Phóng to |
Học sinh Trường THPT Trưng Vương, TP.HCM căng thẳng trao đổi sau buổi thi tốt nghiệp THPT môn toán năm 2013 - Ảnh: Minh Đức |
* PGS Văn Như Cương:
Cần coi kết quả tốt nghiệp THPT là “điểm sàn” ĐH-CĐ
Tôi thấy những năm qua Bộ GD-ĐT đặt ra điểm sàn ĐH-CĐ để “chặn đầu dưới” về chất lượng thí sinh dự tuyển vào các trường ĐH-CĐ là điều vô lý. Vì thí sinh dự thi ĐH-CĐ đều đã tốt nghiệp THPT, về lý thuyết các em đều phải đạt “sàn” về chất lượng. Bộ GD-ĐT đã cấp bằng cho học sinh nhưng lại dùng một “chuẩn” khác để gác chất lượng tối thiểu thì chẳng khác nào không công nhận giá trị của bằng tốt nghiệp THPT.
Về lâu dài, tôi ủng hộ phương án của Bộ GD-ĐT công nhận tốt nghiệp THPT bằng kết quả đánh giá quá trình học tập của học sinh cộng với kết quả kỳ thi cuối cấp THPT. Học sinh có thể học xong môn nào, thi kết thúc môn đó. Kỳ thi cuối cấp chỉ cần thi hai môn văn, toán. Kết quả này chắc chắn sẽ đánh giá học sinh chính xác hơn là một kỳ thi với vài tiếng đồng hồ. Với cách này, các địa phương có thể chủ động tổ chức công nhận kết quả tốt nghiệp THPT cho học sinh, với đề thi riêng, thời gian tổ chức kỳ thi cuối cấp riêng, phù hợp với điều kiện, đặc thù của mỗi vùng miền. Kết quả công nhận tốt nghiệp THPT lúc này có thể được xem là “điểm sàn” để tuyển sinh ĐH-CĐ. Những trường có khả năng thu hút người học có thể tổ chức thêm kỳ kiểm tra đầu vào để loại thí sinh theo nguyên tắc lấy điểm từ cao xuống thấp. Nhưng những trường không tổ chức thi, kiểm tra đầu vào có thể căn cứ vào “điểm sàn” nói trên để xét tuyển.
* TS Nguyễn Cam(ĐH Sư phạm TP.HCM):
Tạo sự tin cậy cho kỳ thi THPT
Theo như những gì các báo đưa tin thì không thấy Bộ GD-ĐT nhắc đến kế hoạch chi tiết để thực hiện việc lấy kết quả thi tốt nghiệp làm căn cứ xét tuyển vào ĐH. Do vậy, tôi có cảm giác điều này chỉ là mơ ước chứ khó khả thi. Nếu muốn thực hiện trước hết phải cải tiến kỳ thi tốt nghiệp THPT, làm sao để kết quả của kỳ thi này tạo được sự tin cậy đối với xã hội nói chung và các trường ĐH nói riêng.
Cái thiếu sót nhất của giáo dục VN hiện nay là việc đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục. Đến thời điểm này ta vẫn chưa có những trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục hoạt động độc lập với Bộ GD-ĐT. Nếu có, hoàn toàn có thể giao nhiệm vụ tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho các địa phương, thậm chí có thể giao cho hiệu trưởng các trường THPT. Nếu kết quả thi tốt nghiệp và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục không trùng khớp nhau (ví dụ kết quả thi tốt nghiệp rất cao nhưng kết quả kiểm định chất lượng giáo dục lại rất thấp) thì Bộ GD-ĐT sẽ “thổi còi” ngay. Như thế sẽ không có địa phương nào dám “thả lỏng” việc thi tốt nghiệp THPT nữa. Nếu làm được việc này, các trường ĐH mới có thể yên tâm dùng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển đầu vào.
Tóm lại, tôi nghĩ rằng Bộ GD-ĐT nên công bố dự thảo về đổi mới sách giáo khoa, đổi mới thi cử để công chúng góp ý. Rất cần những bước đi cụ thể chứ không thể nói chung chung.
* TS Nguyễn Văn Phúc (hiệu trưởng ĐH quốc tế Miền Đông):
Thi nhiều lần trong năm
Việc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT bộ cũng cần tính đến việc cải tiến chương trình, tổ chức giảng dạy phổ thông theo hướng nhẹ nhàng hơn. Cần có một hội đồng chuyên môn thực hiện đánh giá, thẩm định lại toàn bộ chương trình, các môn học ở ba cấp học. Phải đồng bộ hóa các kiến thức từ lớp 1 đến lớp 12. Cần tập trung giáo dục và đánh giá học sinh bốn nội dung chủ yếu: khả năng tư duy (môn toán), khoa học thực tiễn (môn lý), khoa học xã hội - nhân văn (môn văn - tiếng Việt) và ngoại ngữ. Trên cơ sở đó các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả của quá trình học phổ thông cũng như kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển, tính hệ số các môn học. Các trường phải được trao quyền tự chủ trong tuyển sinh, được khảo sát lại kiến thức thí sinh bằng phỏng vấn... Như vậy, cùng với việc xóa sổ kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ, Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu giảm tải chương trình, cân nhắc bỏ bớt một số môn học không cần thiết. Đồng thời phải tổ chức việc dạy học phổ thông cho tốt để việc đánh giá cuối cấp thực chất hơn và đảm bảo kỳ thi tốt nghiệp thật nghiêm túc.
Theo tôi, cách làm triệt để nhất trong khâu tuyển sinh ở nước ta là nên có cơ quan khảo thí độc lập và tổ chức thi nhiều lần trong năm (không phải tuyển sinh). Cơ quan này phải có ngân hàng đề thi đủ lớn để mọi học sinh sau khi học xong THPT hoặc những người đã tốt nghiệp ĐH, CĐ, TCCN muốn học thêm ĐH có thể được tham gia thi nhiều lần.
* Ông Cao Huy Thảo(hiệu trưởng Trường THPT quốc tế Việt - Úc, TP.HCM):
Điểm thi THPT cao ngất trời thì tuyển sinh ĐH thế nào?
Chủ trương gom hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH thành một là phù hợp với xu thế của thế giới, tiết kiệm được tiền bạc, công sức của toàn xã hội. Tuy nhiên, lấy cái mốc năm 2016 để thực hiện thì tôi cảm thấy băn khoăn vì chỉ còn hơn hai năm nữa. Liệu chuẩn bị có kịp không?
Như hiện nay ta thấy số thí sinh thi rớt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT rất thấp. Tính chính xác, khách quan, nghiêm túc của kỳ thi này hiện vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Nếu
đến năm 2016 ta vẫn cứ ra đề thi, coi thi, chấm thi như bây giờ, sau đó lấy kết quả kỳ thi này để làm căn cứ xét tuyển vào ĐH thì không ổn. Bởi tâm lý thầy cô nào cũng thương học trò, khi đi coi thi, chấm thi cứ nghĩ đến chuyện giáo viên các tỉnh khác “thả” nên mình cũng “thả” luôn chứ không thì học trò mình lại thiệt thòi. Và nhiều người trong ngành giáo dục đang lo lắng đến năm 2016, điểm thi tốt nghiệp THPT của thí sinh cao ngất trời thì không biết xét tuyển vào ĐH theo cách nào?
Tôi nghĩ Bộ GD-ĐT nên có một đề án về việc cải tiến thi cử. Trong đó nên có những lộ trình cụ thể và khả thi. Cần có sự cải tổ chương trình, cải tổ hệ thống giáo dục, “cải tổ” cả con người (những người công tác trong ngành GD-ĐT) và làm thay đổi được quan niệm của xã hội. Khi đó mới có thể nghĩ đến việc gom hai kỳ thi thành một.
* GS Nguyễn Minh Thuyết(nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên - thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội): Khảo thí và kiểm định chất lượng độc lập Tôi ủng hộ việc đánh giá học sinh trong cả quá trình. Kết quả học tập của học sinh trong cả cấp học sẽ chiếm một trọng số nào đó so với kết quả kỳ thi cuối cấp trong kết quả chung. Như thế việc đánh giá sẽ chính xác hơn. Các môn thi và cách ra đề cũng nên tính toán lại. Khi căn cứ để xét tốt nghiệp THPT không chỉ dồn vào một kỳ thi nữa thì kỳ thi này sẽ giảm sự căng thẳng như hiện nay. Với phương án này cũng tránh được việc học sinh chỉ học những môn nào sẽ thi tốt nghiệp. * Việc đổi mới thi như trên có thể làm ngay hay phải chờ đổi mới tổng thể giáo dục? - Có những việc có thể làm ngay được. Ví dụ việc giao kỳ thi cho địa phương tổ chức. Với chương trình hiện nay, có thể kỳ thi vẫn có ba môn chính là ba môn công cụ toán, ngữ văn, ngoại ngữ; các môn thi còn lại học sinh sẽ được lựa chọn trong số những môn học quy định. Như thế học sinh không phải thắc thỏm chờ ngày 31-3 hằng năm bộ công bố môn thi mà có thể xác định môn thi từ trước. Khi chương trình được điều chỉnh theo hướng dạy học tự chọn, có định hướng nghề nghiệp rõ hơn thì có thể môn thi tốt nghiệp sẽ bao gồm các môn bắt buộc và môn tự chọn của học sinh. Dĩ nhiên kết quả tốt nghiệp vẫn phải xét trên kết quả thi và kết quả kiểm tra trong quá trình học. Khi kỳ thi đã giao cho địa phương thì mỗi địa phương có thể có phương án thi khác nhau, với cách chọn môn thi khác nhau. * Dư luận e ngại nếu sử dụng kết quả tốt nghiệp THPT để xét tuyển sinh ĐH-CĐ thì tình trạng tiêu cực còn nặng nề hơn? - Bộ GD-ĐT giao cho địa phương chủ động nhưng thực tế cả nước vẫn thi một kỳ thi chung trong cùng một thời điểm, với các môn thi như nhau, đề thi như nhau. Như vậy, thực chất Bộ GD-ĐT vẫn là người tổ chức. Và vì Bộ GD-ĐT tự “ôm” lấy trách nhiệm nên các tỉnh cũng không có trách nhiệm cao, không làm hết mình, hễ có chuyện gì thì “trỏ” ngay lên bộ. Xảy ra một việc nghiêm trọng như Đồi Ngô nhưng chỉ vài giám thị, nhân viên ở hội đồng coi thi bị xử lý, không thấy lãnh đạo nào ở chính quyền địa phương hay Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm. Như thế thì nơi khác họ sợ gì mà không làm sai. * Có ý kiến cho rằng khi việc kiểm tra học sinh trong quá trình học đã được làm tốt thì học sinh học hết chương trình THPT đều có thể được công nhận hoàn thành chương trình. Nếu học sinh nào không muốn dự kỳ thi cuối cấp (để lấy bằng tốt nghiệp và hướng dự thi ĐH-CĐ) thì vẫn được cấp giấy công nhận hoàn thành. Quan điểm của GS về việc này? - Tôi không tin là có nhiều học sinh chấp nhận “mất” cả ba năm học với bao nhiêu chi phí để chỉ lấy cái chứng nhận, trong khi vẫn tồn tại một cái bằng. Vả lại, theo phương án này sẽ có hai loại học sinh - một loại có bằng, một loại chỉ có chứng nhận. Những học sinh chỉ có giấy chứng nhận sau này muốn học lên phải làm thế nào? Hơn nữa, nói cho đúng luật thì việc phân luồng diễn ra sau THCS chứ không phải sau THPT. Vì thế những học sinh đã học lên THPT thì hầu hết đều có hướng thi vào ĐH-CĐ. Hiện ở một số quốc gia, các trung tâm khảo thí và kiểm định chất lượng độc lập có uy tín đã đứng ra tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Họ làm rất nghiêm và vì là tổ chức độc lập nên không chịu áp lực của ai. Kết quả thi được công bố công khai, có xếp hạng hẳn hoi. Những cơ sở nào, học sinh nào đã đăng ký dự thi phải cố gắng để học thật, thi thật. Tôi nghĩ tiến tới VN cũng cần phải làm như thế. Kết quả dự thi do trung tâm có uy tín tổ chức, lúc đó có thể sử dụng làm cơ sở tuyển sinh vào ĐH-CĐ. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận