Bác sĩ Duy Long thăm bệnh nhi 9 tuổi mắc bệnh ung thư gan sau phẫu thuật - Ảnh: M.PHƯƠNG
TS.BS Trần Công Duy Long, phó trưởng khoa gan mật tụy Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết mới đây Bệnh viện Đại học Y dược điều trị cho bé trai N.Đ.T. (9 tuổi, ngụ ở Q.Thủ Đức, TP.HCM) mắc bệnh gan.
Phát hiện sớm nhờ đi khám định kỳ
Mẹ T. kể khi mang thai T., mẹ T. mới biết mình mắc bệnh viêm gan siêu vi B nhưng thuộc thể không hoạt động, không phá lá gan nên bác sĩ nói ở thể này chỉ cần theo dõi, chưa cần điều trị.
Dù đã được chích ngừa viêm gan siêu vi B ngay từ khi sinh ra nhưng T. vẫn bị mắc bệnh này.
Sau đó, bệnh viêm gan của mẹ T. đi vào giai đoạn hoạt động, da chuyển sang màu vàng. Lúc này, bác sĩ mới điều trị bệnh viêm gan siêu vi B cho mẹ T.. Nhờ vậy, ba người em của T. sau này đều không bị mắc bệnh .
Từ khi phát hiện T. mắc bệnh, mẹ T. đã luôn đưa T. đi tái khám định kỳ. Gần đây, từ kết quả siêu âm định kỳ tại Phòng khám đa khoa Hòa Hảo, bác sĩ nghi ngờ T. bị ung thư gan nên đã cho T. chụp CT.
Kết quả chụp CT cho thấy có một bướu gan có kích thước khoảng 2cm. T. được chẩn đoán mắc bệnh ung thư gan và được giới thiệu sang Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM để điều trị .
TS Duy Long nhận xét bà mẹ này đã tuân thủ theo dõi, tái khám định kỳ cho con rất tốt nên đã phát hiện được sớm bướu gan từ khi còn rất nhỏ (2cm). Tại Bệnh viện Đại học Y dược, các bác sĩ quyết định mổ nội soi lấy trọn khối u ra cho bệnh nhi. Hiện bệnh nhi phục hồi tốt.
Nếu trường hợp này đến trễ, bướu gan sẽ lớn hơn, thậm chí sẽ có những bướu gan mọc xung quanh. Khi đó, các bác sĩ sẽ không thể phẫu thuật và bệnh nhi sẽ sống không được quá 6 tháng.
Phần lớn bệnh nhân mắc bệnh ung thư gan đến bệnh viện điều trị khi đã ở trong tình trạng nặng. Khi đó, gan của bệnh nhân đã có rất nhiều bướu hoặc bướu rất bự, bệnh nhân bị vàng da do gan yếu hoặc xơ gan nặng.
Với những bệnh nhân còn nhỏ tuổi mắc bệnh ung thư gan đến bệnh viện điều trị, bác sĩ luôn tìm hiểu về gia đình bệnh nhân xem có thêm những ai bị mắc bệnh.
Trong thực tế, từ một cháu bé mắc bệnh viêm gan B, có nhiều gia đình đã phát hiện thêm ra những người thân trong gia đình mắc bệnh viêm gan siêu vi B.
Gia đình có số thành viên mắc bệnh viêm gan siêu vi B nhiều nhất mà bác sĩ từng gặp là 11 người (11 anh em trong gia đình bị lây bệnh từ người mẹ), còn có hàng chục gia đình có 5-7 thành viên mắc bệnh viêm gan siêu vi B.
Theo TS Duy Long, nguyên nhân chính gây bệnh ung thư gan vẫn là do trước đó người bệnh mắc bệnh viêm gan, siêu vi B, siêu vi C. Hiện đã có văcxin phòng ngừa bệnh viêm gan siêu vi B nên cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh là chích ngừa văcxin.
thường bị sốc hơn
Sáng 17-8, tại khoa xạ 2 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, chị N.T.T.T. (28 tuổi, ngụ Bình Dương) giàn giụa nước mắt kể lại chuyện chị mắc bệnh ung thư. Chị T. mới được chẩn đoán mắc bệnh ung thư cổ tử cung khoảng 2 tuần nay.
"Đâu ai ngờ được còn trẻ tuổi như tôi mà đã mắc bệnh ung thư", chị T. nghẹn ngào nói.
Từ lúc biết mình mắc bệnh, chị T. không thể ngủ say được một giấc, tâm trạng chị lúc nào cũng lo lắng, nào là bệnh của mình sẽ thế nào, điều trị có tốn kém không, sau này cuộc sống của hai con sẽ như thế nào…?
Bác sĩ nói vài ngày nữa mới đến lượt chị được chụp CT để xem bệnh đã ở giai đoạn nào, từ đó mới có hướng điều trị. Nhưng điều mà các bác sĩ biết trước là bệnh của chị giờ không còn mổ được nữa. Giờ chị chỉ mong được điều trị ổn để được trở về nhà với hai con gái.
TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh, phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết khoảng 15-20 năm trước, bệnh nhân mắc bệnh ung thư dưới 30 tuổi rất hiếm gặp nhưng ngày nay thì không còn hiếm gặp nữa.
Với những người trưởng thành, dù ở độ tuổi nào khi biết mình mắc bệnh ung thư đều thấy rất sốc trước thông tin này. Nhưng ở những người trẻ tuổi "cú sốc" này còn lớn hơn vì người trẻ kinh tế chưa ổn định, con còn nhỏ… nên có nhiều điều lo lắng hơn.
Những người trẻ mắc bệnh ung thư thường lại có diễn tiến bệnh nhanh, tiên lượng xấu hơn những người mắc bệnh ung thư ở độ tuổi lớn hơn. Có thể do cơ thể người trẻ đang phát triển nên bệnh cũng diễn tiến nhanh hơn.
Diễn viên Mai Phương (bên trái) đấu giá con gấu bông của mình trong một đêm nhạc Hát cho yêu thương để góp tiền giúp bé Ka Jun Hê (Lâm Đồng) điều trị ung thư - Ảnh: M.DƯƠNG
Diễn viên ung thư phổi ở tuổi 33
Tối 18-8, nhiều nghệ sĩ và khán giả bàng hoàng khi hay tin nữ ca sĩ - diễn viên Mai Phương nhập viện vì ung thư giai đoạn cuối.
Theo diễn viên Trương Bảo Như - người đang trực tiếp chăm sóc Mai Phương trong bệnh viện, cô chỉ biết mình bị ung thư cách nay không lâu nhưng đã âm thầm đối mặt với nó.
Diễn viên Đại Nghĩa chia sẻ trên trang cá nhân, cách đây không lâu, Mai Phương vẫn tham gia ghi hình tại một chương trình do anh thực hiện.
Nhiều nghệ sĩ và nhà báo cho biết họ vẫn thường xuyên gặp Mai Phương trong nhiều hoạt động với trạng thái rạng rỡ, vui tươi thời gian gần đây.
Diễn viên Bảo Như cho biết hiện nay bệnh tình của Mai Phương trở nặng, di căn sang xương khiến cô đau nhức toàn thân.
Nhiều nghệ sĩ cho biết Mai Phương là một người mẹ đơn thân đầy nghị lực. Cô phấn đấu không ngừng nghỉ trong hơn 5 năm qua với rất nhiều công việc như tham gia game show, ca hát, đóng phim, diễn kịch, bán hàng online… để nuôi con.
Diễn viên Đại Nghĩa còn cho hay cô là một MC có tài, một diễn viên giỏi…
Diễn viên Mai Phương từng đóng nhiều phim truyền hình như: Những thiên thần áo trắng, Hương phù sa, Xóm cào cào, Một ngày không có em... và tham gia phim điện ảnh Trai nhảy của đạo diễn Lê Hoàng.
* Bác sĩ TRẦN VĂN THUẤN (giám đốc Bệnh viện K):
Tỉ lệ mắc ung thư đang tăng
Có một số đặc thù ở bệnh ung thư tại VN so với các nước khác. Trong đó, bệnh ung thư vú ở các nước tỉ lệ mắc tăng theo độ tuổi nhưng ở VN tuổi bình quân mắc ung thư vú cao nhất là 40-50, có một số người mới 20-25 tuổi đã mắc ung thư vú.
VN có tỉ lệ mắc ung thư mức trung bình của thế giới, nhưng thống kê chung cho từng vùng dịch tễ cho thấy tỉ lệ mắc ung thư có tăng lên hằng năm.
Chiến lược phòng chống ung thư nói chung có 4 nội dung: phòng bệnh, phát hiện sớm, nâng cao chất lượng chăm sóc điều trị chẩn đoán và chăm sóc giảm nhẹ. Nhưng tùy từng loại ung thư mà phương pháp phòng chống có khác nhau.
Về căn bệnh ung thư phổi (đang được mọi người quan tâm nhiều trên mạng) đi vào phòng bệnh nhiều hơn, do trên 95% ca mắc có liên quan đến thuốc lá, bao gồm cả hút thuốc bị động và chủ động.
Còn sàng lọc và phát hiện sớm hiệu quả rất hạn chế, do chỉ có thể ghi nhận được triệu chứng khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, người dân cũng chưa có thói quen đi khám, phát hiện sớm, trong khi các nước có thói quen hằng năm khám sức khỏe định kỳ nên có phát hiện bệnh sớm hơn, nhưng ung thư phổi cũng khó phát hiện sớm.
Để phòng chống ung thư phổi, cách tốt nhất vẫn là tuyên truyền để những người hút thuốc bỏ thuốc lá, tránh khói thuốc làm ảnh hưởng người xung quanh, nỗ lực để môi trường sống không khói bụi.
Loại ung thư cũng hay phát hiện ở nhóm tuổi trẻ nữa là ung thư đại tràng.
Loại ung thư này có tỉ lệ nhất định liên quan đến di truyền, trong đó có bệnh đa polyp đại trực tràng, cha mẹ có nhiều polyp trong đại trực tràng không phát hiện sớm thì con cái cũng bị và nếu không phát hiện, xử lý sớm thì các polyp này có nguy cơ trở thành ung thư.
Bên cạnh đó, chế độ ăn ít hoa quả rau xanh, hoặc người thể trạng béo cũng có nguy cơ ung thư đại trực tràng nhiều hơn người có thể trạng cơ thể chuẩn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận