Bác sĩ đang khám cho một bệnh nhân ung thư phổi tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: L.TH.HÀ. |
Theo các bác sĩ, mỗi năm trên thế giới có khoảng 1,8 triệu người mắc mới ung thư phổi, 1,6 triệu người tử vong. Tại VN, hằng năm có khoảng 22.000 ca mắc mới và 19.500 bệnh nhân tử vong nhưng số mắc mới chưa có dấu hiệu dừng lại.
Người mắc thường có tiền sử hút thuốc
Sáng 13-9, tại khoa nội 1 Bệnh viện Ung bướu TP, anh P.H.L. (33 tuổi, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) dáng người gầy gò ngồi chờ đến lượt vào để bác sĩ khám bệnh. Anh là bệnh nhân vừa được bác sĩ chẩn đoán bị ung thư phổi.
Anh L. kể anh làm nghề chạy xe ba gác chở sắt xây dựng. Anh bắt đầu hút thuốc lá từ lúc15, 16 tuổi. Theo thời gian, càng ngày anh càng hút thuốc nhiều hơn và hiện mỗi ngày phải hút một gói. Tuy bị ung thư phổi nhưng anh L. cho biết anh chưa bỏ thuốc lá vì anh nghĩ “thuốc lá không phải là nguyên nhân chính gây ung thư phổi mà còn do nhiều yếu tố khác”.
Theo lời anh L., trước đây anh hoàn toàn bình thường nhưng cách đây ba tháng anh thấy hay đau, có khi nhức vùng ngực phải, hơi khó thở, đau lói sau vai phải mỗi khi làm nặng. Khi bị như vậy anh cứ nghĩ do công việc nặng nhọc gây giãn cơ nên anh tự mua thuốc tây uống. Uống hoài nhưng các triệu chứng này không giảm, anh L. mới đi khám bệnh, kết quả là anh bị ung thư phổi.
Cùng tại khoa nội 1, anh Giang Văn Nhung (43 tuổi, Đắk Lắk) đến khám bệnh để chuẩn bị truyền hóa chất do ung thư phổi tái phát. Theo anh Nhung, anh bị ung thư phổi năm 2012 và được phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, uống thuốc điều trị liên tục suốt bốn năm nay. Ngay khi biết mình bị ung thư phổi, anh Nhung bỏ ngay việc hút thuốc theo lời khuyên của bác sĩ.
Giai đoạn sớm, không triệu chứng
Theo TS.BS Vũ Văn Vũ - trưởng khoa nội 1 Bệnh viện Ung bướu TP, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận điều trị khoảng 1.000 ca mắc mới ung thư phổi. Trong đó 80-85% người bệnh ở giai đoạn muộn, di căn xa, khiến việc điều trị vô cùng khó khăn, tốn kém nhưng hiệu quả không cao. Số người đến khám khi bệnh còn ở giai đoạn khu trú, có thể can thiệp tốt bằng phẫu thuật ước tính chỉ khoảng 15-20%.
“Ung thư phổi là bệnh lý mãn tính, tiến triển từ từ do sự tăng trưởng bất thường của các tế bào trong cơ thể. Ở giai đoạn đầu ung thư phổi không gây bất cứ triệu chứng nào. Khi khối u đạt đến kích thước nào đó, lan sang các cơ quan khác và chiếm chỗ thì mới gây ra các triệu chứng lâm sàng. Khi xuất hiện triệu chứng thường là bệnh ở giai đoạn toàn phát” - TS Vũ nói.
Chỉ đến khi khối u to ra, xâm lấn vào đường thở vào các cấu trúc lân cận, bệnh mới gây ra ba triệu chứng thường gặp.
Một là ho (không đặc hiệu), ho khan kéo dài, thỉnh thoảng có thể ho ra đàm lẫn máu. Nếu bị bội nhiễm khi ho có thể kèm theo đàm đặc màu vàng xanh. Hai là đau ngực, đó là khi khối u xâm lấn vào cấu trúc thần kinh. Ba là khó thở khi khối u gây chèn ép, gây có nước màng phổi, làm cho cử động hô hấp bị giới hạn. Có khi ung thư phổi phát triển rất nhanh, nhiều khi bệnh nhân đi khám vì triệu chứng ở cơ quan khác do bệnh đã di căn xa.
Phòng ngừa quan trọng nhất
Do phổi là một cơ quan nằm sâu trong cơ thể, do đặc tính của bệnh rất khó phát hiện ở giai đoạn sớm khi chưa có triệu chứng nên TS Vũ khuyến cáo không nên chủ quan và đợi khi có triệu chứng bệnh mới đi khám bệnh. Đặc biệt những người có nguy cơ mắc ung thư phổi cao như nam giới, tuổi trung niên, có tiền sử hút thuốc nhiều năm, khi có triệu chứng ho dai dẳng, điều trị nội khoa không bớt hoặc ho tái đi tái lại thì phải coi chừng là ung thư phổi.
Những người chung sống với người hút thuốc, người phải tiếp xúc thường xuyên với các tác nhân thuốc lá như nhân viên làm việc trong các công nghệ giải trí, quán bar, nhà hàng, quán karaoke, vũ trường, sòng bài hoặc công nhân làm trong các dây chuyền sản xuất có tiềm ẩn khói, bụi và chất độc như luyện gang, thép… cũng là đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư phổi.
Do việc chẩn đoán sớm ung thư phổi có nhiều khó khăn, y học vẫn chưa có biện pháp thích hợp để tầm soát bệnh trong cộng đồng, trong khi đây là bệnh lý hiểm hóc, tiến triển rất nhanh, chưa có biện pháp phát hiện kịp thời. Ngay cả chụp X-quang phổi định kỳ, thử tế bào học trong đàm cũng không hiệu quả.
Ở một số quốc gia phát triển, người ta khuyến cáo chụp CT-scan (kỹ thuật chụp X-quang cao cấp điện toán cắt lớp với mức năng lượng thấp) hằng năm để phát hiện sớm ung thư phổi cho những người ở độ tuổi 50-70, có tiền căn hút thuốc lâu dài.
Tuy nhiên, việc tầm soát này tốn kém nhưng hiệu quả cũng chỉ mang tính tương đối vì chụp 100.000 trường hợp mới có thể phát hiện hơn 100 trường hợp ung thư phổi. Nhưng trong hơn 100 trường hợp này chỉ có vài chục ca là ở giai đoạn bệnh sớm, còn lại đều ở giai đoạn muộn.
“90% trường hợp mắc ung thư phổi liên quan đến vấn đề thuốc lá. Phòng tránh ung thư phổi tốt nhất là chống tác hại thuốc lá, tránh các chất độc hại trong môi trường như khói, bụi, chất radon (một loại khí trơ có thể gây ảnh hưởng đến ADN của tế bào, gây đột biến ra ung thư phổi) thường có nhiều trong môi trường ở chật hẹp, tù túng” - TS Vũ khuyến cáo.
Hai loại ung thư phổi Ung thư phổi chia làm hai loại, ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ. Ung thư phổi tế bào nhỏ (chiếm tỉ lệ 15-20% ca mắc ung thư phổi) là loại ung thư vô cùng ác tính vì diễn tiến rất nhanh, di căn sớm. Điều trị chủ lực là hóa trị. Ung thư phổi không tế bào nhỏ (chiếm tỉ lệ 80-85%) thường có diễn tiến tuần tự: khối u xuất hiện, to ra, xâm lấn xung quanh, di căn đến các hạch gần rồi đến các hạch xa hơn, di căn lên não... Tùy theo giai đoạn bệnh, bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị thích hợp như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị hoặc liệu pháp nhắm trúng đích, mở ra việc điều trị nhiều triển vọng kéo dài cuộc sống cho người bệnh. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận