Ảnh minh họa. Nguồn: decisionsindentistry.com
Tự khám định kỳ miệng của bạn là cách tốt nhất để xác định các dấu hiệu sớm của ung thư miệng và họng. Khi xác định được bệnh ở giai đoạn sớm, ung thư miệng thường được điều trị thành công. Thật không may, nhiều ung thư miệng và họng đã tiến triển xa khi bác sĩ phát hiện được bệnh. Điều này là do ung thư miệng thường không đau trong giai đoạn sớm hoặc có những triệu chứng không quan trọng, tương tự như các vấn đề sức khoẻ khác như là đau răng.
Những dấu hiệu và triệu chứng
Biểu hiện sớm của ung thư miệng và họng là một hoặc nhiều thay đổi mô mềm trong miệng về hình ảnh và cảm giác. Những dấu hiệu và triệu chứng có thể gồm:
- Vết loét trong miệng không liền hoặc tăng lên về kích thước;
- Đau kéo dài trong miệng;
- Những khối hoặc mảng trắng, đỏ hoặc đen bên trong miệng;
- Má dầy lên;
- Khó nhai, nuốt hoặc cử động lưỡi;
- Khó cử động hàm hoặc sưng hoặc đau ở hàm;
- Rất đau trong hoặc cảm thấy có cái gì vướng trong họng;
- Đau quanh răng hoặc lung lay răng;
- Tê lưỡi hoặc bất kỳ vị trí nào trong miệng;
- Thay đổi giọng nói;
- Có khối ở cổ;
- Hơi thở hôi.
Hầu hết ung thư miệng phát triển ở môi, lưỡi hoặc sàn miệng. Chúng cũng có thể phát triển bên trong má, lợi hoặc vòm miệng.
Nguyên nhân
Ung thư miệng và họng xuất hiện như là kết quả của tổn thương ADN trong tế bào ở miệng và họng. Hút thuốc lá và uống quá nhiều rượu có thể làm tổn thương những mô này. Sự kết hợp của hút hoặc nhai thuốc lá và uống quá mức tạo nguy cơ cao của ung thư miệng và họng. Sự phơi nhiễm quá mức với tia cực tím có thể gây tổn thương. Tổn thương tế bào có thể làm cho chúng thay đổi chức năng và biến đổi thành tế bào ung thư.
Những yếu tố nguy cơ
Có nhiều yếu tố mà bạn có thể kiểm soát việc tăng nguy cơ ung thư miệng. Bao gồm:
- Sử dụng thuốc lá: Thuốc lá có thể gây tổn thương tế bào bề mặt của khoang miệng và phần trên của họng. Những người hút thuốc có khả năng phát triển ung thư miệng và phần họng trên nhiều hơn những người không hút thuốc. Khoảng 90% những người mắc ung thư này sử dụng một vài loại thuốc lá. Thuốc lá được dùng phổ biến ở nam, vì vậy ung thư miệng thường phổ biến ở nam hơn nữ. Những người dùng thuốc lá không khói hoặc nhai thuốc lá có nguy cơ tương đương mắc ung thư má và mặt trong môi. Ngoài ung thư miệng và họng, dùng thuốc lá không khói có thể gây ra các vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng khác, bao gồm các loại ung thư khác, bệnh về lợi và bệnh tim mạch.
- Uống rượu quá nhiều: Rượu cũng có thể làm tổn thương tế bào bên trong miệng và phần trên họng. Xấp xỉ 3/4 số người ung thư miệng và họng trên thường uống rượu. Sự kết hợp rượu và thuốc lá làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư của bạn.
- Sự kích thích kéo dài của răng giả: Sự kích thích gây ra do răng giả bản thân nó không làm xuất hiện các nguy cơ của ung thư miệng. Tuy nhiên, sự gắn kết lỏng lẻo của răng giả có thể làm mắc kẹt các mảnh nhỏ thuốc lá và rượu, và sự phơi nhiễm lâu dài với những yếu tố nguy cơ được biết đến này có thể làm tăng nguy cơ ung thư miệng.
- Phơi nhiễm lâu dài với tia cực tím: Tiếp xúc quá nhiều với tia cực tím có thể tổn thương tế bào ở môi và tăng nguy cơ ung thư môi. Khoảng 1/3 người mắc ung thư môi làm công việc ở ngoài trời trong một thời gian dài.
- Những mảng trắng trên lưỡi hoặc bên trong má (bạch sản): Hầu như bạch sản người già là không nghiêm trọng. Tuy nhiên, bạch sản có thể trở thành nghiêm trọng vì một vài mảng có thể là dấu hiệu sớm của ung thư, và nhiều ung thư của miệng xảy ra ở khu vực gần bạch sản. Bạch sản có thể là kết quả của nhiều nguyên nhân, bao gồm hút hoặc nhai các sản phẩm của thuốc lá hoặc răng giả gắn lỏng.
- Những mảng đỏ trong miệng (hồng sản). Hồng sản có nhiều khả năng phát triển thành ung thư hơn bạch sản. Hầu hết những trường hợp này cuối cùng được chẩn đoán là ung thư. Những vùng này thường dễ chảy máu khi chà xát.
- Virus gây u nhú ở người (HPV). HPV là một nhóm virus lây truyền theo đường tình dục, có liên quan đến hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung. Gần đây, HPV được tìm thấy là một yếu tố trong khoảng 1/5 ung thư miệng.
Khi nào cần đi khám bệnh
Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn:
- Thấy vết loét trong miệng không liền;
- Có khối hoặc những mảng trắng, đỏ hoặc đen trong miệng;
- Cảm thấy đau kéo dài hoặc mất cảm giác bên trong miệng;
- Chảy máu trong miệng lặp lại nhiều lần;
- Có bất kỳ sự thay đổi nào khi quan sát hoặc thay đổi cảm giác của mô mềm tromg miệng.
Bất kỳ những yếu tố nào nêu trên có thể là biểu hiện của ung thư miệng. Nếu bạn có bất kỳ những dấu hiệu hoặc triệu chứng này kéo dài trên 2 tuần, hãy đến gặp bác sĩ của bạn. Bạn có những lời khuyên của bác sĩ càng sớm thì cơ hội điều trị thành công của bạn càng cao.
Sàng lọc và chẩn đoán
Để chẩn đoán, ban đầu bác sĩ nha khoa hoặc bác sĩ chuyên khoa hỏi về lịch sử của những dấu hiệu và triệu chứng và bác sĩ tiến hành kiểm tra miệng của bạn. Để xác định những vùng xuất hiện bất thường trong miệng của bạn là ung thư, bác sĩ cần lấy một mẫu mô nhỏ (sinh thiết) để kiểm tra trong phòng thí nghiệm.
Hầu như tất cả ung thư miệng và họng là loại tế bào vảy (ung thư tế bào vảy hoặc ung thư biểu mô). Tế bào vảy là tế bào dẹt và sừng hoá, chúng hình thành ở bề mặt của khoang miệng và họng trên cũng như ở bề mặt của da. Ung thư tế bào vảy bắt đầu với những tế bào bất thường chỉ khu trú trên bề mặt. Khi nó tiến triển, tế bào ác tính xâm lấn xuống mô sâu hơn trong khoang miệng và họng trên và có thể di căn tới hạch bạch huyết cũng như các phần khác của cơ thể.
Bác sĩ sẽ xác định liệu ung thư miệng và họng đã di căn chưa và nó di căn xa như thế nào, bạn sẽ cần trải qua các quá trình chẩn đoán hình ảnh bao gồm:
- Chụp X-quang: Bác sĩ của bạn có thể muốn xem phim X-quang răng cũng như phim X-quang của đầu và ngực.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ hạt nhân (MRI): Chụp cắt lớp vi tính cho phép bác sĩ quan sát các cơ quan trong những lát cắt 2 chiều. Trong một phần giây, quá trình xử lý trong máy tính tạo ra những hình ảnh khi một loạt các tia X rất yếu đi xuyên qua cơ thể. Chụp cộng hưởng từ hạt nhân không dùng tia X. Để thay thế, một máy tính tạo ra những hình ảnh lát cắt mô từ dữ liệu tạo ra bởi từ trường mạnh và sóng vô tuyến. Những hình ảnh này có thể quan sát từ bất kỳ hướng nào hoặc trên mặt phẳng. Những hình ảnh này giúp xác định phạm vi của khối và liệu ung thư đã di căn đến những hạch bạch huyết lân cận chưa.
- Siêu âm: Kỹ thuật hình ảnh này không sử dụng tia bức xạ. Thay vì đó, nó kết hợp sóng siêu âm tần số cao và các quá trình xử lý trong máy tính. Siêu âm đặc biệt tốt cho việc cung cấp thông tin về hình dạng, kết cấu và bản chất của u và nang. Khi bạn thư giãn trên giường hoặc bàn khám, một dụng cụ giống như gậy (bộ chuyển đổi) được đặt bên cạnh đầu của bạn. Nó phát ra những sóng âm thanh không thể nghe thấy được mà phản hồi trở lại bộ chuyển đổi (tương tự như hệ thống định vị vật dưới nước bằng âm hoặc siêu âm). Những sóng âm thanh phản hồi đó sau đó được chuyển thành những hình ảnh chuyển động nhờ máy tính.
Nhiều ung thư miệng và họng không xác định được cho đến khi chúng tiến triển muộn. Khi xác định được sớm, ung thư tế bào vảy thường có thể được điều trị thành công.
Điều trị
Bác sĩ dùng biện pháp phẫu thuật và tia xạ để điều trị ung thư miệng và họng ở giai đoạn sớm. Với ung thư ở giai đoạn tiến triển muộn, bác sĩ dùng phẫu thuật kết hợp với xạ trị hoặc xạ trị kết hợp với hoá trị.
Kế hoạch điều trị của bạn nên được xây dựng cho riêng bạn dựa trên nhiều yếu tố bởi một nhóm các bác sĩ bao gồm phẫu thuật viên, bác sĩ ung thư nội khoa và bác sĩ xạ trị. Những lựa chọn điều trị bao gồm:
- Phẫu thuật: Loại phẫu thuật mà bạn có thể cần phụ thuộc vào kích thước và vị trí của khối u. Bác sĩ có thể phẫu thuật cắt bỏ u mà không tác động tới các mô xung quanh gây ra một vài tác dụng phụ. Tuy nhiên, nếu u đã xâm lấn mô xung quanh thì phẫu thuật mở rộng. Thỉnh thoảng phẫu thuật viên cần lấy bỏ mô xương từ hàm hoặc trần miệng. Để điều trị ung thư lưỡi và phần trên của họng, phẫu thuật viên có thể cần lấy bỏ mô mà bạn dùng để nuốt và một vài trường hợp là thanh quản. Nếu ung thư lan tràn ra bên ngoài miệng, phẫu thuật viên cũng có thể cần lấy bỏ hạch bạch huyết trong cổ. Bạn không thể có bất kỳ tác dụng phụ nào khi lấy bỏ u nhỏ trong miệng. Tuy nhiên, phẫu thuật mở rộng có thể đòi hỏi những sự điều chỉnh lớn khi bạn nhai, nuốt, thở và nói. Bạn có thể cần những thiết bị giả trong miệng để phục hồi lại những phần đã lấy bỏ của răng, lợi và hàm. Trong những trường hợp bệnh tiến triển muộn, bạn có thể cần ống để ăn và thở và một thiết bị tạo giọng nói nhân tạo.
- Xạ trị: Xạ trị dùng tia X để tiêu diệt tế bào ung thư. Bác sĩ có thể chỉ sử dụng biện pháp này để điều trị u nhỏ hoặc kết hợp với hoá chất để điều trị u lớn. Xạ trị cũng có thể dùng cùng với phẫu thuật để phá huỷ một lượng nhỏ tế bào ung thư mà bác sĩ không thể lấy bỏ trong suốt quá trình phẫu thuật.
- Hoá trị: Hoá trị dùng thuốc để phá huỷ tế bào ung thư. Bạn có thể dùng những thuốc này qua đường tĩnh mạch hoặc đường uống. Loại thuốc và thời gian điều trị phụ thuộc vào kích thước của u. Trong trường hợp u lớn và xâm lấn, hoá trị có thể dùng kết hợp với xạ trị và tại vị trí phẫu thuật.
- Thuốc ức chế sự hình thành mạch: Cetuximab (Erbitux) là thuốc ngăn chặn sự phát triển của các mạch máu mới cần cho sự phát triển của ung thư. Thuốc này gần đây đã được cho phép dùng cùng với hoá chất trong điều trị ung thư khoang miệng.
Sự bình phục và phục hồi chức năng
Tiếp theo phẫu thuật lấy bỏ u rộng rãi, phẫu thuật tạo lại cấu trúc hoặc sửa chữa bệnh lý thanh học có thể thúc đẩy sự bình phục và phục hồi chức năng.
- Phẫu thuật tái tạo lại cấu trúc: Mục đích của phẫu thuật tái tạo lại cấu trúc là cải thiện hình ảnh của bạn và giúp bạn điều chỉnh những khó khăn về vấn đề nhai, nuốt, nói và thở. Đôi khi bạn sẽ cần ghép da và mô từ các phần khác của cơ thể để tạo lại những vùng trong miệng, họng hoặc hàm. Bạn cũng có thể cần cấy ghép răng giả để thay thế cho phần hàm đã bị lấy bỏ trong phẫu thuật. Nếu bạn đã có phẫu thuật rộng rãi ở cổ, bạn cũng có thể trải qua phẫu thuật tạo một lỗ thủng ở cổ (mở khí quản) để giúp bạn thở dễ dàng hơn. Nếu phần cơ cần cho việc nhai của bạn bị lấy bỏ, bạn sẽ cần phẫu thuật tạo một lỗ trong ổ bụng (mở thông dạ dày) để đưa trực tiếp thức ăn vào trong dạ dày qua một ống nuôi dưỡng.
- Phục hồi chức năng: Việc điều chỉnh cuộc sống sau phẫu thuật có thể cần sự giúp đỡ của các bác sĩ thanh học và bác sĩ dinh dưỡng. Bác sĩ thanh học có thể giúp bạn vượt qua những khó khăn về nói và nuốt. Nếu bạn mất khả năng nói, bạn có thể học nói bằng cách bắt buộc luồng không khí đi qua trên thực quản (nói thực quản). Thiết bị nhân tạo cũng có khả năng giúp bạn nói hoặc nói to hơn. Bác sĩ dinh dưỡng có thể giúp bạn lựa chọn thức ăn thích hợp cho bạn nếu bạn mất một phần khả năng nhai và nuốt. Bạn có thể học hỏi được những điều có lợi từ những buổi họp với bác sĩ vật lý trị liệu và bác sĩ nghề nghiệp để giúp bạn tạo được những điều chỉnh trong cuộc sống cá nhân và công việc.
Phòng bệnh
Thuốc lá và rượu là những yếu tố nguy cơ quan trọng nhất đối với ung thư miệng và họng. Bạn có thể giảm được nhiều nguy cơ bằng việc không hút thuốc và giới hạn lượng rượu mà bạn uống. Những bước khác bạn có thể làm để phòng ngừa ung thư miệng và họng hoặc sự tiến triển của nó bao gồm:
- Sử dụng răng giả được gắn tốt: Nếu bạn mang răng giả, hãy chắc chắn là chúng được gắn hoàn hảo và được ngâm và rửa sạch. Sự kích thích ở miệng có thể tăng nguy cơ ung thư miệng.
- Không cắn vào mô bên trong miệng (mặt trong má): Làm như thế sẽ kích thích mô trong miệng. Điều này có thể xảy ra trong lúc ngủ, cùng với việc nghiến răng (bệnh nghiến răng trong lúc ngủ). Hãy nói với bác sĩ nha khoa của bạn nếu điều này là khó khăn đối với bạn.
- Hạn chế phơi nhiễm với ánh nắng mặt trời: Tia cực tím gây tổn thương da trên môi và tăng nguy cơ ung thư miệng. Khi bạn ra ngoài nắng, dùng kem dưỡng môi có chứa chất chống nắng và đội mũ rộng vành để bảo vệ mặt và môi.
- Kiểm tra miệng và lưỡi định kỳ: Đứng trước gương, dùng ngón tay trỏ và ngón cái kéo bề mặt của mô ra ngoài để quan sát tốt và sờ được mô bên trong môi, má và bất kỳ nơi nào trong miệng, đặc biệt là mặt dưới lưỡi. Tìm kiếm những khối sùi hoặc những thay đổi về màu sắc. Dùng ngón cái và các ngón tay khác để kiểm tra những khối và các điểm mềm, dễ bị tổn thương. Nếu bạn thấy có sự thay đổi, hãy nói với bác sĩ nha khoa hoặc bác sĩ chuyên khoa. Ung thư miệng và họng có thể được điều trị thành công, nhưng sự thành công phụ thuộc vào việc phát hiện sớm.
- Khám nha khoa 2 năm một lần: Hầu hết các bác sĩ nha khoa tiến hành kiểm tra toàn bộ miệng của bạn trong mỗi lần khám. Các bác sĩ tiến hành quan sát trực tiếp cũng như gián tiếp các mô trong miệng.
- Ăn chế độ ăn giàu dinh dưỡng: Cố gắng đảm bảo ăn quả và rau hàng ngày. Chế độ ăn nghèo nàn có liên quan đến ung thư miệng và các loại ung thư khác./.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận