24/12/2014 09:08 GMT+7

​Ủng hộ chủ trương của TP.HCM

QUỐC THANH - VŨ THỦY ghi
QUỐC THANH - VŨ THỦY ghi

TT - Nhiều bạn đọc đã quan tâm câu chuyện từ ngày 28-12 TP.HCM sẽ đưa những người ăn xin, sống lang thang vào các cơ sở xã hội.

Bà L. (quê Thanh Hóa) xin tiền tại giao lộ Trường Chinh - Tây Thạnh (Q.Tân Phú) và được cán bộ bảo trợ xã hội đưa về phường làm việc sáng 22-12 - Ảnh: Hoàng Lộc
Bà L. (quê Thanh Hóa) xin tiền tại giao lộ Trường Chinh - Tây Thạnh (Q.Tân Phú) và được cán bộ bảo trợ xã hội đưa về phường làm việc sáng 22-12 - Ảnh: Hoàng Lộc

Đồng thời TP vận động người dân không cho tiền trực tiếp những người ăn xin trên đường phố. 

Tuổi Trẻ giới thiệu một số ý kiến xung quanh vấn đề này.

* Hòa thượng THÍCH THIỆN TÁNH (phó Ban thường trực Thành hội Phật giáo TP.HCM, đại biểu HĐND TP.HCM):

Đừng tạo điều kiện cho người lang thang ăn xin

Mở nhiều kênh quyên góp từ thiện

Đã có 240 ý kiến phản hồi của bạn đọc, trong đó đa số bày tỏ đồng tình với chủ trương của TP.HCM. Bạn đọc Hoàng Việt viết: “Hoàn toàn ủng hộ biện pháp này. Đà Nẵng đã thành công với biện pháp này”.

Bạn đọc Thảo Trần cũng bày tỏ: “Nhiều lúc đi đường biết là những ông bà già tội nghiệp phải nai lưng ngồi nắng gió cho bọn chăn dắt hưởng lợi, ấm ức nhưng không làm gì được. Bây giờ chủ trương mới được thi hành, mong chờ một tương lai tốt đẹp. Rất, rất ủng hộ!”.

Cho rằng việc này lẽ ra TP phải làm từ lâu rồi và làm đều đặn để dẹp nạn ăn xin, một bạn đọc đề xuất thêm: “Chính quyền nên đặt nhiều thùng quyên góp từ thiện tại các siêu thị, rạp hát, cửa hàng..., đồng thời mở các tài khoản từ thiện cho người hảo tâm gửi tiền vào để lấy đó cung cấp đến cơ sở xã hội mở khắp các quận, huyện. Người nghèo khó, cơ nhỡ sẽ đến đó để được giúp đỡ”.

N.N.

Chúng tôi đồng tình, ủng hộ với chủ trương của TP là vận động người dân, trong đó có các phật tử không cho tiền người ăn xin.

Chủ trương làm từ thiện xã hội của chúng tôi là mang sự giúp đỡ đến đúng những người, những hoàn cảnh cần sự giúp đỡ thật sự từ các nhà hảo tâm, từ xã hội nói chung. Nếu không làm đúng với chủ trương này, vô tình mình tạo điều kiện cho một số người cứ đi lang thang ăn xin mãi.

Hiện nay trong các thời giảng của các vị chư tăng, giảng sư đều nhấn mạnh, kêu gọi bà con phật tử chung tay giải quyết dứt điểm nhà tình nghĩa và tu bổ số nhà tình nghĩa xây đã lâu, nay đã cũ, xây dựng nhà tình thương, đồng thời cũng chủ trương không cho tiền trực tiếp những người lang thang ăn xin.

Theo tôi, người lang thang ăn xin tại TP.HCM hiện nay phần lớn là từ các địa phương khác đến, trong số này có những người không chịu khó lao động, lại chấp nhận lang thang ăn xin.

Nếu mỗi ngày kiếm được khoảng 200.000 đồng thì cả tháng được khoảng 6 triệu đồng, nên những người này cứ vậy lang thang ăn xin thay cho việc vất vả lao động mưu sinh.

Thực tế cũng có tình trạng giả mạo tu sĩ đi khất thực chứ không phải tu hành gì cả. Có nhóm người đến TP.HCM bằng xe máy, gửi xe ở một nơi nào đó rồi thay đồ tu sĩ và giả tu sĩ đi khất thực. Đi hết ngày, họ quay về nơi gửi xe máy, thay lại đồ bình thường và về lại nơi họ sinh sống.

* Linh mục ĐỖ QUANG CHÍ (chánh xứ Giáo xứ Mai Khôi, Giáo hạt Sài Gòn - Chợ Quán; đại biểu HĐND TP.HCM):

Khó khăn, hãy đến những địa chỉ từ thiện

Với chúng tôi, chủ trương này (không cho tiền trực tiếp người lang thang ăn xin) không phải là một việc mới mà thực tế xuất phát từ tâm tư của bà con bức xúc thật sự. Thực tế trong xã hội có những người không chịu khó tìm kiếm công việc phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của mình và lao động để sống nhưng lại muốn có tiền, rồi bài bạc, rượu chè... Có người lột áo ăn xin ra là đánh bài, nhậu nhẹt ngay vỉa hè.

Tôi thấy tôn giáo nào cũng có các tổ chức từ thiện, cùng với nhiều tổ chức từ thiện xã hội khác trong xã hội và có nhiều nhà hảo tâm luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác bằng cả tấm lòng mình. Nếu có những hoàn cảnh cơ nhỡ, khó khăn thật sự, trước hết hãy đến những nơi này, những địa chỉ từ thiện này.

Chúng tôi cũng đồng tình tiếp tục vận động người dân có tinh thần, có tâm hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn thì nên gửi tiền, hiện vật đến các tổ chức từ thiện, đồng thời làm sao để các tổ chức từ thiện đón nhận tất cả những hoàn cảnh, những gia đình khó khăn thật sự, cần những sự giúp đỡ vô tư từ xã hội.

* Chị NGUYỄN THỊ MỸ HUỆ (nhân viên văn phòng - ngụ P.6, Q.3):

Không biết đâu là thật, là giả

Đường dây nóng tiếp nhận thông tin về người lang thang, ăn xin

Hiện TP.HCM đã lập ba đường dây nóng tiếp nhận thông tin về người lang thang, ăn xin. Cụ thể, Sở Lao động - thương binh và xã hội (phòng bảo trợ xã hội) gọi số (08) 38.292.491 (giờ hành chính) hoặc 0903.959.929; Trung tâm Hỗ trợ xã hội gọi số (08)35.533.258. Riêng số điện thoại của Trung tâm Hỗ trợ xã hội sẽ hoạt động 24/24 giờ.

Khi phát hiện người ăn xin, người lang thang, người dân có thể thông báo tới các số trên cho cơ quan chức năng, TP sẽ có chế độ hỗ trợ người báo tin.

Người ăn xin lang thang và những người ăn ngủ ngoài đường phố được đưa vào các cơ sở xã hội để chăm sóc, dạy văn hóa, dạy nghề cho họ thì quá tốt. Giúp họ như vậy tốt hơn cho tiền họ rất nhiều, nhất là đối với những đứa trẻ lang thang, kể cả những em bị chăn dắt ăn xin.

Đưa các em vào cho học hành, định hướng, giáo dục để không bị tiêm nhiễm tệ nạn xã hội là tốt. Bây giờ ngoài đường người ăn xin nhiều quá, trước tôi cũng cho tiền nhưng rồi thấy thông tin người già, trẻ em bị chăn dắt, riết rồi chẳng biết đâu là thật đâu là giả.

Theo tôi, chủ trương trên là tốt, nhưng từ trước tới nay mình làm không tận gốc mà chỉ thực hiện theo từng đợt, tết đưa vào rồi sau tết lại bung ra cũng không giải quyết được gì nhiều.

* Ông LÊ VĂN THÀNH (trưởng Phòng văn hóa xã hội Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM):

Phải đầu tư ngân sách lớn

Chính sách tập trung người ăn xin lang thang, người sinh sống nơi công cộng vào các cơ sở xã hội là sự quan tâm rất lớn của TP.HCM, tốn rất nhiều công sức và tiền của.

Nhìn lại thì chính sách này TP từng làm một thời gian dài, dù có giảm đáng kể người lang thang nhưng nhìn chung chưa thành công do ngân sách lớn, bản thân những người được đưa vào không hài lòng.

Đời sống trong các trung tâm cũng hạn hẹp nên nhiều người trong số họ cho rằng để họ lang thang ở ngoài kiếm được nhiều tiền hơn, tự do hơn. Một vài TP khác như Đà Nẵng cũng đã làm và có một kết quả nhất định, nhưng ở TP.HCM khó khăn và thách thức rất lớn khi người lang thang từ các nơi đổ về và liên tục được bổ sung. Công việc của TP.HCM vất vả hơn rất nhiều.

Tuy nhiên với mục tiêu xây dựng đời sống văn minh, sạch đẹp thì không thể để những hành động lang thang, ăn xin như vậy kéo dài. Sức ép là một đô thị đứng đầu, đông khách du lịch nên TP buộc phải tiếp tục làm công tác tập trung người lang thang, không làm không được. Muốn có một giải pháp căn cơ là rất khó trong điều kiện của TP.HCM.

Luật cư trú hiện nay cho phép người dân được di chuyển sinh sống ở bất cứ đâu và chúng ta không thể cấm bởi họ cũng không làm gì phạm pháp.

Do đó, TP sẽ phải đầu tư một khoản ngân sách lớn thực hiện chính sách tập trung để nuôi dưỡng, giáo dục, dạy nghề và cả trị bệnh cho những người lang thang một cách thường xuyên và liên tục.

QUỐC THANH - VŨ THỦY ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên