Ông Knapper trả lời câu hỏi của các thượng nghị sĩ Mỹ trong phiên điều trần ngày 13-7 - Ảnh chụp màn hình
Các cam kết được ông Knapper đưa ra trong cuộc điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ ngày 13-7.
Ông Knapper, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, đã mô tả với các nhà lập pháp Mỹ về điều mà ông gọi là "sự biến chuyển sâu sắc trong quan hệ Việt - Mỹ từ khi bình thường hóa năm 1995".
"Cả hai nước đã chuyển từ lịch sử xung đột sang quan hệ đối tác toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế và giao lưu nhân dân. Nếu được phê chuẩn, tôi sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa mối quan hệ song phương trong các lĩnh vực hai nước cùng chia sẻ lợi ích", ông Knapper nhấn mạnh, trước khi nêu "chương trình hành động" sắp tới của mình.
Theo ông Knapper, có 4 lĩnh vực mà hai nước cùng chia sẻ lợi ích và ông sẽ tìm cách thúc đẩy, đầu tiên là lĩnh vực an ninh.
"Hai nước đã mở rộng hợp tác an ninh một cách đáng kể, bao gồm các hỗ trợ tăng cường năng lực hàng hải mà Mỹ dành cho Việt Nam.
Mỹ và Việt Nam cùng quan tâm đến việc tuân thủ luật pháp quốc tế, chống lại các hành vi khiêu khích ở Biển Đông và khu vực sông Mekong", ông Knapper dẫn chứng và cam kết sẽ "làm sâu sắc hơn nữa hợp tác an ninh Mỹ - Việt".
"Hiện tại chúng ta đang ở mức đối tác toàn diện nhưng tôi hy vọng sẽ nâng lên thành đối tác chiến lược và tôi sẽ hiện thực hóa điều đó bằng cách tăng cường quan hệ an ninh với Việt Nam", Hãng tin Reuters trích lời ông Knapper.
Lĩnh vực thứ hai là đầu tư và thương mại, với thương mại song phương tăng trưởng từ "gần như không có gì vào năm 1995 lên hơn 90 tỉ USD vào năm 2020". Theo ông Knapper, sự phát triển này đã đem lại nhiều lợi ích cho các nhà sản xuất, nông dân và người tiêu dùng Mỹ.
Lấy mẫu đất để phục vụ công tác xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa, Đồng Nai - Ảnh: USAID
Lĩnh vực thứ ba là giải quyết hậu quả chiến tranh và các vấn đề nhân đạo liên quan. Ứng viên đại sứ Mỹ nhấn mạnh Việt Nam đã tích cực hỗ trợ và phối hợp tìm kiếm người Mỹ mất tích trong hàng chục năm qua.
Ở chiều ngược lại, Mỹ cũng cung cấp các khoản viện trợ trực tiếp và gián tiếp cho nạn nhân chiến tranh, giải quyết bom mìn chưa nổ và xử lý ô nhiễm dioxin. "Những hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam trong lĩnh vực này đã góp phần tạo dựng nền tảng tin cậy, góp phần mở rộng quan hệ song phương".
Lĩnh vực thứ tư là giao lưu giữa nhân dân với nhân dân, trong đó ông Knapper dẫn chứng bằng việc hàng chục ngàn sinh viên Việt Nam đã đến Mỹ học tập và hơn 700.000 người Mỹ sang Việt Nam trước dịch COVID-19.
Ứng viên tân đại sứ Mỹ cũng đề cập sơ lược đến một số "thách thức" trong quan hệ Việt - Mỹ và cam kết giải quyết nếu nhận nhiệm vụ tại Hà Nội.
"Quan hệ đối tác đang phát triển mạnh mẽ giữa Mỹ và Việt Nam là kết quả của lòng dũng cảm, thiện chí và sự cần mẫn của những người tận tâm ở cả hai quốc gia, những người tin tưởng vào khả năng hòa bình và hòa giải giữa hai cựu thù", ông Knapper khẳng định.
Trước khi được Tổng thống Joe Biden đề cử làm đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Knapper đã có thời gian sinh sống và làm việc tại Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội. Ông có thể nói tiếng Việt, tiếng Hàn và tiếng Nhật, hiện là phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Hàn Quốc và Nhật Bản.
Theo chia sẻ của ông Knapper tại điều trần, cha ông đã từng tham chiến tại Việt Nam và luôn khát khao trở lại để nhìn thấy một Việt Nam xinh đẹp, hòa bình, phát triển mạnh mẽ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận