14/06/2016 09:07 GMT+7

Ung thư tuyến giáp không đáng sợ

THÙY DƯƠNG (thuyduong@tuoitre.com.vn)
THÙY DƯƠNG ([email protected])

TTO - Tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, năm 2014 phát hiện hơn 2.700 ca ung thư tuyến giáp thì năm 2015 con số này lên đến 3.700 ca.

Bệnh ung thư tuyến giáp đang được coi là “cơn dịch” không phải do lây lan mà vì ngày càng nhiều người mắc bệnh được phát hiện sớm.

Bệnh nhân bị ung thư tuyến giáp xạ hình toàn thân tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: NGỌC DƯƠNG
Bệnh nhân bị ung thư tuyến giáp xạ hình toàn thân tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: NGỌC DƯƠNG

 

Ngồi chờ tới lượt điều trị tại khoa y học hạt nhân Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, chị L.T.M.V. (24 tuổi, ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) kể chị “tình cờ” phát hiện mắc bệnh ung thư tuyến giáp vào tháng 11-2015.

Phát hiện bệnh qua xem clip

V. nhớ buổi sáng hôm đó chị cùng chị gái vào mạng Internet xem một clip về bệnh bướu cổ. V. xem rồi sờ lên cổ kiểm tra như clip này hướng dẫn và bất ngờ thấy một cục chạy lên chạy xuống ngay ở cổ. Cục này “hiện rõ” khi V. nuốt nước miếng.

Lo lắng, V. đến một phòng khám tư nhân chuyên về ung bướu ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM siêu âm. Buổi chiều đến lấy kết quả, bác sĩ thông báo V. có u trên cổ nhưng để biết u lành tính hay ác tính phải chích dịch của u này đi xét nghiệm (sinh thiết). Kết quả sinh thiết cho thấy V. bị ung thư tuyến giáp.

V. nhập viện Bệnh viện Ung bướu TP.HCM để phẫu thuật và tiếp tục uống iốt phóng xạ. Lúc đầu nghe bác sĩ thông báo V. mắc bệnh ung thư, V. lo lắng và rất buồn. Tuy nhiên, khi nghe bác sĩ tư vấn đa số người mắc bệnh ung thư tuyến giáp sẽ được điều trị khỏi nên V. có rất nhiều hi vọng.

Theo TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh, phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, ung thư tuyến giáp là một trong những loại ung thư có khả năng chữa khỏi cao nhất nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách.

Cụ thể, ung thư tuyến giáp nếu phát hiện ra loại tế bào tốt (dạng nang, dạng nhú) và người bệnh không bị tái phát, di căn thì khả năng chữa khỏi bệnh là 90-97%.

Ung thư tuyến giáp nếu rơi vào những dạng đặc biệt hơn, tức là dạng tủy hay gọi là dạng kém biệt hóa thì kết quả điều trị lại rất xấu. May mắn là 90% người mắc bệnh ung thư tuyến giáp là tuyến giáp dạng nhú, dạng nang.

Những trường hợp ung thư tuyến giáp phát hiện được khi nhỏ xíu (chỉ có kích cỡ 2mm), bệnh nhân chỉ phải cắt một bên thùy của tuyến giáp có ung thư, thùy còn lại vẫn hoạt động bình thường nên không phải uống thuốc.

Với bệnh nhân ung thư tuyến giáp bị cắt cả hai thùy, ngoài việc dùng thuốc hỗ trợ tuyến giáp suốt đời, còn lại sức khỏe và mọi sinh hoạt vẫn gần như bình thường.

Có một cục nhỏ nhỏ ở cổ

Hầu hết người mắc bệnh ung thư tuyến giáp đến Bệnh viện Ung bướu khám với lý do “có cục nhỏ nhỏ ở cổ”. Cục này có thể nhỏ như hạt bắp hoặc to như ngón tay cái dưới da ngay dưới vùng cổ.

TS Quốc Thịnh lưu ý không phải ai sờ thấy một cục ở cổ cũng bị ung thư tuyến giáp. Hiện nay, 90% dân số đều có một cái hạt trong tuyến giáp, tuy nhiên hầu hết những hạt này đều bình thường và chỉ khoảng 1-2% người có hạt này bị ung thư.

Đến bệnh viện vì có một cục ở vùng cổ, bệnh nhân sẽ được siêu âm. Nếu trên hình ảnh siêu âm có gợi ý là ung thư, bệnh nhân sẽ được sinh thiết xem có tế bào ung thư không và tùy sự lớn nhỏ của tế bào ung thư sẽ có cách điều trị khác nhau.

Đầu tiên, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật cắt bỏ gần trọn tuyến giáp và nếu có hạch bác sĩ sẽ nạo thêm hạch. Tùy mức độ ăn lan của tế bào ung thư, bác sĩ quyết định có điều trị thêm bằng chất đồng vị phóng xạ (iốt phóng xạ) hay không.

Khi nghe bác sĩ thông báo phải điều trị bằng chất đồng vị phóng xạ, nhiều người lo sợ sẽ nguy hiểm nhưng thật ra cách điều trị này an toàn.

Theo TS Quốc Thịnh, khác với các tế bào khác trong cơ thể, chỉ tế bào của tuyến giáp mới hấp thu chất iốt phóng xạ. Vì vậy, các bác sĩ mới đưa chất đồng vị phóng xạ vào cơ thể bệnh nhân. Ngoài ra, phương pháp điều trị này cũng đơn giản.

Bệnh ung thư tuyến giáp gặp nhiều ở lứa tuổi khá trẻ từ 30-40 tuổi và ở nữ nhiều gấp 3 lần nam. Đến nay, y học chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh ung thư tuyến giáp nhưng ghi nhận bệnh hay gặp ở người có tiền căn tiếp xúc với chất phóng xạ trước đây.

Ví dụ người bệnh ung thư ở vùng đầu cổ được xạ trị, nhiều năm sau có thể bị ung thư tuyến giáp, hoặc người sống ở khu vực có rò rỉ hạt nhân của lò hạt nhân hoặc vụ nổ hạt nhân thì tỉ lệ ung thư tuyến giáp tăng lên rất nhiều.

TS Quốc Thịnh khuyên người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm những hạt giáp, sau đó nếu bác sĩ nghi ngờ thì cần đến các bác sĩ chuyên khoa về nội tiết hoặc ung thư để khám những hạt giáp này lành hay ác tính.

TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh cho biết ung thư là bệnh có thể phòng ngừa bằng lối sống lành mạnh như không hút thuốc lá, không uống rượu bia, không ăn thực phẩm nhiều chất béo, không ăn những thức ăn có nguồn gốc không an toàn.

Ngoài ra, cần tăng cường vận động, tập thể dục thể thao, ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi vì trong rau xanh, trái cây tươi có những chất gắn kết với độc tố trong cơ thể do chuyển hóa và giúp đào thải chúng tốt hơn.

Nếu những chất độc không được đưa ra ngoài cơ thể, tới lúc nào đó sẽ làm đột biến tế bào, gây ung thư.

THÙY DƯƠNG ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên