Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay mặc áo dài tham dự lễ kỷ niệm 50 năm Công ước 1972. Trong phần phỏng vấn ngắn trưa 6-9, bà chọn trả lời câu hỏi của VTV và Tuổi Trẻ Online - Ảnh: PHẠM HẢI
"Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến nhiều thứ, ảnh hưởng đến cả văn hóa và đó là vấn đề tất cả chúng ta phải cùng quan tâm", Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay nêu vấn đề khi phóng viên Tuổi Trẻ Online đặt câu hỏi biến đổi khí hậu ảnh hưởng thế nào đến bảo tồn di sản ở Việt Nam và gợi ý giải pháp của UNESCO.
Tổng giám đốc UNESCO chỉ ra những thiên tai khủng khiếp xảy ra gần đây, từ lũ lụt đến cháy rừng... đã ảnh hưởng đến các di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới đáng kể.
Tuy nhiên theo bà Azoulay, bản thân các di sản này cũng có thể cho con người giải pháp để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
"Nếu chúng ta mở rộng vùng di sản ra hơn nữa, nhất là các di sản thiên nhiên và khu dự trữ sinh quyển, khu vực thiên nhiên được bảo vệ không chỉ lớn hơn mà còn tạo ra thêm sinh kế cho người dân. Khu di sản Tràng An của tỉnh Ninh Bình là một ví dụ rất tốt cho điều này", bà giải thích với Tuổi Trẻ Online.
Tổng giám đốc UNESCO cũng nhắc đến vai trò của giáo dục, bày tỏ hy vọng Việt Nam sẽ đưa vào chương trình giáo dục trẻ em những nội dung liên quan bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ văn hóa, khí hậu và môi trường "để những thế hệ sau này lớn lên trở thành người tốt hơn chúng ta hôm nay".
Mô hình phát triển du lịch và bảo tồn thiên nhiên tại di sản Tràng An liên tục được Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay lấy ra làm ví dụ cho sự dung hòa giữa phát triển với bảo tồn - Ảnh: DUY LINH
Cuộc phỏng vấn ngắn diễn ra sau khi bà Azoulay dự lễ kỷ niệm cấp quốc gia 50 năm Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Công ước 1972) được tổ chức tại tỉnh Ninh Bình ngày 6-9.
Sự kiện được bà Azoulay mô tả là "lễ kỷ niệm kép" vì nó không chỉ trùng 50 năm Công ước 1972 ra đời mà còn đánh dấu 35 năm Việt Nam phê chuẩn công ước này.
Trong 35 năm đó, theo bà Azoulay, Việt Nam đã có tới 8 di sản đã được ghi danh là di sản thế giới, từ quần thể di tích cố đô Huế đến khu di sản phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn và gần đây nhất là di sản Tràng An năm 2014.
"Mỗi di sản, theo cách riêng của mình, đang góp phần thể hiện bề dày lịch sử của Việt Nam, sự giàu có và đa dạng của văn hóa Việt", người đứng đầu UNESCO nêu cảm nghĩ.
Đề cập đến những thách thức đối với việc bảo tồn di sản trong bối cảnh hiện tại, bà Azoulay cho rằng có hai thách thức lớn. Thứ nhất là dung hòa giữa bảo tồn với phát triển và thứ hai là biến đổi khí hậu.
"Việt Nam là một quốc gia từng đạt tốc độ phát triển kinh tế thuộc nhóm cao nhất thế giới trong vòng 20 năm qua, nhưng Việt Nam đồng thời cũng là một quốc gia thực hiện rất nhiều nỗ lực để đảm bảo không hy sinh việc bảo vệ di sản cho phát triển", tổng giám đốc UNESCO chia sẻ về lý do thôi thúc bà đến Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay đến dự lễ kỷ niệm 50 năm Công ước 1972 ngày 6-9 tại Ninh Bình - Ảnh: TTXVN
Lấy Tràng An làm ví dụ cho phát triển kinh tế, du lịch bền vững và tôn trọng thiên nhiên, bà Azoulay cho biết UNESCO đã chọn Tràng An, cùng với ba di sản khác trên thế giới để thí điểm một dự án về du lịch bền vững nhằm tăng cường lợi ích cho cộng đồng ở địa phương, đặc biệt là cho phụ nữ.
"Chúng ta cần đảm bảo rằng những nỗ lực dung hòa giữa du lịch và phát triển bền vững với bảo tồn thiên nhiên như vậy được thực hiện tại tất cả các khu di sản thế giới ở Việt Nam để gìn giữ vẻ đẹp của từng khu di sản ấy, cũng như đối với tất cả các khu di sản thế giới trên toàn cầu", bà Azoulay kêu gọi.
Việt Nam gia nhập UNESCO năm 1976, trước cả khi trở thành thành viên chính thức của Liên Hiệp Quốc.
Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước 1972 và 35 năm Việt Nam phê chuẩn diễn ra tại Ninh Bình với sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay, lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao cùng các lãnh đạo địa phương.
Bà Azoulay thăm Việt Nam từ ngày 5 đến 7-9. Dự kiến bà sẽ đến Thừa Thiên Huế thăm quần thể di tích cố đô Huế trong ngày cuối ở Việt Nam. Đây cũng là di sản thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận