Ùn tắc cửa khẩu, xe mít phải quay về bán rẻ cho người dân ở Lạng Sơn - Ảnh: Viết Niệm
Cần nhìn vào gốc rễ vấn đề của việc ùn ứ hàng hóa ở biên giới lần này: chính sách kiểm soát dịch COVID-19 của Trung Quốc chỉ là bước siết chặt hơn khiến cho việc ứ đọng hàng diễn ra nặng nề.
Sẽ khó hơn, ngay cả hàng chính ngạch
Khi kinh tế phát triển, Trung Quốc dần trở thành thị trường khó tính và bắt đầu quản lý chất lượng hàng hóa nhập khẩu ngày càng gắt gao hơn, trong đó sẽ siết chặt hơn con đường tiểu ngạch.
Trong khi đó, các thương lái và doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thói quen lấy cửa khẩu vùng biên, nơi khu vực thông thương của cư dân biên giới, làm đường đi chủ lực của hàng xuất khẩu, đặt nông sản Việt Nam vào con đường rủi ro, lắm lúc lao đao.
Không chỉ nông sản, hàng hóa xuất khẩu qua con đường tiểu ngạch mà ngay cả hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường theo con đường chính ngạch cũng đang trước nguy cơ bị ùn ứ từ ngày 1-1-2022. Bởi sau thời gian này, nếu không được cấp mã vạch thì hàng Việt Nam cũng không vào được Trung Quốc.
Để đưa hàng vào Trung Quốc hiện nay, hàng hóa phải có mã vùng, mã vạch xuất xứ đầy đủ, phải được Bộ NN&PTNT Việt Nam thông qua và có sự chấp thuận của cơ quan hải quan Trung Quốc, chi phí vì thế sẽ cao hơn.
Và không chỉ chi phí, ngay doanh nghiệp chúng tôi đã làm văn bản gửi lên Bộ NN&PTNT và vẫn đang chờ phúc đáp từ phía Trung Quốc để được cấp và công nhận mã vạch cho hàng hóa, trong khi thời gian áp dụng đã rất cận kề. Nếu quy trình này chậm thì doanh nghiệp mất cơ hội bán hàng, hàng hóa cũng có nguy cơ ứ đọng cao.
Trước đây, khóm (dứa) Đài Loan khi không xuất được sang thị trường Trung Quốc cũng được người dân "giải cứu" nhưng đó chỉ là một sản phẩm; còn với Việt Nam, sản lượng nhiều hơn nên không thể trông cậy vào thị trường nội địa quá nhiều lúc này.
Bộ ngành không thể chậm trễ
Thực tế đây không phải là lần đầu tiên nông sản rơi vào tình cảnh lao đao, ùn ứ ở biên giới mà hiện tượng này đã lặp đi lặp lại nhiều lần, buộc chúng ta cần thay đổi tư duy xuất khẩu, từ bỏ kiểu mua bán biên mậu dễ dãi dù có thể kiếm lợi nhuận nhanh.
Nông sản Việt Nam đang phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc quá lớn, cơ hội bán được hàng qua đây cũng rất hấp dẫn nên doanh nghiệp không dễ từ bỏ thị trường này dù đối mặt nhiều rủi ro.
Chúng ta vẫn cảnh báo làm ăn với Trung Quốc cần đi theo con đường chính ngạch, nhưng đây là con đường khó vì quá nhiều tiêu chuẩn, thủ tục và chi phí cũng cao hơn nên nhiều doanh nghiệp nản.
Nhưng Trung Quốc đang quyết tâm đẩy mạnh công tác kiểm tra truy xuất nguồn gốc nông sản, họ cũng đang kéo bộ nông nghiệp của các quốc gia có hàng nông sản xuất sang đó cùng thực hiện chung. Lúc này, cơ quan quản lý Việt Nam không thể chậm trễ được nữa.
Nhiều hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn như vậy buộc doanh nghiệp, người sản xuất phải đầu tư bài bản, tuân thủ từ khâu chọn giống, quy trình canh tác, đóng gói... để cho ra sản phẩm đạt chất lượng và tuân thủ các quy định.
Nếu chúng ta không tìm giải pháp giảm phụ thuộc hay có ứng phó với xu thế thị trường, với các chính sách thay đổi thường xuyên của Trung Quốc thì sẽ còn tiếp tục gặp khó. Và kỳ vọng làm ăn lâu dài, bền vững ở thị trường này cũng gập ghềnh hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận