Tại hội thảo "Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt" tổ chức vào ngày 14-6 ở TP.HCM, ngân hàng và các tổ chức thanh toán cho biết đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để đối phó với lừa đảo qua mạng. Đây là một trong những cách làm mới trong bối cảnh hiện nay.
13.900 vụ tấn công mạng trong một năm
Tại hội thảo, thiếu tướng Nguyễn Văn Giang - phó cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an (A05) - đã nêu ra con số giật mình: Năm 2023, Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam ghi nhận khoảng 13.900 vụ tấn công mạng vào các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại hơn 390.000 tỉ đồng, tương đương 3,6% GDP. Và theo thống kê, 91% thông tin liên quan lĩnh vực tài chính; 73% người dùng thiết bị di động, mạng xã hội... nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo.
Trước tình hình trên, các ngân hàng, tổ chức thanh toán đã "hành động".
Bà Winnie Wong - giám đốc quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào - cho biết hướng xử lý mà Mastercard áp dụng đối với việc rò rỉ thông tin thẻ vật lý là truyền thông cho khách hàng giữ thẻ an toàn, riêng tư, không chia sẻ thông tin thẻ cho người khác.
Mastercard cũng làm việc với bên cung cấp dịch vụ và áp dụng giải pháp "thẻ không số". Đây là những thẻ được mã hóa thông tin, khách hàng nên kết hợp thẻ và điện thoại của mình.
"Đối với thẻ online, chúng tôi sẽ mã hóa số thẻ. Giữa người dùng và bên cung cấp dịch vụ sẽ chỉ chia sẻ Token mà thôi. Tất nhiên chúng tôi biết tội phạm sẽ ngày càng tinh vi hơn, do vậy chúng tôi sẽ liên tục cải tiến cách thức để đối phó với tội phạm và bảo vệ người dùng", bà nói.
Còn bà Đặng Tuyết Dung, giám đốc Visa Việt Nam và Lào, cho hay việc bảo mật của Visa được xây dựng trên nền tảng AI và big data, chấm điểm dựa trên nền tảng dữ liệu lớn để có những cảnh báo sớm.
Visa đã đầu tư hơn 10 tỉ USD vào giải pháp dựa trên AI để ngăn chặn các vụ gian lận cũng như cho các hoạt động nâng cao nhận thức, kết nối các đơn vị liên quan. Visa đầu tư hệ thống các trung tâm hợp nhất an ninh mạng ở ba châu lục.
Mới đây Visa cũng vừa công bố các sản phẩm và dịch vụ mới sẽ triển khai vào giai đoạn cuối năm 2024 trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đó là dữ liệu mã Token - mã hóa giao dịch, xóa bỏ các thông tin riêng tư của chủ thẻ khỏi luồng thanh toán.
"Công nghệ mã Token đang mang tới những tín hiệu tích cực về bảo mật thanh toán. Visa đang làm việc với các ngân hàng và đối tác để áp dụng phương thức xác thực dựa trên dữ liệu thay vì mã OTP đối với các giao dịch thương mại điện tử.
Ở hai thị trường lân cận Việt Nam là Singapore, Malaysia cũng đang chuyển hướng khỏi SMS OTP. Từ đó giúp bảo mật tăng lên nhiều lần", bà Dung khẳng định.
Tương tự, ông Nguyễn Phúc Dương - giám đốc khối công nghệ thông tin và ngân hàng điện tử HDBank - thông tin kể từ khi ngân hàng bắt đầu triển khai giải pháp thanh toán không tiền mặt thì đi cùng đó là công tác bảo đảm an toàn cho người dùng.
"Hiện HDBank đang kết hợp với dịch vụ công ty trong nước cùng các giải pháp công nghệ nước ngoài và đội ngũ nội bộ chuyên trách để tăng cường các giải pháp, đảm bảo an toàn cho người dùng và ngân hàng. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng tập trung phân tích, đánh giá và cải tiến liên tục công tác này nhằm bảo vệ khách hàng một cách tốt nhất", ông nói.
Chuyển từ phòng ngự bị động sang chủ động
Ông Lê Hoàng Chính Quang - phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - cho biết trong bối cảnh hiện nay chiến lược đối phó với tội phạm công nghệ cũng phải thay đổi.
"Nếu trước đây chúng ta hay thực hiện theo cách truyền thống là phòng ngự bị động thì bây giờ phải ở thế chủ động trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.
Chúng ta chủ động kiểm tra, đánh giá, khắc phục các lỗ hổng, điểm yếu về an toàn thông tin; chủ động giám sát, điều tra các dấu hiệu sự cố ngay từ khi mới bắt đầu để kịp thời xử lý từ sớm các cuộc tấn công mạng có thể xảy ra", ông Quang nói.
Chia sẻ thêm về những vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết thời gian tới, ngành tài chính đã chỉ đạo tổ chức giám sát an toàn an ninh mạng 24/7 để phát hiện và xử lý sớm các cuộc tấn công mạng.
Đồng thời đẩy mạnh kiểm tra, đánh giá an toàn an ninh hệ thống thông tin trước khi đưa vào sử dụng và định kỳ trong quá trình sử dụng.
Ngành tài chính cũng kết nối, chia sẻ thông tin mã độc và thông tin giám sát an toàn thông tin mạng với Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Đồng thời chuẩn bị kết nối, chia sẻ thông tin giám sát an ninh mạng với Trung tâm an ninh mạng quốc gia thuộc Bộ Công an.
"Thời gian tới Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách về thanh toán không dùng tiền mặt trong thu, chi ngân sách nhà nước. Đồng thời nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, an toàn, hiệu quả, có khả năng liên thông; đẩy mạnh thu, chi ngân sách nhà nước bằng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chia sẻ thêm.
Phát biểu kết luận hội thảo, ông Phạm Tiến Dũng - phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - nhấn mạnh năm 2019 có 1 tỉ giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng đến nay con số này tăng lên đạt 9 tỉ. Mức tăng trưởng vô cùng lớn.
Về giải pháp bảo vệ tài khoản khách hàng trong thanh toán trực tuyến, quyết định 2345 (sinh trắc học - xác thực khuôn mặt) rất quan trọng. Bởi nếu không may chúng ta bị tội phạm lấy mất thông tin tài khoản thì với việc áp dụng quyết định 2345 khi giao dịch trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng là phải so khớp, xác thực khuôn mặt đúng với khuôn mặt trên hồ sơ gốc khi chuyển tiền.
Như vậy, tội phạm không thể lấy được tiền của chủ tài khoản.
Bên cạnh đó khi chiếm đoạt thông tin thì kẻ gian thường thực hiện cài đặt sang máy khác để chiếm đoạt tiền của chủ tài khoản. Nhưng các ngân hàng yêu cầu phải xác thực sinh trắc học.
Với yêu cầu này, tội phạm không thể cài được sang máy khác để chiếm đoạt tiền. Và việc quy định xác thực sinh trắc học này phải đảm bảo nguyên tắc không làm gián đoạn trải nghiệm của khách hàng trong giao dịch.
Hội thảo "Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt" do Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Napas, Sở Công Thương TP.HCM và các đơn vị liên quan tổ chức. Đây là một sự kiện trong khuôn khổ chương trình Ngày không tiền mặt 2024.
Hội thảo có sự tham dự của Phó thủ tướng Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng… và lãnh đạo nhiều bộ ban ngành trung ương và địa phương.
Nộp thuế dễ dàng hơn nhờ giao dịch không tiền mặt
Ông Mai Sơn - phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - cho biết năm 2023 có tổng thu 1,4 triệu tỉ đồng tiền thuế nộp ngân sách nhà nước thì có đến 99% là nộp không tiền mặt.
Không chỉ người nộp thuế ở trong nước mà ngay cả các tổ chức nước ngoài cũng có thể nộp thuế một cách thuận tiện, dễ dàng đối với phần doanh thu phát sinh ở Việt Nam. Vì từ ngày 21-3-2022, Tổng cục Thuế đã triển khai cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài.
Qua cổng này, nhà cung cấp nước ngoài đã đăng ký, kê khai, nộp thuế trực tiếp từ bất cứ đâu trên thế giới.
Đến nay đã có 99 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai, nộp thuế với tổng số tiền hơn 16.000 tỉ đồng. Đối với người nộp thuế cá nhân và hộ kinh doanh, từ năm 2022 cũng dễ dàng khai, nộp thuế điện tử trên thiết bị di động (eTax Mobile).
Thúc đẩy nhanh xác thực khuôn mặt
* Ông Phạm Anh Tuấn (vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước):
Đẩy nhanh việc xác thực khách hàng
Đến hết tháng 5, có 49 ngân hàng đã và đang triển khai ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ căn cước công dân gắn chip qua ứng dụng điện thoại. 60 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ căn cước công dân gắn chip qua thiết bị tại quầy.
21 tổ chức tín dụng đang triển khai thử nghiệm ứng dụng tài khoản định danh và xác thực điện tử (VNeID) vào các nghiệp vụ như mở tài khoản thanh toán; xác thực giao dịch thanh toán; đối chiếu, xác thực thông tin khách hàng.
* Ông Nguyễn Văn Dũng (phó chủ tịch UBND TP.HCM):
Thanh toán không tiền mặt là giải pháp quan trọng
Lãnh đạo TP.HCM xác định giao dịch không tiền mặt là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành. Và từ năm 2020 đến nay, TP đã triển khai đồng loạt nhiều biện pháp để thúc đẩy hoạt động này.
Thanh toán không tiền mặt là giải pháp quan trọng góp phần thực hiện chủ đề 2024 của TP.HCM là thực hiện hiệu quả chuyển đổi số.
Bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý, TP sẽ đầu tư phát triển hạ tầng, giải pháp thanh toán điện tử hiện đại, bảo mật, tạo điều kiện phổ cập các hình thức thanh toán điện tử, thanh toán không tiền mặt đến các hộ kinh doanh, cửa hàng.
* Ông Từ Tiến Phát (tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu - ACB):
Trong 3 ngày có 30.000 khách hàng xác thực khuôn mặt
Yêu cầu xác thực khuôn mặt trong giao dịch chuyển khoản trên 10 triệu đồng/lần hoặc trên 20 triệu đồng/ngày là cần thiết để ngăn chặn tội phạm đánh cắp tiền trong tài khoản. Riêng ACB, hệ thống xác thực khuôn mặt đã được triển khai và nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng.
Sau 3 ngày áp dụng, đã có 30.000 khách hàng thực hiện xác thực khuôn mặt, quá trình này chỉ mất chưa đến 30 giây. Đây là giải pháp rất triệt để, giải quyết được các rủi ro trong thời gian qua. Tôi nghĩ từ ngày 1-7 mọi thứ tốt hơn nhiều.
* Ông Trần Anh Dũng (giám đốc Trung tâm an toàn thông tin Viettel):
Có giải pháp để khách hàng không khó chịu
Việc áp dụng xác thực sinh trắc học theo quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước không chỉ đảm bảo tính đồng bộ cao mà còn giúp tăng cường bảo mật cho tài khoản khách hàng.
Để giải quyết những lo ngại về sự phiền phức của khách hàng khi phải xác thực sinh trắc học, các doanh nghiệp cần truyền thông rõ ràng về mục đích và lợi ích của quy định này, đồng thời sử dụng công nghệ để giữ trải nghiệm liền mạch và dễ dàng cho khách hàng.
* Ông Ngô Tuấn Anh (tổng giám đốc Công ty an ninh mạng SCS):
Bảo vệ thông tin cá nhân giúp hạn chế lừa đảo
Các vụ lừa đảo này đều có điểm chung là tội phạm có được thông tin cá nhân của nạn nhân và sử dụng SIM rác. Do đó, việc xác thực khuôn mặt khi chuyển khoản giúp ngăn chặn tội phạm sử dụng tài khoản "mượn" để chuyển tiền.
Bên cạnh đó, quản lý SIM chính chủ và bảo vệ thông tin cá nhân cũng là những giải pháp quan trọng để hạn chế lừa đảo.
* Bà Phạm Châu Loan (phó trưởng phòng phát triển kênh số và đối tác Ngân hàng Vietcombank):
Bộ Công an cần có hướng dẫn
Để việc triển khai thu thập sinh trắc học của khách hàng thuận lợi cũng như tiếp tục hoàn thiện trải nghiệm cho khách hàng hơn nữa trong thời gian tới, Vietcombank đề xuất Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an sớm có các hướng dẫn cụ thể về các tiêu chuẩn, tiêu chí liên quan như so khớp khuôn mặt, vân tay, mống mắt hay tiêu chuẩn chung cho việc lưu trữ, khai thác dữ liệu sinh trắc học.
Điều này sẽ giúp các ngân hàng triển khai và áp dụng công nghệ kỹ thuật phù hợp, đảm bảo quy trình kết nối diễn ra thuận lợi và đúng kế hoạch, đồng thời đảm bảo sự thống nhất chung cho toàn hệ thống khi triển khai cung ứng dịch vụ cho người dân.
* Ông Nguyễn Đăng Hùng (phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam - NAPAS):
Áp dụng tiêu chuẩn 3D Secure cho thanh toán trực tuyến
Việc tập trung nâng cao trải nghiệm thanh toán trên nền tảng di động trở thành một yếu tố vô cùng quan trọng. NAPAS quyết định áp dụng tiêu chuẩn 3D Secure cho thẻ nội địa giúp chuẩn hóa các giao dịch thanh toán trực tuyến, đem đến trải nghiệm liên tục cho khách hàng.
Đồng thời giúp xác thực chính xác hơn với dữ liệu thu nhận nhiều gấp 10 lần so với giao dịch hiện tại và giúp giảm 40% các giao dịch lừa đảo cũng như hỗ trợ xác thực trên thiết bị di động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận