18/04/2006 15:30 GMT+7

Umberto Eco: Lịch sử cái đẹp

Theo Văn Nghệ - Guardian
Theo Văn Nghệ - Guardian

Nhà văn người Ý Umberto Eco (U.E) vừa cho ra đời cuốn Lịch sử cái đẹp, một đề tài ông theo đuổi từ thập niên 1960. Trả lời phỏng vấn báo El Semanal của Tây Ban Nha, ông hé lộ những bí mật của thế giới cái đẹp, nơi mà không một ai có thể cưỡng được ham muốn khám phá nó.

Wbzk7ETC.jpgPhóng to
Nhà văn Umberto Eco
Nhà văn người Ý Umberto Eco (U.E) vừa cho ra đời cuốn Lịch sử cái đẹp, một đề tài ông theo đuổi từ thập niên 1960. Trả lời phỏng vấn báo El Semanal của Tây Ban Nha, ông hé lộ những bí mật của thế giới cái đẹp, nơi mà không một ai có thể cưỡng được ham muốn khám phá nó.

* Một số triết gia khẳng định, phần lớn tai hoạ trên đời này đều do cái đẹp…

- Dĩ nhiên cái đẹp có mặt tối của nó, cả sức tàn phá khủng khiếp. Cái đẹp có thể dẫn đến những sự kiện đặc biệt.

* Giống như nàng Helen thành Troa gây nên cuộc chiến 10 năm?

- Helen vào thời ấy giống như dầu lửa đối với Bush thời nay vậy, sẵn sàng nổ tung bất cứ lúc nào. Nhưng cuộc chiến của Bush thì không vì cái đẹp, mà vì quyền lực và ảnh hưởng chính trị.

* Điều gì ở cái đẹp làm Ngài quan tâm đến nỗi mà phải viết cuốn sách 400 trang vậy?

- Tôi say cái đẹp. Đề tài luận án tiến sĩ của tôi là về thẩm mỹ học của Thomas Daquin. Vào thập niên 1960, sau khi xuất bản vài cuốn sách kèm tranh minh hoạ, tôi bắt tay vào làm cuốn về lịch sử cái đẹp. Với sự giúp đỡ của cô trợ lý người Đức, tôi đã thu thập khá nhiều tài liệu, tranh ảnh, nhưng cuối cùng công trình không thành.

* Người ta hay nhắc đến Mona Lisa, Monica Bellucci… như những biểu tượng hiển hiện của cái đẹp.

- Không hẳn thế. Đấy là cái nhìn của người phương Tây như anh với tôi thôi. Một nhà văn Nhật Bản lại coi đôi chân vòng kiền của phụ nữ châu Á thể hiện nhiều nhất tính khiêu dục. Đã và đang tồn tại những nền văn hoá coi đôi môi sứt có sức hấp dẫn.

* Phải chăng con người bây giờ thấy cái đẹp đang dần biến mất khỏi nghệ thuật và đời sống hàng ngày nên mới tìm kiếm nó ngay nơi thân thể mình?

- Con người luôn diễu cợt mình đến mức quá đáng khi cố gắng vươn tới những mẫu mực về cái đẹp. Có lẽ hiện nay sự tôn sùng một thân hình lý tưởng ngày một tăng lên. Thân thể con người không còn được coi là “toà thiên nhiên” nữa, mà nó được đối xử như một cục đất sét dễ nhào nặn.

* Và phổ biến nhất là hình xăm…

- Đúng vậy. Hè vừa rồi tôi gặp rất nhiều các cô gái trẻ đi xăm hình hổ trên ngực mình. Tôi tôn trọng những gì thể hiện trí tưởng tượng cá nhân cũng như các trào lưu thời thượng. Nhưng từ góc độ thẩm mỹ, tôi thấy xa cách với những thứ như thế. Nếu chúng ta thử lật lại lịch sử nghệ thuật thì xu hướng quan tâm đến bề ngoài và thân hình chiếm ưu thế trong thời kỳ chủ nghĩa suy đồi.

* Trong cuốn sách của mình, Ngài khẳng định rằng, ngày nay trong ý niệm về cái đẹp lý tưởng, sự đa nguyên đang chiếm ưu thế. Nghĩa là thế nào?

- Ngày nay chúng ta biết hết về lịch sử quá khứ, chiếu theo lịch sử ấy, vì vậy có thể là cùng tồn tại bên nhau những vẻ đẹp lý tưởng khác nhau của nhiều thời đại khác nhau. Tôi gọi đó là “đa thần giáo của cái đẹp”.

* Vậy tại sao chúng ta ngày càng khó thống nhất quan niệm về cái đẹp?

- Mọi thời đại và từng thời đại đều coi vẻ đẹp thời mình là tuyệt đối. Ngày hôm nay cũng vậy. Nhưng nói chung thời đại chúng ta rộng mở hơn quá khứ. Trong lịch sử loài người đã có những thời điểm người ta huỷ diệt những tác phẩm nghệ thuật chỉ vì thời đó coi chúng là kinh khủng. Ngược lại, chúng ta muốn bảo tồn mọi thứ.

* Ngài không tán thành sự đa nguyên như thế?

- Đấy là một trong những triệu chứng của nhận thức lịch sử trong chung ta. Nhưng vấn đề ở chỗ khác kia: khách tham quan bảo tàng nhiều khi không quan tâm tìm hiểu vẻ đẹp lý tưởng. Họ đến bảo tàng chỉ vì báo chí bảo họ làm như thế. Ngày nay đối với nhiều người, sự chấp nhận đa chiều đồng nghĩa với sự lãnh cảm.

Sự lãnh cảm đó triệt tiêu sự khác biệt giữa một tác phẩm nghệ thuật đòi hỏi phải tìm hiểu, suy ngẫm và một vật phải đến xem vì nó nổi tiếng. Một nhà sản xuất mỳ ống dùng hình ảnh chiếc cối xay gió cũ để quảng cáo cho sản phẩm của mình. Và bắt đầu một cuộc hành hương thật sự của những kẻ tò mò muốn xem chiếc cối xay gió đó. Lúc ấy đa thần giáo về cái đẹp đã biến thành chủ nghĩa vô thần đối với cái đẹp.

* Cái đẹp lý tưởng nào trong các thời đại khác nhau hấp dẫn ngài nhất?

- Tôi cho rằng, một người có học thì không chỉ có niềm say mê duy nhất nào đó. Tôi có thể thích tranh Rafael, nhưng đồng thời cũng mê tranh Picasso. Do học vấn của mình, tôi nghiêng về nghệ thuật trung đại, và nếu có hỏi tôi muốn được tặng bức tranh của Rubens hay của Breigel, tôi chọn Breigel. Nhưng chẳng hạn như tôi có thích cà vạt sọc thì không có nghĩa là tôi coi cà vạt chấm đen trắng là cái gì đó kinh khủng lắm.

Theo Văn Nghệ - Guardian
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên