08/04/2018 11:13 GMT+7

Ứng viên vị trí Chủ tịch VFF cần có đề án tranh cử

KHươNG XUâN
KHươNG XUâN

TT - Bốn ứng viên được giới thiệu ứng cử chức danh chủ tịch LĐBĐ VN (VFF) nên có đề án tranh cử để đại hội đánh giá và bầu chọn. Đây là cách làm mà các tổ chức xã hội nghề nghiệp cần tiến hành để tìm ra người đứng đầu.

Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng (trái). Ảnh: N.K
Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng (trái). Ảnh: N.K

Cách đây 5 năm, trong cuộc họp lần thứ 12 nhiệm kỳ 6 của ban chấp hành (BCH) VFF diễn ra ngày 15-5-2013, BCH VFF đã chốt phương án các ứng viên chủ tịch phải có đề án tranh cử trước đại hội và đã đưa vào nghị quyết cuộc họp. Đây là một trong những bước đi đột phá của VFF nhằm chuẩn bị cho đại hội khóa 7 diễn ra vào tháng 3-2014. Chủ tịch VFF hiện nay, ông Lê Hùng Dũng, khi đó là ứng viên vị trí chủ tịch VFF đã ủng hộ phương án này.

Bước thụt lùi so với đại hội khóa 7

Dự kiến đại hội VFF khóa 8 sẽ diễn ra vào tháng 5 tới, thời điểm này có 4 ứng viên đồng ý ra tranh cử vị trí chủ tịch VFF. Trong số này có ba ứng viên do Bộ VH-TT&DL quản lý là: ông Trần Quốc Tuấn (phó chủ tịch VFF khóa 7), ông Cấn Văn Nghĩa (giám đốc khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình), ông Lê Quý Phượng (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH TDTT TP.HCM). Ứng viên còn lại là ông Nguyễn Công Khế (chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn truyền thông Thanh Niên).

Tuy nhiên, BCH VFF hiện nay lại không ra nghị quyết yêu cầu các ứng viên chủ tịch hay phó chủ tịch phải có đề án tranh cử. Đây rõ ràng là bước thụt lùi so với kỳ chuẩn bị đại hội cách đây 4 năm. Nếu không có đề án tranh cử thì người bỏ phiếu và dư luận khó đánh giá được năng lực của ứng viên.

Chủ tịch VFF phải đạt 50% phiếu bầu trở lên

Một lãnh đạo VFF cho biết theo quy chế bầu cử đại hội thì không hạn chế ứng viên tham gia ứng cử các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch. Tuy nhiên, ứng viên trúng cử phải đạt số phiếu quá bán (50%) trở lên mới trúng cử. Trong trường hợp không đạt thì phải bầu lại.

Hiện nay vị trí chủ tịch có 4 ứng viên, các vị trí phó chủ tịch mỗi vị trí có ít nhất 2- 5 ứng viên. Dự kiến ngày 9-4 VFF sẽ công khai danh sách ứng viên được giới thiệu và đồng ý tham gia ứng cử vào BCH khóa 8, trong đó có các chức danh chủ chốt.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 7-4, một lãnh đạo Bộ Nội vụ nói hiện các quy định về tổ chức đại hội VFF thực hiện theo nghị định 45 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. Vị này nói theo quy định: “Nếu nhân sự thuộc diện quản lý của cơ quan có thẩm quyền phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ. Những ứng viên chủ tịch VFF hiện đang là cán bộ do Bộ VH-TT&DL quản lý thì bộ chủ quản phải có văn bản đồng ý mới ra tranh cử chủ tịch VFF được”.

Chủ tịch VFF làm được gì cho bóng đá VN?

Ông Cấn Văn Nghĩa - giám đốc khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, một trong bốn ứng viên vị trí chủ tịch VFF - cho biết sẵn sàng xây dựng đề án tranh cử nếu đại hội yêu cầu khi ra tranh cử chủ tịch VFF. Ông Nghĩa nói: “Hiện tôi vẫn chưa có quyết định cuối cùng có ra tranh cử hay rút vì đang nghe ngóng. Nhưng nếu ra tranh cử, việc có đề án tranh cử là nhằm đảm bảo dân chủ cho các ứng viên khi xem họ có thể làm được gì nếu làm chủ tịch VFF”.

Chủ tịch một CLB V-League cho biết: “Nếu ứng viên có năng lực thì hãy xây dựng đề án tranh cử, kể cả đại hội có yêu cầu hay không vì đó là cách để thể hiện bản thân. Anh phải nói cho thiên hạ biết vì sao anh muốn ứng cử, nếu được bầu thì anh có thể làm gì cho bóng đá VN hay lên giữ ghế kiếm lợi. Cái dốt, cái hay sẽ được thể hiện trong đề án này thay vì cứ im ỉm ra tranh cử chẳng biết đâu mà lần”.

KHươNG XUâN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên