TTCT- 27 tuổi, Nguyễn Thị Thanh Hương (ở Bắc Giang) đã có bốn năm chiến đấu với căn bệnh ung thư máu. Từng hoảng sợ, bi lụy nghĩ đến kết cục bi thảm nhưng cô gái đầy nghị lực này đã vượt qua... Nguyễn Thị Thanh Hương -Ảnh: nhân vật cung cấp Hương kể nhận được tin mình bị ung thư máu năm 2013, lúc vừa tròn 23 tuổi và vừa được nhận làm phóng viên kiêm phát thanh viên Đài phát thanh - truyền hình Bắc Giang, lại được cơ quan cử đi học. “Trong tay tôi đang có tương lai và nhiều thứ mới mẻ thì bất thần có một đợt sốt cao. Những lần sốt trước, truyền dịch là hết sốt, đợt này truyền vẫn không dứt, cứ sốt liên tục. Gia đình tôi nghe tư vấn của bác sĩ đã chuyển tôi ra Viện Huyết học truyền máu T.Ư. Ở đây tôi nhận được kết quả bị Leucemie thể M4, một dạng ung thư máu” - Hương nhớ lại. Gia đình Hương có bốn người con, Hương là một trong hai cô con gái. Cô cao 1,64m, trắng trẻo, xinh xắn làm phát thanh viên ở truyền hình là niềm tự hào của bố mẹ. Họ đang đặt nhiều hi vọng vào Hương. Đùng một cái ung thư ập đến. Nằm trong phòng bệnh, Hương chỉ biết khóc. Bố mẹ cũng khóc. Với họ mọi thứ như đã bế tắc. “Phải chiến đấu thôi” Một buổi sáng thức dậy sau ngày được truyền hóa chất lần 1, khi giơ tay lên vuốt tóc Hương bất ngờ vơ được một mảng tóc rụng từ trên đầu mình, rồi thêm một mảng nữa và cuối cùng là cái đầu trọc lóc. Từ gần 50kg với chiều cao 1,64m, Hương sút hơn 10kg chỉ còn 35kg da bọc xương xanh bủng, ăn uống rất khó khăn. Hương đóng cửa phòng bệnh không chia sẻ, không tiếp chuyện, không cho người khác đến thăm mình... Ở cùng bệnh viện với Hương là rất nhiều bệnh nhân ung thư, trong đó có những bạn gái cùng tuổi hoặc kém tuổi. Có cả những em bé mới biết đi hoặc mới vào tiểu học. Một lần Hương gặp một thiếu nữ nhỏ nhắn, rất xinh và bố mẹ cô bé chỉ có một người con duy nhất là thiếu nữ ấy. Nhưng không hiểu vì lý do gì cô ấy không chịu chữa bệnh, vài tháng sau bạn gái ấy mất. Cú sốc ấy khiến Hương phải nhìn lại cuộc đời mình, cơ hội của mình và hiểu rằng: “Nếu mình dừng lại thì ung thư sẽ thắng, mình phải chiến đấu thôi”. Đầu năm 2014, Hương nhận kết quả các chỉ số của mình và chị gái rất hòa hợp, chị ấy sẽ hiến tủy để Hương được ghép tế bào gốc. Hương có hi vọng được tái sinh. “Sau ca ghép và được điều trị thêm một thời gian, tôi trở về nhà với mái đầu trọc. Ban đầu tôi tự ti, không dám ra ngõ và thậm chí không dám ngồi cả ở phòng khách nhà mình. Nhưng vốn là một người hay nói hay cười, việc cứ “giam” mình ở nhà đã khiến tôi kiệt sức. Tôi muốn ra ngoài, muốn gặp người thân, bạn bè, không thể để mình chết dần chết mòn. Ý nghĩ không thể để mình chết khi mình đang còn niềm tin và hi vọng đã kéo tôi trở lại cuộc sống một cách thật sự. Tôi mở cửa hàng tạp hóa tại nhà, cửa tiệm rất đắt khách làm tôi hăng hái hơn và mở thêm một cửa hàng thời trang. Giờ cả hai cửa hàng đều đang kinh doanh rất tốt. Cứ hai tháng một lần tôi quay lại bệnh viện để tái khám, nhưng thật may là từ đó đến nay hầu như tôi không phải dùng thuốc gì thêm. Về sức khỏe tôi có thể làm việc từ 7g sáng đến 22g đêm, ăn trưa lúc 15g chiều và chỉ nghỉ trưa khoảng 15 phút/ngày. Mỗi tuần hai lần tôi lên xe đò đi lấy đồ mới cho shop quần áo, mỗi chuyến đi là một lần kéo chiếc xe rất nặng để chọn đồ. Cuộc sống đã có số, có thể ông trời đã để tôi bị bệnh nhưng lại cho tôi một cái “lộc” bán buôn. Tôi cảm thấy mình may mắn” - Hương chia sẻ. Từ “ngốc” đến “chuyên gia” Cách đây vài ngày, Hương có cuộc đối thoại với các bạn bè trên mạng xã hội. Đã có lúc hộp tin nhắn của Hương có trên 100 tin chờ và đều là tin nhắn của bệnh nhân ung thư và người nhà của họ. Từ một bệnh nhân ung thư máu rất “ngốc” như lời Hương, giờ là “chuyên gia” và Hương đang cố hết sức mình để tự lập và chia sẻ với người cùng cảnh ngộ. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, Hương cười rất nhiều dù không chỉ một lần Hương đề cập tới cái chết. “Nhưng tôi luôn nghĩ rằng không bao giờ nghĩ mình bị bệnh thì mình sẽ nhẹ nhàng hơn. Tôi vẫn ăn uống, làm việc như những người bình thường. Có những ngày giáp tết một mình tôi ngồi giữa nhà làm giỏ quà tết đến tối mịt. Ngày nào cũng phải 22g khách mới vãn, đôi khi có người nhờ đi cắm hoa đám cưới là tôi đi ngay. Nếu đã nhận việc thì tôi luôn làm hết mình, cho thật đẹp đẽ, thật hoàn hảo. Dù chẳng được học cắm hoa, làm giỏ quà nhưng tôi làm rất khéo. Dường như giời đã cho tôi cái khiếu ấy” - Hương chia sẻ. Giữa những công việc bộn bề ấy, Hương viết rất nhiều status chia sẻ với bệnh nhân ung thư khác. Có lúc, Hương live stream trên Facebook để trò chuyện trực tuyến với những người khác. Khi đang bị bệnh, Hương đã đăng ký tham gia chương trình “Thời trang và cuộc sống” trên tivi và trở thành một “bệnh nhân ung thư nổi tiếng”. “Bệnh nhân cũng rất cần xinh đẹp, cô gái nào cũng muốn mình xinh xắn và vì vậy tôi đăng ký tham gia chương trình “Thời trang và cuộc sống”. Có lẽ vì thế có nhiều người biết tôi. Họ đặt rất nhiều câu hỏi về chế độ ăn uống, điều trị, kinh nghiệm dùng thuốc, cả tinh thần để chiến đấu với ung thư. Có những chuyện chỉ người bệnh ung thư mới thấu hiểu nhau, mới chia sẻ được những cảm giác khi bị bệnh. Tôi muốn nói lên tiếng lòng của mình với họ” - Hương nói. Những ngày cuối năm này Hương rất bận, những nhà cung cấp lớn luôn mời Hương đi hội nghị khách hàng. Mới có thâm niêm ba năm nhưng cửa hàng Hương đã có lượng hàng bán ra rất lớn. Đó là nhờ vào quyết tâm của Hương. Bố mẹ Hương đã vui trở lại, tự hào vì con đã khỏe và đang được làm điều con thích. “Còn thời gian, Hương dành cho cả những việc có ích khác, chia sẻ với những người cùng bị ung thư. Cho họ thấy nếu mình nỗ lực thì bệnh sẽ lùi, như tôi đây, khỏe mạnh và xinh xắn hơn trước” - Hương tự tin.■ “Thanh Hương là một tấm gương về nghị lực. Hương rất dũng cảm và truyền cho những bệnh nhân khác nghị lực để chiến đấu với căn bệnh ung thư. Hương tỏ ra nhạy bén trong kinh doanh, chỉ ba năm sau ngày “khởi nghiệp”, Hương đã thực sự là một cô chủ nhỏ của hai cửa hàng phát đạt. Nhờ nghị lực, Hương đã trở lại cuộc sống, khỏe mạnh và yêu đời”. Chị Lý Thị Hảo (Viện Huyết học và truyền máu T.Ư) Tags: Ung thưCuộcc chiến ung thưVượt qua ung thư
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Nga tuyên bố có quyền đưa tên lửa Oreshnik đến châu Á để đối phó Mỹ NGHI VŨ 25/11/2024 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Nga có thể triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong phản ứng với các hành động của Mỹ.
Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, trào dâng cảm xúc người lính DUY LINH 25/11/2024 Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, người từng là phi công tiêm kích rồi tư lệnh không quân, đã dừng hồi lâu trước chiếc MiG-21 số hiệu 5121 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.