11/08/2024 10:26 GMT+7

Ứng xử sao với cây xanh lâu năm?

Ở TP.HCM có những con đường cây xanh lâu năm cao hàng chục mét. Còn trong công viên với nhiều cây tán rộng che chắn cả một khu vực. Với người dân TP, những bóng mát này "quý giá hơn vàng" trong những ngày nắng gay gắt.

Hàng cây lâu năm tại đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP.HCM - Ảnh: LÊ PHAN

Hàng cây lâu năm tại đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP.HCM - Ảnh: LÊ PHAN

Nhưng sau nhiều sự việc cây xanh ngã đổ, gãy nhánh gây thương tích và chết người, chúng ta cần đặt ra câu hỏi ứng xử sao với các tình huống này?

Có kế hoạch chăm sóc riêng biệt

Ghi nhận thực tế tại TP.HCM, nhiều tuyến đường có cây xanh lâu năm. Như đường Nguyễn Bỉnh Khiêm dọc theo tường Thảo cầm viên có hàng cây dầu lâu năm cao hàng chục mét. Con đường này lúc nào cũng mát rười rượi nhờ bóng cây xanh.

Hay đường Ba Tháng Hai cũng đặc trưng bởi hàng cây dầu, sọ khỉ lâu năm hai bên đường. Với nhiều người khi nhắc tới tuyến đường này, hình ảnh hiện lên ngay lập tức trong đầu chính là cây xanh.

Còn đường Trương Định chạy dọc công viên Tao Đàn cũng mướt mắt với hàng cây lâu năm thẳng tắp che nắng che mưa. Và còn nhiều tuyến đường khác cũng có cây lớn như Trần Quang Khải, Nguyễn Tri Phương...

Công viên thì có công viên Gia Định, Tao Đàn, Văn Lang... cũng nổi tiếng với những cây to che mát cho người dân tập thể dục, nghỉ ngơi.

Về vấn đề chăm sóc, duy tu cây xanh cổ thụ, đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (thuộc Sở Xây dựng) cho biết đơn vị có kế hoạch đánh giá, thay thế cây xanh trên đường phố cũng như công viên nói chung.

Đồng thời cũng có kế hoạch từng bước đánh giá cây nào già cỗi, có dấu hiệu xuống sức để đốn hạ, thay mới. Việc này hằng năm đều được thực hiện thường xuyên.

"Những cây lâu năm thường phải chăm sóc khác cây mới trồng vài năm. \

Bên phía chúng tôi cũng có xây dựng Sổ tay hướng dẫn trồng và chăm sóc cây xanh trong khuôn viên tổ chức, cá nhân với các nội dung lựa chọn vị trí trồng cây; tìm hiểu về đặc điểm của cây dự kiến trồng; chuẩn bị cây trồng; trồng cây; cắt tỉa cây xanh; bảo vệ cây xanh khi thi công công trình; nhận diện những dấu hiệu cây xanh nguy hiểm; quản lý cây xanh.

Hay hướng dẫn ứng xử khi cây xanh nằm trong phạm vi công trình. Chúng tôi gửi các quận huyện, đơn vị chăm sóc cây xanh và đăng tải trên trang web của Sở Xây dựng để tất cả các đơn vị nắm và làm tốt vấn đề này", vị này nói.

Cây xanh tới tuổi cũng phải thay

Những hàng cây xanh lâu năm quý giá nhưng sẽ già đi theo đặc tính và tới lúc nào đó cây sẽ chết vì già, sâu bệnh... Do đó dù được chăm sóc, duy tu nhưng những tai nạn cây xanh trong đô thị liên quan tới cây lớn vẫn xảy ra.

Từ năm 2020 đến nay tại TP.HCM đã có sáu người dân thiệt mạng và hơn chục người bị thương vì cây xanh ngã đổ, gãy cành. Hay ví dụ như sau những cơn mưa gió mạnh, trên các con đường có cây lớn vẫn luôn có cành rơi rụng.

Vị đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM cho biết luôn phải đánh giá các cây xanh lâu năm có dấu hiệu xuống sức, sâu bệnh gì không. Khi các kết quả cho thấy cây không chịu được thì đốn hạ.

Có những cây rất lớn nhìn xanh tốt nhưng các đơn vị đốn hạ là có lý do chứ không phải ngẫu nhiên thực hiện. Người dân cũng cần chia sẻ với cơ quan chức năng, tránh việc đăng tải hình ảnh anh em duy tu cây xanh với thông tin không đúng.

Ở góc độ chuyên gia, tiến sĩ Phạm Viết Thuận, viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, nhận định rằng quan điểm chung là không vì một sự cố mà cắt bỏ cây xanh vô tội vạ. Nhưng cây xanh lâu năm thì cần phải có kế hoạch khảo sát, thay mới khi cây tới tuổi. Cây xanh cũng như con người, tới một độ tuổi nhất định sẽ có những hư hại, khiếm khuyết hay chết vì già.

Cụ thể hơn, ông Thuận nói khi cây xanh đạt tuổi đời theo cơ chế sinh học sẽ tự hủy. Các tế bào sẽ chết, liên kết gỗ sẽ không còn dẫn đến một cành cây bị chết khô, dần dần cả cây chết. Trong môi trường TP.HCM, cây không đạt được tuổi đời tối đa như ngoài tự nhiên. Do đó phải có tổng rà soát lại hệ thống cây xanh lâu năm sau sự cố ở công viên Tao Đàn.

"TP nên mời cơ quan có chuyên môn đánh giá, khảo sát từng cây một, cây nào quá niên hạn thì xử lý, cây nào còn thì duy tu, chăm sóc phù hợp. Để không xảy ra sự cố đáng tiếc thì buộc phải thực hiện khảo sát từng cây một, thậm chí là từng cành", ông Thuận góp ý.

Cũng góp ý để TP.HCM chăm sóc cây xanh tốt hơn, tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Thi, khoa sinh học và công nghệ sinh học Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho rằng chỉ có thể đầu tư mạnh hơn cho mảng này.

TP.HCM phải xem xét việc tăng thêm máy móc hiện đại để các đơn vị cây xanh chăm sóc cây được tối ưu nhất.

Thăm nạn nhân và gia đình người mất vì cây gãy

Sau sự cố cây xanh khiến 2 người chết và 3 người bị thương, Thành ủy - UBND quận 1, Sở Xây dựng cũng đã đến thăm, động viên các nạn nhân và gia đình có người mất.

Mới nhất, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy, Phó trưởng Ban Dân vận Thành ủy Trần Xuân Điền cùng các đoàn thể đã đến thăm hỏi, viếng các nạn nhân. Thay mặt lãnh đạo UBND TP, bà Thúy thăm hỏi tình hình sức khỏe của nạn nhân, đồng thời chia sẻ với người thân của nạn nhân không may gặp sự cố ngoài ý muốn.

Bà cũng đề nghị đội ngũ bác sĩ của bệnh viện tập trung cứu chữa, điều trị cho nạn nhân sớm bình phục.

UBND TP.HCM chỉ đạo kiểm tra toàn diện cây xanh sau sự cố tại công viên Tao ĐànUBND TP.HCM chỉ đạo kiểm tra toàn diện cây xanh sau sự cố tại công viên Tao Đàn

Ngay sau sự cố gãy nhánh cây xanh làm 2 người tử vong tại công viên Tao Đàn, chủ tịch UBND TP.HCM đã chỉ đạo các cơ quan hỗ trợ nạn nhân, xác định rõ nguyên nhân và tổ chức kiểm tra toàn diện cây xanh công cộng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên