28/11/2011 09:52 GMT+7

Ứng tuyển trái ngành: cần chuẩn bị gì?

NGUYỄN THỊ ÁNH TUYẾT(chuyên viên tư vấn nghề nghiệp VietnamWorks.com)
NGUYỄN THỊ ÁNH TUYẾT(chuyên viên tư vấn nghề nghiệp VietnamWorks.com)

TTO - * Tôi tốt nghiệp ĐH ngành kỹ thuật năm 2002, tốt nghiệp trung cấp phần cứng tin học năm 2000. Tôi làm việc cho một kênh truyền hình được 7 năm, công việc chính của tôi là kỹ thuật viên.

cmXZHzMy.jpgPhóng to
Ảnh: interviewpenguin.com
TTO - * Tôi tốt nghiệp ĐH ngành kỹ thuật năm 2002, tốt nghiệp trung cấp phần cứng tin học năm 2000. Tôi làm việc cho một kênh truyền hình được 7 năm, công việc chính của tôi là kỹ thuật viên.

Do đặc thù công việc ít người nên tôi làm thêm qua nhiều bộ phận, trong đó có bộ phận nhân sự. Tôi lại yêu thích công việc này.

Xin hỏi tôi cần chuẩn bị học những kỹ năng hay bằng cấp gì thêm để có thể xin việc ở các công ty bên ngoài? Tôi đã nghỉ việc từ tháng 3-2011, nay tôi muốn đi làm lại phải bắt đầu từ đâu (hiện tôi đã 32 tuổi)?

Xin nói thêm là ở vị trí nào tôi cũng hoàn thành xuất sắc. Tôi là người năng nổ, không ngại khó, cẩn thận, chu đáo, công việc càng khó càng kích thích óc tò mò, niềm đam mê của tôi...

(T.Hong)

- Chào bạn. Ngành nhân sự gồm nhiều lĩnh vực: tuyển dụng, đào tạo, lương bổng/phúc lợi và tổ chức sự kiện nội bộ. Do vậy, trước tiên bạn cần xác định cụ thể lĩnh vực muốn theo đuổi.

Bạn có thể tham gia khóa học nhân sự cơ bản để nắm kiến thức nhân sự tổng quát, sau đó tham gia các khóa học chuyên môn, ví dụ tuyển dụng để nắm quy trình/cách thức đăng tin tuyển dụng, sàng lọc hồ sơ, các bí quyết phỏng vấn hiệu quả…

Ngoài các kỹ năng chuyên môn, bạn cần rèn luyện các kỹ năng mềm quan trọng như: tạo mối quan hệ, làm việc với con người, lắng nghe, quan sát.

Khả năng ngoại ngữ đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình tìm việc hiện nay, hãy cải thiện khả năng tiếng Anh của mình trong thời gian sớm nhất để không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào. Cả bốn kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết đều rất cần thiết, đặc biệt ở lĩnh vực tuyển dụng, nếu bạn nhắm đến làm việc cho các công ty nước ngoài, có quy mô lớn.

Về tính cách, để làm tốt công việc nhân sự, bạn cần sở hữu tính cách: thân thiện, chu đáo, thích làm việc với con người, thích quan tâm/giúp đỡ người khác.

Khởi điểm, bạn có thể bắt đầu tìm việc ở các công ty vừa và nhỏ, vị trí hành chính/nhân sự. Khi viết thư tìm việc và tham dự phỏng vấn, bạn cần thể hiện niềm đam mê dành cho lĩnh vực nhân sự; và chứng minh được với nhà tuyển dụng: vốn kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm bạn đã tích lũy được cộng với tính cách phù hợp, bạn là ứng viên tiềm năng cho vị trí ứng tuyển.

Có sự đầu tư tốt cho lĩnh vực yêu thích sẽ giúp bạn tăng cơ hội thành công!

* Tôi là sinh viên mới ra trường. Trường của tôi không nổi tiếng và ngành tôi học là quản trị kinh doanh, chuyên ngành quản trị du lịch nhà hàng và khách sạn. Thế nhưng tôi lại nộp đơn xin việc vào vị trí nhân viên lễ tân hành chính.

Mức lương đề nghị của nhà tuyển dụng là 3-5 triệu đồng, còn mức lương tôi mong muốn là 4-4,5 triệu đồng, như vậy có quá cao so với sinh viên mới ra trường? Liệu nhà tuyển dụng có chấp nhận và tôi phải nói như thế nào để có được mức lương như mong muốn?Tôi có quá mạo hiểm nộp đơn ứng tuyển do công ty đòi hỏi người có kinh nghiệm trong khi tôi hoàn toàn chưa đi làm?

(Kim Ngan)

- Chào bạn. Bạn hoàn toàn chưa đi làm, song trong quá trình học tập bạn đã từng tham dự hoạt động của trường/lớp/Đoàn/Hội nào? Hãy liệt kê tất cả hoạt động bạn từng tham gia và những thành tích/kỹ năng bạn đã đạt được để thuyết phục nhà tuyển dụng về mặt kinh nghiệm.

Mức lương bạn mong muốn nằm trong khoản lương nhà tuyển dụng đề ra, nên bạn có thể yên tâm thương lượng lương. Tuy nhiên, chỉ đề cập đến mức lương sau khi bạn đã thuyết phục được nhà tuyển dụng bằng sự yêu thích công việc, lòng nhiệt huyết, mong muốn gắn bó lâu dài với công ty và sự phù hợp về tính cách/kỹ năng. Nghĩa là mức lương bạn đề xuất hợp lý dựa trên giá trị/khả năng bạn có thể đóng góp cho nhà tuyển dụng.

Trong trường hợp nhà tuyển dụng đề xuất một mức lương thấp hơn, bạn có thể cân nhắc đến các yếu tố sau: cơ hội học hỏi, phát triển, thăng tiến, môi trường làm việc chuyên nghiệp, chính sách phúc lợi… để cân nhắc đề nghị của nhà tuyển dụng.

Bạn là sinh viên mới ra trường và chưa có kinh nghiệm, nên yếu tố về cơ hội học hỏi/thăng tiến cần được đặt lên hàng đầu. Hãy thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy lương là một yếu tố rất quan trọng, nhưng không phải là quan trọng nhất trong quyết định của bạn khi gia nhập công ty. Để thể hiện điều này, bạn cần cho nhà tuyển dụng thấy được đam mê và sự hào hứng của mình dành cho công ty và công việc mà bạn đang ứng tuyển.

Bên cạnh đó, đừng quên mở rộng cơ hội việc làm cho mình bằng cách ứng tuyển vào các công việc tiềm năng khác, phù hợp với cả sở thích và sở trường của bạn.

Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề lương bổng, kỹ năng nghề nghiệp, phỏng vấn xin việc... bạn đọc gửi về chương trình "Tư vấn việc làm" tại địa chỉ: [email protected] Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

NGUYỄN THỊ ÁNH TUYẾT(chuyên viên tư vấn nghề nghiệp VietnamWorks.com)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên