17/01/2008 20:00 GMT+7

Ung thư tuyến giáp, uống thuốc lâu dài

ThS.BS TRẦN THẾ TRUNG
ThS.BS TRẦN THẾ TRUNG

TTO - Mẹ em bị bướu cổ, BS bảo là bướu K giáp. Cách đây một năm mẹ đã đi mổ và có quay lại tái khám như BS dặn, BS bảo tình trạng của mẹ em là tốt vì không có dấu hiệu lan ra chỗ khác.

k6AJuQoW.jpgPhóng to
TTO - Mẹ em bị bướu cổ, BS bảo là bướu K giáp. Cách đây một năm mẹ đã đi mổ và có quay lại tái khám như BS dặn, BS bảo tình trạng của mẹ em là tốt vì không có dấu hiệu lan ra chỗ khác.

Hiện tại thì mẹ em vẫn thường xuyên dùng thuốc. Em muốn hỏi các BS bướu K giáp có phải là bướu độc không? Khi nào thì mẹ em mới hết dùng thuốc và bệnh này có trị được tận gốc không? (Hồ Lệ Dung)

Trả lời của Phòng mạch online:

Trong bệnh tuyến giáp:

Bướu độc: nghĩa là bướu gây ra cường giáp (thường không phải ung thư)

Bướu ác: nghĩa là ung thư tuyến giáp

Vậy, “Bướu K giáp có phải là bướu độc không?” thì câu trả lời là "Không phải".

Theo như em mô tả thì mẹ em bị ung thư tuyến giáp, đã được điều trị phẫu thuật cắt tuyến giáp và hiện tại đang uống hormon giáp thay thế. Vì thường trong những trường hợp ung thư là mổ cắt toàn bộ tuyến giáp, nếu không uống hormon giáp thay thế thì sẽ bị suy giáp.

Việc uống thuốc này là mỗi ngày và có thể nói là uống lâu dài, gần như là suốt đời. Em không nên quá lo lắng về việc uống thuốc này và điều thiết thực và rất quan trọng là em cần quan tâm, nhắc nhở mẹ em uống thuốc đều mỗi ngày. Uống loại thuốc này đối với mẹ của em cũng giống như ăn muối iôt với những người khác, mỗi ngày đều cần phải có để cơ thể có đầy đủ hormon giáp.

Điều quan trọng thứ hai là liều lượng thuốc dùng cho mẹ em như thế nào cho đủ, không dư cũng không thiếu. Bởi vì một sự dư hay thiếu chút ít hormon giáp mỗi ngày, lâu dài sẽ có ảnh hưởng tác động tới sức khỏe. Do đó, mẹ em cần đi khám và theo dõi tại một trung tâm y tế nào đó định kỳ, có thể là mỗi 2 tháng, 6 tháng hay lâu hơn tùy theo diễn tiến.

Bệnh ung thư tuyến giáp có thể gọi là đã được điều trị tận gốc nếu sau khi mổ xong, không thấy xuất hiện tái phát hay hiện tượng di căn.

Để đánh giá điều này cần thực hiện một số xét nghiệm máu (thường là đo chất thyroglobulin) và có thể dùng chất iôt phóng xạ để phát hiện. Em có thể trao đổi với bác sĩ đang điều trị cho mẹ của em để biết thêm về cách theo dõi và kiểm tra định kỳ.

Bệnh của mẹ em xem như đã được điều trị và đang có kết quả tốt. Việc tiếp theo là phải uống hormon giáp thay thế (mỗi ngày) và định kỳ kiểm tra sự tái phát của bệnh cũng như điều chỉnh liều thuốc uống cho phù hợp.

Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn cho những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe xin gửi về địa chỉ email: [email protected].

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, xin bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ unicode). Xin chân thành cảm ơn!

B.CHÂU thực hiện

ThS.BS TRẦN THẾ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên