16/04/2013 04:44 GMT+7

Ứng xử trách nhiệm với khu Ramsar

Ks NGUYỄN VĂN THƯỚC (Cà Mau)
Ks NGUYỄN VĂN THƯỚC (Cà Mau)

TT - Vườn quốc gia Mũi Cà Mau vừa được đón nhận Bằng chứng nhận khu Ramsar vào ngày 13-4 (là khu Ramsar thứ 2.088 của thế giới, thứ 5 của Việt Nam.

VWqoeJ94.jpgPhóng to
Hình ảnh về hệ sinh thái, động thực vật khu Ramsar Vườn quốc gia Mũi Cà Mau - Ảnh do ban tổ chức cung cấp

Công ước Ramsar là công ước quốc tế về bảo tồn và sử dụng một cách hợp lý các vùng đất ngập nước). Đây là niềm vui lớn của người dân Cà Mau, nhưng cũng không ít trách nhiệm và nhiều nỗi lo.

Vườn quốc gia Mũi Cà Mau có tổng diện tích gần 42.000ha, trong đó phần đất liền ngập nước theo thủy triều hơn 15.000ha, còn lại là các bãi cát bùn ven bờ và các bãi bùn ngập triều hơn 26.600ha, là nơi tìm thức ăn cũng là bãi đẻ của nhiều loài tôm cá và các loài chim nước. Đây là rừng ngập mặn nguyên sinh lớn nhất Việt Nam và đứng thứ hai trên thế giới vẫn còn giữ nguyên quá trình diễn thế của hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển, nên có tính đa dạng sinh học cao.

Trong đó rừng đước có lâm phần và trữ lượng sinh khối lớn nhất, nó lưu chứa sự đa dạng sinh học với rất nhiều chủng loài động, thực vật, thủy hải sản hết sức phong phú, nhiều loài có giá trị kinh tế cao. Có bảo vệ được cánh rừng ngập mặn ven biển này thì mới bảo vệ được những giá trị vô giá dưới tán rừng, trên các bãi triều, cùng những giá trị có thể sinh lợi từ rừng - biển thông qua các dịch vụ hệ sinh thái hiện hữu.

Vườn quốc gia Mũi Cà Mau đã là khu Ramsar nên người dân Cà Mau cần phải khắc phục tốt hơn các việc làm tiêu cực từng diễn ra trước đây để bảo vệ rừng và các nguồn tài nguyên dưới tán rừng. Cụ thể là phải tích cực khắc phục có kết quả tình trạng chặt phá cây rừng hầm than hay để có diện tích đất rộng phục vụ việc nuôi tôm. Người dân cũng phải giải tỏa hợp lý việc đào đắp bao ví giữ nước mặn ngập liên tục khiến quá trình oxy hóa bị cản trở, làm cho môi trường đất, nước, rễ cây, vi sinh vật thiếu dưỡng khí, nhiều loài thủy sản bản địa mất nơi sinh sản và nơi tìm thức ăn nên đã vắng bóng và không thể tồn tại.

Bên cạnh đó, cần tránh việc nuôi độc canh con tôm với trình độ kỹ thuật thấp và dùng hóa chất độc hại thuốc các loài cá cua khác. Đặc biệt cần có giải pháp ngăn chặn hữu hiệu “nghêu tặc” hay các loại “tặc tài nguyên” khác như lâm tặc, tôm tặc, sa tặc... thường tụ tập đông người để cướp phá, khai thác thủy sản bừa bãi hay săn bắt thú rừng, chim, cò... và bất cứ thứ gì có thể ăn được, bán được...

Ngoài ra, việc phục hồi, duy trì và phát triển bền vững các hệ sinh thái đòi hỏi phải có những chính sách đồng bộ của các địa phương, mà quan trọng là các chính sách đó phải ưu tiên cho việc bảo vệ môi trường, bảo tồn các nguồn tài nguyên và bảo đảm được sinh kế lâu dài cho người dân thì mới có thể quản lý được tốt tài nguyên thiên nhiên, nhất là sự đa dạng sinh học trong từng hệ sinh thái. Và khu Ramsar Vườn quốc gia Mũi Cà Mau cũng không thể ngoại lệ, nên sắp tới các cơ chế, chính sách và công cụ phục vụ cho mọi hoạt động bảo tồn và chi trả dịch vụ hệ sinh thái cần được sớm hoàn thiện để sẵn sàng thực hiện khi có điều kiện.

Ks NGUYỄN VĂN THƯỚC (Cà Mau)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên