Khoảng 1.400 xe nông sản nằm dài tại khu phi thuế quan, cách cửa khẩu Tân Thanh chừng 5km - Ảnh: NAM TRẦN
Chiều 20-12, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) phối hợp cùng UBND tỉnh Lạng Sơn thông tin về tình hình xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc.
Hiện tại, Lạng Sơn có duy nhất một cửa khẩu được thông quan, mỗi ngày 95 xe hàng của Việt Nam được xuất qua Trung Quốc - Video: Nguyễn Hiền
Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho hay đến sáng 20-12, còn 4.598 xe chờ thông quan tại các cửa khẩu.
Hiện chính quyền tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đang triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch ở các cửa khẩu, đồng thời đã có thông tin một số lái xe chuyên trách, hàng hóa nông sản dương tính với virus SARS-CoV-2. Do đó, phía Trung Quốc tiến hành siết chặt các biện pháp phòng chống dịch tại các cửa khẩu nên khả năng thông quan hàng hóa giảm sút.
Hôm nay chỉ có duy nhất cửa khẩu Hữu Nghị đang thông quan hàng hóa, còn cửa khẩu Tân Thanh tạm dừng từ 18-12, cửa khẩu Chi Ma dừng từ 8-12.
Với lượng hàng hóa rất lớn như hiện nay, việc thông quan thời gian ngắn rất khó khăn, cần có giải pháp phối hợp hai bên cũng như giải pháp nội địa mới có thể giải quyết tình trạng ùn ứ để tránh thiệt hại.
Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu - Ảnh: CHÍ TUỆ
Cần thống nhất biện pháp phòng dịch giữa 2 nước
Trả lời câu hỏi về giải quyết căn cơ tình trạng ùn ứ nông sản ở các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, ông Thiệu cho biết mấu chốt ở việc khả năng thông qua ở các cửa khẩu có mức độ, trong khi hàng hóa dồn về quá lớn so với khả năng nên gây ra ùn tắc.
Giải pháp thứ nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc phải thống nhất biện pháp phòng chống dịch COVID-19 để giữ an toàn cho 2 bên.
Chúng tôi kiến nghị Bộ NN&PTNT sớm ký kết nghị định thư với phía Trung Quốc về kiểm dịch thực vật đối với các loại hoa quả để giảm bớt các thủ tục kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu. Mở rộng danh mục các mặt hàng hoa quả, nông sản của Việt Nam được phép xuất khẩu vào Trung Quốc.
"Chúng tôi cũng đã có những khuyến cáo, đề xuất các bộ ngành có khuyến cáo, chỉ đạo doanh nghiệp, bà con nông dân thực hiện việc kinh doanh nông sản hàng hóa cần phải sản xuất hàng hóa theo quy trình, quy định đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc, để tổ chức xuất khẩu chính ngạch, hạn chế việc không có hợp đồng thương mại thì rất rủi ro.
Chúng tôi cũng mong muốn Chính phủ sẽ có cơ chế, chính sách hỗ trợ các tỉnh biên giới như Lạng Sơn có điều kiện đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ logistics để khi ùn ứ có điều kiện bảo quản sản phẩm nhằm giữ hàng hóa không hư hỏng" - ông Thiệu nói.
Ông Thiệu cũng cho hay tỉnh Lạng Sơn tiếp tục đàm phán, kiến nghị với các bộ, ngành và chính quyền địa phương phía Trung Quốc triển khai các giải pháp nhằm tăng thời gian thông quan tại các cửa khẩu. Nâng cao hiệu suất làm việc của các lực lượng chức năng tại các cửa khẩu phía Trung Quốc nhằm tạo thuận hơn cho hoạt động thông quan và xuất khẩu hàng hoá, đặc biệt là các mặt hàng nông sản của Việt Nam.
Ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán thương mại Trung Quốc tại Việt Nam - Ảnh: CHÍ TUỆ
Mong thông cảm và ủng hộ chính sách của Trung Quốc
Ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán thương mại Trung Quốc tại Việt Nam, cho biết hiện Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng rất lưu ý đến việc nhập khẩu nông sản từ Việt Nam, yêu cầu các cơ quan có liên quan, các địa phương tại Trung Quốc khẩn trương tìm giải pháp tháo gỡ.
"Những ngày qua, Bí thư tỉnh Quảng Tây, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc cũng gọi điện cho Đại sứ quán, đề nghị phối hợp tìm giải pháp thông quan hàng hóa" - ông Cẩm thông tin.
Theo ông Hồ Tỏa Cẩm, Trung Quốc đang thực hiện chính sách của nước này là Zero COVID. "Mong các bạn thông cảm và ủng hộ chính sách của Trung Quốc Chúng tôi có 1,4 tỉ dân, nếu sống chung với COVID-19 thì dễ vỡ trận. Chúng tôi không dám tưởng tượng đến hậu quả. Trung Quốc vẫn kiên trì chính sách này, bởi nếu sống chung với COVID-19 thì có khả năng là không kiểm soát được" - ông Hồ Tỏa Cẩm chia sẻ
Ông Hồ Tỏa Cẩm khẳng định phòng chống dịch với bất cứ ngành nghề nào ở Trung Quốc đều là số một, là trên hết. Việc ùn ứ nghiêm trọng những ngày qua, một phần do tối 17-12, một tài xế Việt Nam có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Chính quyền thành phố Bằng Tường đã và đang triển khai các biện pháp phòng dịch, lưu ý tới việc tranh thủ thời gian để không làm ảnh hưởng lưu thông hàng hóa.
"Tôi nghĩ chính quyền tỉnh Lạng Sơn đã làm rất tốt, trong việc thông báo tới doanh nghiệp và các địa phương khác. Tuy nhiên, do đây đang là vụ thu hoạch nên cũng khó giải quyết triệt để. Tôi cũng lưu ý rằng sứ quán chúng tôi chưa nhận được bất cứ thông tin nào về việc các cảng biển miền Nam của Trung Quốc sẽ nghỉ 14 ngày hay 60 ngày" - ông Hồ Tỏa Cẩm nói.
Cũng theo lời ông Hồ Tỏa Cẩm, việc ùn ứ tại cửa khẩu đã gây nên sự đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản.
"Hiện có 9 loại mặt hàng đã xuất chính ngạch sang Trung Quốc. Số lượng này lẽ ra tăng thêm, nhưng vì dịch COVID-19, tiến trình đàm phán Nghị định thư bị đình trệ. Về chanh leo, ớt, khoai lang, sầu riêng, tôi đề nghị Bộ NN&PTNT Việt Nam nghiên cứu làm việc trực tuyến với Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Chúng ta cần có giải pháp thích ứng trong thời gian dịch bệnh" - ông Hồ Tỏa Cẩm cho biết thêm.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thanh Nam (trái) và Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu - Ảnh: CHÍ TUỆ
Thực hiện đúng yêu cầu của nước nhập khẩu
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết ngay sau khi có thông tin về việc ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Bộ NN&PTNT đã cử đoàn công tác, phối hợp với UBND tỉnh và các đơn vị chức năng tại các cửa khẩu trên địa bàn khẩn trương nắm bắt tình hình cũng như làm rõ các nguyên nhân, giải pháp tháo gỡ.
Trung Quốc sẽ tạm dừng thông quan trong 14 ngày trước và sau Tết Nguyên đán. Video: Nguyễn Hiền
"Chúng tôi thấy rằng, hiện chính phủ Trung Quốc đang thực hiện biện pháp ‘Zero COVID’ nên tăng cường các biện pháp quản lý chặt, đặc biệt ở các cửa khẩu trên toàn tuyến biên giới Việt Trung, phía bạn đang kiểm soát trên người, trên hàng hóa và phương tiện.
Thông qua đường ngoại giao, chúng tôi nhận được thông tin có một số doanh nghiệp Việt Nam không thực hiện nghiêm quy định 5K, dẫn đến một số lái xe, bao bì hàng hóa dương tính SARS-CoV-2. Đây là một trong những nguyên nhân khiến phía Trung Quốc tăng cường kiểm soát ở các cửa khẩu biên giới. Hơn nữa chúng tôi cũng mới nhận được thông tin phía Trung Quốc sẽ tạm dừng thông quan 14 ngày trước và sau Tết Nguyên đán. Nếu các doanh nghiệp của Việt Nam mà không nắm chắc, cứ đưa hàng lên biên giới thì sẽ tiếp tục tắc nghẽn.
Do đó, tôi rất mong các doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan chức năng Việt Nam và các tỉnh biên giới Lạng Sơn, Lào Cai,… trước khi đưa hàng hóa lên biên giới. Đồng thời thực hiện đúng các biện pháp, yêu cầu của nước nhập khẩu, đặc biệt là "5K" trên người, hàng hóa và phương tiện" - ông Nam nói.
Ông Trần Thanh Nam cũng đề nghị ông Hồ Tỏa Cẩm liên hệ với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và các địa phương gần với cửa khẩu của Việt Nam có buổi họp trực tuyến với bộ NN&PTNT, tỉnh Lạng Sơn để trao đổi các biện pháp kiểm soát chặt chẽ dịch COVID-19 không bị lây lan sang người, phương tiện, hàng hóa,
"Với quan điểm nói không với COVID-19, để thông tin kịp thời doanh nghiệp Việt Nam chúng tôi mong có một buổi họp trực tuyến để thống nhất một số giải pháp, trên cơ sở đó thì hai bên cùng triển khai để các doanh nghiệp đáp ứng đúng yêu cầu phía bạn" - ông Nam đề nghị và mong muốn tổ chức hội nghị trước ngày 25-12 để giải phóng hàng hóa ùn ứ, trong khi Tết Nguyên đán cũng sắp đến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận