Grindr là một ứng dụng hẹn hò phổ biến dành cho người đồng tính nam. - Ảnh: AFP
Những thông tin bao gồm kết quả xét nghiệm HIV gần nhất cũng như địa điểm và thời gian thực hiện xét nghiệm do người dùng tự nguyện cung cấp được chia sẻ với hai công ty do Grindr thuê để phân tích nhằm tối ưu hóa ứng dụng này, theo Hãng tin AFP (Pháp).
"Với tư cách là một công ty phục vụ cộng đồng LGBTQ (đồng tính, song tính và chuyển giới), chúng tôi thấu hiểu tính nhạy cảm của việc tiết lộ tình trạng HIV", AFP dẫn lời ông Scott Chen, giám đốc công nghệ Grindr.
"Mục tiêu nhất quán của chúng tôi là bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của người dùng toàn cầu", ông Chen viết trên mạng xã hội Tumblr.
Theo ông Chen, việc Grindr chia sẻ thông tin người dùng cho hai đối tác chịu trách nhiệm phân tích dữ liệu là Apptimize và Localytics là "thông lệ trong ngành" và công ty vẫn luôn có các biện pháp để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.
Ông cho biết thêm các dữ liệu "nhạy cảm" đều được mã hóa trước khi gửi cho bên thứ ba, và các công ty này cũng bị ràng buộc bằng hợp đồng phải tuyệt đối giữ bí mật các thông tin mà họ có được.
Grindr chưa từng và cũng không bao giờ có ý định bán thông tin có thể dùng để định danh người dùng, nhất là thông tin liên quan đến tình trạng HIV, cho các bên thứ 3 hoặc đối tác quảng cáo.
Ông Scott Chen, giám đốc công nghệ Grindr
Theo AFP, người sử dụng Grindr có thể chọn lựa chia sẻ tình trạng nhiễm HIV của mình một cách công khai bằng cách cung cấp thời gian, địa điểm thực hiện xét nghiệm gần nhất cũng như kết quả xét nghiệm.
Các chuyên gia lo ngại rằng việc cung cấp các thông tin trên có thể làm mất đi tính ẩn danh của người dùng Grindr, khiến cho bên thứ ba có thể dễ dàng xác định danh tính người dùng mặc cho các biện pháp bảo vệ.
Vụ bê bối của Grindr do một nhóm nghiên cứu phi lợi nhuận ở Na Uy phát hiện và công bố, sau đó ngay lập tức đã gây nên một làm sóng phản đối ở Mỹ khi được truyền thông nước này đưa tin, theo AFP.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận