06/06/2017 08:29 GMT+7

Ứng xử sao với góp ý trên mạng?

TÂM LỤA - ÁI NHÂN ghi
TÂM LỤA - ÁI NHÂN ghi

TTO - Sự việc một trường THPT ở Long An kỷ luật học sinh vì 'chê' bệnh viện trên Facebook đã gây ra những ý kiến trái chiều. Ứng xử sao cho phù hợp? Tuổi Trẻ ghi nhận các ý kiến về vấn đề này.

aa

Tiến sĩ Lê Minh Hùng (Đại học Luật TP.HCM):

Chỉ cần nhắc nhở học sinh

Trong sự việc học sinh bị hạ hạnh kiểm vì, cần xem xét đến tính chất hành vi “chê” bệnh viện của nữ sinh mà nhà trường dựa vào quy định học sinh không được “xúc phạm nhân phẩm, danh dự... người khác” (ở đây là làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín đội ngũ cán bộ y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười) để làm cơ sở xử lý.

Hành vi xúc phạm phải xét toàn diện, bao gồm các chứng cứ khác như lời nói, hình ảnh, tung tin... có tính chất mục đích thóa mạ, bôi nhọ, sai sự thật. Để xác định điều này, nhà trường cần tìm hiểu nguyên nhân, diễn biến... dẫn đến việc nữ sinh đã “chê” bệnh viện.

Trường hợp này, nhà trường cần xem hành vi viết trên Facebook của nữ sinh chỉ là biểu hiện cảm xúc cá nhân với bệnh viện mà em ấy là người trong cuộc (đi khám bệnh). Ở góc độ giáo dục, nhà trường cần hành xử khéo léo để đạt mục đích giáo dục.

Trong khi tính chất sự việc chỉ đơn giản, nhà trường lại xếp loại hạnh kiểm trung bình là thiệt thòi lớn cho nữ sinh, thậm chí khó lường hết khi nữ sinh ở năm học cuối cấp. Kể cả khi đã xếp lại hạnh kiểm khá thì cũng để lại những ấn tượng, suy nghĩ thiếu tích cực đối với nữ sinh này.

Học sinh cũng đã rút lời than phiền trên Facebook và xin lỗi phía bệnh viện thì trường phải xét đến sự cầu thị của em ấy. Nhà trường chỉ cần nhắc nhở em ấy là đủ để em ấy nhận ra bài học về ứng xử, về kiềm chế, tôn trọng mọi người trong xã hội. Nhà trường có thể tổ chức những buổi sinh hoạt toàn trường và có thể nêu sự việc (giấu danh tính nữ sinh, nói chung) để nhắc nhở chung cho toàn bộ học sinh về ứng xử trên mạng xã hội.

Luật sư Lê Văn Dũng (Đoàn luật sư TP.HCM):

Không “đứng trên” pháp luật

Nhiều cá nhân thuộc sự quản lý của tổ chức mà tổ chức đó có quy định riêng thì những quy định đó cũng không được “đứng trên” pháp luật. Với vụ học sinh THPT bị xử lý kỷ luật ở Long An, thông tư 08 của Bộ Giáo dục - đào tạo hướng dẫn việc khen thưởng và thi hành kỷ luật với học sinh THPT không có quy định nào về việc học sinh lên Facebook nói xấu người khác sẽ bị kỷ luật.

 

Vì vậy việc nhà trường vội vàng kỷ luật học sinh của mình là không đúng quy định. Nếu học sinh có hành vi bôi xấu, gây ảnh hưởng đến bệnh viện thì bệnh viện có quyền khởi kiện ra tòa yêu cầu học sinh bồi thường. Và học sinh đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những gì mình đã làm.

Cá nhân khi tham gia mạng xã hội không phải muốn nói gì thì nói mà phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Nếu phát biểu gây hại cho người khác thì phải chịu trách nhiệm. Bởi người bị gây hại có quyền được pháp luật bảo vệ bằng cách yêu cầu xin lỗi, bồi thường thiệt hại.

Blogger Nguyễn Ngọc Long

Cần tuân thủ quy tắc, luật pháp

Mỗi chúng ta đều có quyền tự do ngôn luận. Tuy nhiên, khi thực hành quyền trên mạng xã hội cần tuân thủ những quy định của đơn vị cung cấp mạng. Nên nhớ, khi đăng ký tài khoản trên mạng xã hội, người đăng ký sử dụng dịch vụ đã đồng ý với nhà cung cấp dịch vụ một số nguyên tắc.

Vì vậy, các bạn lưu ý đừng quá lạm dụng quyền tự do ngôn luận của mình mà làm ảnh hưởng đến lợi ích của người khác, bởi sẽ bị đơn vị cung cấp dịch vụ xử lý.

Việc tự do ngôn luận phải tuân thủ pháp luật quốc gia cũng như quy tắc nơi chúng ta đang sinh sống, làm việc. Mỗi cơ quan hiện nay đều có quy chế nội bộ cho nhân viên. Có cơ quan có quy chế sử dụng Facebook, nếu tham gia tập thể đó và đã có cam kết tuân thủ các quy chế đó thì phải tuân thủ. Nếu vi phạm thì cơ quan quản lý đó có quyền xử lý.

TÂM LỤA - ÁI NHÂN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên