Tôi nghĩ hoàn toàn có thể chọn một cách ứng xử phù hợp hơn, văn minh hơn với đô thị này.
Mỗi người ý thức một chút!
* Nói thế e rằng nhiều người sẽ giận đấy!
- Không chê trách hay phê bình ai, nhưng những gì nhìn thấy khiến tôi nghĩ rằng nếu chỉ quản lý người dân của TP.HCM, chắc rằng lãnh đạo TP sẽ đỡ vất vả hơn nhiều. Chỉ cần đến một khu công nghiệp đầu giờ vào làm hay tan ca là có thể thấy đi lại mất trật tự, buôn bán hàng rong lấn chiếm, xả rác nhếch nhác thế nào. Hay nơi nào tập trung khu nhà trọ sẽ thấy ngay môi trường xung quanh ra sao.
Nói ra e đụng chạm, nhưng thật sự không ít người chỉ xem TP này là nơi sống tạm, nên họ thản nhiên xả rác bất cứ đâu, tham gia giao thông hỗn loạn. Tôi không cho rằng đường sá TP không đáp ứng được nhu cầu đi lại, mà cái chính nằm ở ý thức của người tham gia. Bằng chứng khá rõ là chỉ cần một xe cố tình vượt đèn vàng cũng đã có thể gây kẹt xe rồi.
Chọn cách ứng xử văn minh có phải quá khó đâu! Cả TP cùng thực hiện cuộc vận động không xả rác, nếu mỗi người, bất kể có phải là dân TP hay không, chỉ cần để ý một chút, không bạ đâu vứt đấy là đã nghĩ cho cái chung rồi dù chỉ là hành động nhỏ. Đô thị văn minh rất cần sự ứng xử văn minh.
* Bạn cũng không phải "người TP", bạn chọn cách ứng xử nào suốt những năm ở đây?
- Quê ở Tiền Giang và tôi đã chọn sẽ ở lại TP khi học xong để tìm cho mình những cơ hội sau này. Tôi không quá kỳ vọng sẽ làm được điều này điều kia, chỉ là trong giới hạn của mình, đóng góp được gì cho TP, tôi vẫn âm thầm làm.
Tôi học du lịch nên có cơ hội tìm hiểu thông tin về TP. Mỗi khi đón tiếp các đoàn học sinh quốc tế đến TP.HCM, tôi vẫn thẳng thắn chia sẻ những vấn đề khó mà TP đang gặp, nhưng lồng vào đó là những gì TP đã làm được, sự phát triển mỗi ngày ra sao.
Ngay cả khi có cơ hội chia sẻ với các bạn học sinh phổ thông đến trường tham gia hành trình tư vấn, định hướng nghề nghiệp, tôi vẫn tranh thủ nói với các bạn rằng điều quan trọng là sống tốt và nghĩ xem mình có thể đóng góp gì cho TP hơn là đối phó học thế nào.
Bắt đầu từ lớp trẻ
* Liệu có thể thay đổi khi đã trở thành nếp nghĩ ăn sâu trong đầu mỗi người?
- Được chứ, chỉ là nên bắt đầu từ thế hệ trẻ để tạo ra sự thay đổi lâu dài, bền vững. Nhưng phải thành văn bản, quy định chứ không chỉ là khuyến khích, vận động nữa. Cần thiết còn phải có biện pháp chế tài để xây dựng ý thức trong cộng đồng. Sự thay đổi tự bản thân mỗi người hay sức ép xã hội sẽ không cao nếu không được thể chế hóa bằng quy định, chế tài cụ thể.
Chẳng hạn cần phạt nghiêm khắc với hành vi xả rác bừa bãi để mọi người nhận ra đó không chỉ là thói quen xấu mà còn là hành vi vi phạm. Có thể chọn một địa bàn nào đó làm thí điểm, làm nghiêm, thành kiểu mẫu rồi nhân rộng ra nhiều nơi khác.
Khi làm, phải đồng thuận cả hệ thống, không thể nơi làm thế này, nơi thế khác, tránh trên nóng dưới lạnh. Ở đây, vai trò báo chí truyền thông rất quan trọng, làm sao để tạo sự đồng thuận, xây dựng ý thức cộng đồng cho mọi người.
* Vai trò của TP thế nào trong câu chuyện này? Bạn kỳ vọng gì ở sự đổi thay?
- Không hẳn chỉ là trách nhiệm của lãnh đạo vì thực tế trách nhiệm công dân của nhiều người chưa cao. Đã có suy nghĩ rằng chỉ cần gia đình, bản thân họ ổn là đủ, quan tâm đến xung quanh làm gì!
Có lúc tôi cảm giác dường như chính quyền TP hơi đơn độc trong câu chuyện xây dựng TP văn minh. Nhiều người vẫn coi đó là trách nhiệm của lãnh đạo hơn là phải thấy rằng mình cần có nghĩa vụ đóng góp cho cái chung ấy.
Tôi thấy chủ đề đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị của TP năm 2020 là một cơ hội tốt. TP thiếu các sân chơi văn hóa tập thể, dù phố đi bộ Nguyễn Huệ cũng có nhưng còn hơi nặng tuyên truyền.
Cá nhân tôi kỳ vọng các sân chơi cần có sức hút hơn, đầu tư hấp dẫn và chuyên nghiệp để người ta phải tìm đến thưởng thức chứ không bị buộc đến vì lý do nào đó. Cũng như cần có thêm nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật miễn phí hướng đến phục vụ số đông hơn. Tôi tin khi tiếp cận với các sân chơi văn hóa như thế, ý thức cộng đồng sẽ tăng để nhiều người cùng biết nghĩ đến cái chung hơn.
"Soi" thành tích thủ lĩnh
Trần Công Hận hiện là sinh viên năm cuối ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, khoa du lịch Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM). Anh hiện là ủy viên ban thư ký hội sinh viên trường, đồng thời chủ nhiệm Câu lạc bộ văn minh học đường của trường.
Là gương mặt "Sinh viên 5 tốt" tiêu biểu của ĐH Quốc gia TP.HCM, năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp Trần Công Hận đạt chuẩn "Sinh viên 5 tốt" cấp TP. Niềm vui nhân đôi khi lần đầu tiên anh nhận "cú đúp" với danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" cấp trung ương và giải thưởng "Sao tháng giêng" dành cho cán bộ hội học tập, công tác tốt do Hội Sinh viên Việt Nam tặng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận