Tập thể dục, đọc sách báo, nghe nhạc, xem một bộ phim hay... sẽ giúp ta thoải mái hơn giữa những ngày dịch giã ảm đạm - Ảnh: HOÀNG AN
Trẻ già đều bị
Những căng thẳng, lo lắng có thể xuất hiện ở người bình thường làm giảm chất lượng cuộc sống, hoặc là yếu tố thúc đẩy một bệnh lý loạn thần, hoặc làm tái phát bệnh loạn thần đang điều trị ổn định.
Đối với trẻ, việc không có cơ hội giao tiếp với bạn bè, thầy cô, hạn chế hoạt động thể lực, sinh hoạt tập thể khiến trẻ tiếp xúc với máy tính, điện thoại nhiều hơn, dễ bị nghiện điện thoại, nghiện game online, làm nặng thêm các chứng bệnh như tăng động, tự kỷ...
Ở người cao tuổi, trầm cảm, lo âu làm nặng thêm bệnh lý sa sút trí tuệ.
Mặt khác, một số nghiên cứu cho thấy đối với những bệnh nhân sau 2 tháng khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona (hậu COVID-19), có tới 26% trong tổng số bệnh nhân bị trầm cảm, 22% bị lo âu và 17% có các triệu chứng rối loạn stress sau sang chấn.
Nhận diện các rối loạn tâm lý
* Căng thẳng, lo âu
Khi lo lắng, căng thẳng thường có những biểu hiện như: sợ hãi, hoảng hốt và cảm thấy không thoải mái, cảm giác lo lắng, không an toàn hoặc có điều gì đó nguy hiểm với mình, có vấn đề về giấc ngủ như mất ngủ, khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu, dễ tỉnh giấc...
Cảm giác bồn chồn không thể bình tĩnh hay ngồi yên một chỗ, lạnh, vã mồ hôi, tê cóng, tê bì chân tay, thở nông, thở nhanh hơn so với bình thường (tăng thông khí), nhịp tim nhanh, khô miệng, buồn nôn, căng cứng cơ, run chân tay, hoa mắt, chóng mặt, choáng váng, nghĩ mãi về một vấn đề mà không thể dừng lại được, không thể tập trung chú ý.
* Mất ngủ
Người bệnh thường có những biểu hiện giảm chất lượng giấc ngủ và thời gian ngủ. Bệnh nhân thường khó đi vào giấc ngủ, trằn trọc không ngủ được, ngủ không sâu giấc, dễ tỉnh giấc và không thể ngủ tiếp được.
Bệnh nhân ngủ muộn, dậy sớm, mỗi đêm ngủ được rất ít, thậm chí có bệnh nhân thức trắng đêm. Đêm ngủ bệnh nhân có thể gặp ác mộng hoặc bệnh nhân mơ liên tục trong đêm, tỉnh giấc thấy mệt mỏi, không thoải mái.
* Trầm cảm
Thường biểu hiện với những triệu chứng: mệt mỏi, cảm giác như không còn sức lực để làm việc, buồn chán, bi quan về tương lai, không muốn nói chuyện, giao tiếp với mọi người, thu rút các mối quan hệ, luôn cảm thấy mình là người vô dụng. Những trường hợp nặng có thể có hành vi hủy hoại bản thân, tự sát.
Làm gì khi bản thân hoặc người nhà bị rối loạn tâm lý?
Không nên hoảng hốt, mất bình tĩnh một cách quá mức, điều này sẽ không giải quyết được tình trạng hiện tại mà chỉ làm rối thêm. Vì vậy, chúng ta cần phải có tâm lý vững vàng, bình tĩnh xử lý các tình huống xảy ra.
Dành thời gian tìm hiểu về bệnh theo những thông tin chính thống sẽ giúp cho tâm lý vững vàng, không hoang mang bởi những tin đồn không chính xác.
Đi bộ, vận động thể dục, đọc sách báo, nghe nhạc, xem một bộ phim hay... sẽ giúp bạn thoải mái hơn.
Ăn uống lành mạnh, đủ dinh dưỡng.
Giữ liên lạc với bạn bè, người thân, tâm sự với mọi người những gì mình lo lắng, những gì mình mong muốn.
Liên lạc với bác sĩ của mình, nhất là những bệnh nhân đang điều trị các bệnh mạn tính, có thể khám tư vấn bác sĩ từ xa, liên hệ với các trung tâm tư vấn tâm lý để được hỗ trợ khi cần.
Những triệu chứng nào nên đi khám?
Nên đi khám khi có một vài biểu hiện sau:
Khó ngủ, ngủ không tốt, dễ gặp ác mộng, ngủ hay tỉnh dậy giữa đêm, ngủ dậy vẫn thấy mệt mỏi…
Hay lo lắng, suy nghĩ quá nhiều, mất tập trung dẫn tới không làm được việc gì.
Mệt mỏi mãn tính, cơ thể không có năng lượng, không có động lực làm việc, không có năng lượng làm gì.
Thay đổi cảm xúc, dễ cáu gắt, nóng giận, nhỏ nhen hơn trước đây, không kiểm soát được cảm xúc của mình.
Thay đổi trong suy nghĩ, nghiền ngẫm hoặc xuất hiện những niềm tin kỳ lạ. Xuất hiện những hành vi kỳ cục ảnh hưởng tới sinh hoạt của các thành viên trong gia đình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận