Ứng phó với dịch bệnh: Vấn đề của an ninh xã hội

VŨ THÁI HÀ 14/02/2020 23:02 GMT+7

TTCT - Những ngày qua, các báo đồng loạt đưa tin “hết hàng”, “cháy hàng” kèm theo cảnh người dân chen nhau mua khẩu trang và nước rửa tay, trong khi tin tức về dịch viêm phổi do 2019-nCoV gây ra đang thu hút mọi sự chú ý và để lại rất nhiều hoang mang trong cộng đồng.

Ảnh: SCMP
Ảnh: SCMP

Các vấn đề lớn khác cũng được cộng đồng xã hội đặt ra, kéo theo các tranh cãi không dứt, từ chuyện có nên đóng cửa biên giới, có nên cho học sinh tiếp tục nghỉ học, đến việc các cơ sở lưu trú có được phép từ chối khách đến từ vùng dịch hay không. 

Cùng lúc đó thì các tin tức thật giả lẫn lộn về mức độ nguy hiểm của virus corona chủng mới, con đường và cách thức lây lan, các biện pháp phòng tránh… cũng lan tràn trên mạng xã hội khiến người dân càng thêm bối rối và manh nha các hành động cực đoan như tranh giành các điều kiện an toàn và phân biệt đối xử lẫn nhau.

Khi mà cả xã hội cảm thấy bất an, các cá nhân nhất loạt thay đổi hành vi và thái độ sống của mình trước đe dọa của dịch bệnh thì đấy không còn là vấn đề của y tế và sức khỏe nữa, mà là vấn đề của an ninh xã hội.

Thảm họa về an ninh xã hội

Tác động xấu về kinh tế và xã hội của bệnh dịch là không thể xem thường. Bệnh dịch đặt gánh nặng lên hệ thống y tế do cần đến một cơ sở hạ tầng khổng lồ để ứng phó trên diện rộng, cùng lúc đó gây ra các chi phí trực tiếp khác cho nền kinh tế: người lao động không thể làm việc, các kế hoạch làm việc bị gián đoạn và năng suất lao động bị suy giảm.

Các bệnh truyền nhiễm cũng được cho là có thể để lại các di chứng kinh niên đối với người mắc bệnh, tiếp tục làm giảm năng suất lao động và chất lượng sống của họ trong dài hạn.

Sự hoang mang, lo sợ nảy sinh trong thời gian có bệnh dịch có thể khiến cả hệ thống y tế phải thay đổi cách phục vụ, phải điều chuyển và phân bố lại các nguồn lực bao gồm trang thiết bị, vật tư, thuốc và nhân sự để ứng phó với dịch bệnh, dẫn tới suy giảm năng lực cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thường quy cho người dân.

Điều này, đến lượt nó, lại gây ra sự hoang mang ở mức độ cao hơn nữa, đẩy người dân đến chỗ tự tìm kiếm các biện pháp chăm sóc thừa, không cần thiết và vì thế hệ thống y tế tiếp tục chịu thêm gánh nặng. Chưa kể nhân viên y tế cũng là con người, họ cũng có thể nhiễm bệnh, cũng phải chăm sóc gia đình, phải trông coi con cái trong thời gian bệnh dịch và họ cũng lo sợ như những người khác.

Từ một góc nhìn khác, dịch bệnh có thể gây ra sốc mạnh đối với nền kinh tế quốc gia, thậm chí phá hỏng nền kinh tế. Các hoạt động nhằm ngăn chặn như theo dõi các tiếp xúc có nguy cơ, triển khai công tác kiểm dịch và cách ly các ca nhiễm bệnh đều làm phát sinh chi phí rất lớn cho nhân công và trang thiết bị.

Nhu cầu xây dựng mới hay mở rộng các cơ sở y tế, nhu cầu mua các nhu yếu phẩm y tế, thiết bị bảo hộ, thuốc men… tăng cao, có thể đưa chi tiêu của hệ thống y tế lên đến mức khổng lồ, gây ra mất cân đối cho cả nền kinh tế.

Sự lo lắng và hoang mang của xã hội bộc lộ qua nhiều thay đổi khác nhau về hành vi. Chẳng hạn, phân tích của Ngân hàng Thế giới về dịch Ebola ở Tây Phi năm 2014 ghi nhận: “Sợ tiếp xúc với người khác… suy giảm lực lượng lao động, đóng cửa các công ty và nơi làm việc, gián đoạn giao thông, [tất cả] đã thúc đẩy các chính quyền đóng cửa biên giới trên bộ, hạn chế nhập cảnh từ các nước có dịch và khiến các nhà quản lý khối tư nhân ngừng giao dịch, ngừng đi lại và ngừng mua bán bằng cách hủy các chuyến bay thương mại, hủy các dịch vụ vận chuyển đã có lịch từ trước”.

Các thay đổi và tác động này thực tế đã gây ra tác hại còn lớn hơn rất nhiều so với các tác động trực tiếp của bệnh dịch lên người nhiễm bệnh và mang mầm bệnh.

Bằng chứng từ các quan trắc thực tế ở các quốc gia chịu tác động của bệnh dịch trong quá khứ cho thấy rằng bệnh dịch còn để lại những hậu quả nặng nề về chính trị xã hội: gây ra mâu thuẫn giữa người dân và chính quyền, làm xói mòn năng lực của quốc gia, gây ra biến động dân số cơ học, tạo ra căng thẳng và tình trạng phân biệt đối xử.

Thông tin méo mó sai lệch, tin đồn và sự lo lắng thái quá là thách thức lớn đối với quá trình ứng phó với bệnh dịch, chúng có thể làm hỏng mọi thành quả. Tin đồn có thể vô hiệu hóa các biện pháp kiểm soát khi làm cho người dân không tuân thủ các hướng dẫn đúng.

Nguy hại hơn, chúng có thể được khuếch đại và phát tán nhanh chóng khi mà niềm tin vào các phát ngôn chính thức của cơ quan quản lý nhà nước bị suy giảm. Các nghiên cứu đều xác nhận rằng trong những hoàn cảnh bất an, người dân luôn có xu hướng tin vào các tin đồn thuận theo những gì mà họ nghĩ và phù hợp với sự lo lắng có phần thái quá của bản thân.

Chống lại tin đồn bằng các thông tin và dữ kiện vẫn là chưa đủ, mà công tác truyền thông còn phải tính đến khía cạnh tâm lý và tình cảm của người dân: các sự việc chưa được nói đến, hay chưa bộc lộ, và các mối lo lắng tiềm ẩn cần phải được đề cập và diễn giải dưới lăng kính của kinh nghiệm, nhận thức và tập quán của cộng đồng xã hội. 

Ứng phó như thế nào?

Sự hoảng loạn của đám đông luôn có xu hướng được khuếch đại nhanh chóng một khi đã bột phát. Nếu không có một ý định đúng đi cùng với một hệ thống quản lý tốt, có thể dẫn dắt người dân đi trong một hành lang an toàn và có thể kiểm soát được thì xã hội có thể rơi vào hỗn loạn, dẫn tới những thiệt hại khôn lường.

Để có được độ sẵn sàng cao trước dịch bệnh, các quốc gia cần duy trì được một hệ thống cung cấp dịch vụ công cộng hiệu quả và có đầu tư thích đáng cho y tế. Các năng lực trọng yếu của quốc gia trong ứng phó với dịch bệnh bao gồm năng lực giám sát và quan trắc, tiêm chủng diện rộng và truyền thông trong quản lý rủi ro.

Các nhóm yếu tố cụ thể có thể kể đến bao gồm: (1) Hạ tầng y tế công cộng có khả năng xác định, theo dõi, quản lý và điều trị các ca bệnh; (2) Hạ tầng và các kênh truyền thông đủ sức điều hướng thông tin và nguồn lực; (3) Năng lực hành chính và điều hành xã hội đủ hiệu lực và hiệu quả; (4) Khả năng huy động nguồn lực tài chính đáp ứng các nhu cầu chi tiêu phát sinh, và (5) Năng lực truyền thông trong quản lý rủi ro đảm bảo thông tin chuẩn xác và kịp thời.

Ở mỗi giai đoạn trong tiến trình, hoạt động ứng phó và kiểm soát dịch bệnh cần được triển khai và có ưu tiên khác nhau. Tuy nhiên, để các hoạt động này đạt được hiệu quả thì cơ sở đầu tiên phải là nhận thức đúng và nắm rõ về tình hình thực tế, có được cái nhìn chính xác và kịp thời về các mối nguy đang đe dọa cùng các mối nguy tiềm ẩn và những nguồn lực có thể huy động để kiểm soát, bao gồm nhân lực, tài chính, thông tin cùng các thiết chế và định chế cần thiết. Việc này đòi hỏi sự phối hợp và hỗ trợ của hệ thống y tế (bệnh viện, cơ sở y tế, nhân viên y tế…), hệ thống chẩn đoán và hệ thống thông tin, báo cáo; nó cũng đòi hỏi người dân phải có quyền truy cập và đặt niềm tin vào hệ thống y tế nói riêng và hệ thống quản lý xã hội nói chung.

Nhờ nhận thức đúng và nắm rõ tình hình, các cơ quan quản lý nhà nước và các cấp quản lý có thể đưa ra những quyết định can thiệp phù hợp, triển khai các công tác truyền thông đúng đắn, tập trung nguồn lực xã hội vào đúng chỗ để kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo không để cộng đồng xã hội rơi vào hoảng loạn.

Công tác truyền thông là một khía cạnh quan trọng khác trong quá trình ứng phó với dịch bệnh, bắt đầu bằng việc truyền đạt rộng rãi các thông tin cơ bản: cách mầm bệnh lan truyền, hướng dẫn quản lý người nhiễm bệnh, các hành vi có nguy cơ cao và các biện pháp bảo vệ.

Một nguồn tin khả tín, gửi ra các thông điệp được chuẩn bị tốt, phù hợp với trình độ nhận thức, tập quán văn hóa, vào thời điểm mà cộng đồng xã hội trông chờ, cho phép mọi tầng lớp và nhóm người đều được tiếp cận bình đẳng là tất cả những gì mà công tác truyền thông cần phải làm được.

Quá trình chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh cũng bao gồm một công tác không thể xem nhẹ, đó là nâng cao năng lực sức khỏe (health literacy) của người dân. Thiếu năng lực sức khỏe cần thiết, người dân sẽ không thể tiếp nhận các thông điệp và hướng dẫn chính thức một cách hiệu quả, không phân biệt được thông tin thật với thông tin giả, dễ dàng chạy theo các tin đồn, mà hậu quả là phản ứng thái quá, thiếu cơ sở, trở nên dễ bị lạm dụng và góp phần gây bất ổn cho xã hội.■

Vấn đề an ninh xã hội cần phải được giải quyết có hệ thống và phải bắt đầu từ cấp quản lý cao nhất của quốc gia. Quốc hội khóa 12 đã luật hóa công tác này bằng Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, ban hành năm 2007.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã ban hành các văn bản dưới luật quy định các biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly và công tác giám sát trong thời gian có dịch. Các văn phòng đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng cũng đã được thiết lập ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam, đặt dưới sự quản lý của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.

Như vậy, có thể hiểu rằng nhận thức và cơ sở pháp lý của công tác ứng phó với dịch bệnh đã được xác lập ở tầng vĩ mô: có đủ cơ sở để thiết lập một hệ thống quản lý rủi ro cấp quốc gia về phòng chống dịch bệnh.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận