26/02/2014 07:56 GMT+7

Ukraine vừa lo ổn định, vừa phải xin tiền

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Quốc hội Ukraine đang vội vã thành lập một chính phủ tạm quyền để lèo lái đất nước trong giai đoạn đầy khó khăn trước cuộc bầu cử tổng thống, dự kiến diễn ra ngày 25-5.

42LKUIKr.jpgPhóng to
Cảnh sát chống bạo động của thành phố Lvov bị bắt quỳ xin lỗi cư dân thành phố hôm 24-2, vì tham gia chiến dịch trấn áp người biểu tình trước đây - Ảnh: Reuters

Theo Hãng tin Reuters, dự kiến Tổng thống tạm quyền Oleksandr Turchinov sẽ sớm công bố thành phần chính phủ mới. Quốc hội Ukraine sẽ bỏ phiếu thông qua việc thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc vào ngày 27-2 để các đảng phái có thêm thời gian thảo luận.

Trước đó Quốc hội đã bổ nhiệm một số vị trí chủ chốt như công tố viên trưởng, lãnh đạo cơ quan an ninh và ngân hàng trung ương... Người đứng đầu Ủy ban bầu cử Ukraine Konstantin Khivrenko cho biết chiến dịch bầu cử tổng thống đã bắt đầu từ ngày 25-2.

Chính phủ mới tại Kiev sẽ phải đối mặt với những thách thức vô cùng to lớn: sự chia rẽ sâu sắc giữa miền đông và miền tây, nền kinh tế đứng trước bờ vực phá sản và những động thái sắp tới của Nga.

Nhiệm vụ xin tiền

Cú ngã của tổng thống Viktor Yanukovych đồng nghĩa với việc Nga ngừng gói hỗ trợ 15 tỉ USD cho Ukraine. Mất nguồn tài chính cần thiết này, các quan chức ở Kiev đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ.

Bộ trưởng Tài chính Yuriy Kolobov đã kêu gọi mở một hội nghị các nhà tài trợ để gây quỹ cho chính quyền Kiev.

AFP cho biết hôm qua Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Anh William Hague đã hội kiến ở Washington để thảo luận kế hoạch hỗ trợ tài chính khẩn cấp cho Ukraine.

Tuy nhiên, một số quan chức Liên minh châu Âu (EU) khẳng định khó có khả năng Mỹ, EU hay quốc gia nào khác sẵn lòng bỏ một số tiền lớn cho Ukraine vay trừ khi Kiev ký vào một thỏa thuận với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhấn mạnh bất kỳ khoản viện trợ nào cũng phải thông qua IMF.

Nhưng theo quy định, IMF chỉ có thể đàm phán các điều kiện cho vay với một chính phủ dân bầu. Các điều kiện này bao gồm những cải cách hết sức ngặt nghèo, ví dụ như chính quyền Ukraine phải cắt giảm tiền trợ giá khí đốt cho người dân.

Điều đáng nói là hiện Ukraine không có nhiều thời gian để chờ đợi. Các nhà kinh tế cho biết nước này chỉ còn lại khoảng 17 tỉ USD dự trữ ngoại hối tính đến cuối tháng 1, và con số này sẽ giảm xuống 12 tỉ USD vào cuối tháng này, trong khi Ukraine sẽ phải trả nợ 13 tỉ USD trong năm nay.

Tổng thống tạm quyền Turchinov cũng thừa nhận Kiev sẽ không có sự lựa chọn nào khác ngoài vỡ nợ nếu không sớm nhận được sự giúp đỡ từ phương Tây.

Một số quan chức EU cho biết điều Kiev có thể làm vào lúc này chỉ là nhờ EU hỗ trợ cho vay những khoản nhỏ tạm giải cơn khát tiền trước mắt.

Dấu hiệu ly khai

Một mối lo khác mà chính phủ mới ở Kiev phải đối mặt là phản ứng từ Nga và nguy cơ chia rẽ từ khu vực miền đông thân Nga.

Theo Itar-Tass, hôm qua Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev lại lên tiếng mô tả cuộc biểu tình thay đổi chế độ ở Ukraine là “cuộc nổi loạn có vũ trang”.

Ông Medvedev nhấn mạnh rằng “có một mối đe dọa thật sự đối với lợi ích của Nga cũng như sự sống của công dân Nga” tại Ukraine.

Bộ Ngoại giao Nga cũng cáo buộc chính quyền mới của Ukraine “thông qua các luật xâm phạm quyền của người Nga và các dân tộc thiểu số”, “có kế hoạch trấn áp người phản đối ở nhiều vùng bằng các biện pháp độc tài, khủng bố”.

Việc Nga cho rằng công dân nước mình ở Ukraine đang lâm vào nguy hiểm chắc chắn sẽ khiến chính quyền mới ở Kiev và phương Tây đặc biệt lo ngại.

Năm 2008, Tổng thống Vladimir Putin đã điều động binh lính và xe tăng tới Gruzia sau khi chính quyền nước này mở cuộc tấn công vùng ly khai Nam Ossetia. Hiện Nga đã công nhận sự độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia và triển khai hàng ngàn binh sĩ tại đây.

Trong những ngày qua, một số cuộc biểu tình phản đối sự thay đổi chính phủ ở bán đảo Crimea, vùng tự trị thuộc Ukraine nhưng có tới 58,8% dân cư là người gốc Nga.

Chủ tịch Quốc hội Crimea Volodymyr Konstantinov cũng đã cảnh báo khu vực này có thể sẽ ly khai khỏi Ukraine nếu tình hình đất nước tiếp tục diễn biến tồi tệ.

Theo Reuters, hôm qua Tổng thống Turchinov tuyên bố sẽ thảo luận với các cơ quan an ninh về “những dấu hiệu nguy hiểm của chủ nghĩa ly khai” tại một số khu vực ở Ukraine, đặc biệt là Crimea.

Báo chí phương Tây cũng bày tỏ lo ngại Nga sẽ công nhận nền độc lập của Crimea giống như những gì đã làm với Nam Ossetia.

Dù vậy, báo New York Times dẫn lời chuyên gia Dmitri Trenin, giám đốc Trung tâm Carnegie ở Matxcơva, nhận định chắc chắn Nga sẽ không can thiệp, dẫn đến nội chiến ở Ukraine, ngay cửa nhà của Nga. Mới đây, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng tuyên bố Nga sẽ không can thiệp vào Ukraine.

Đưa Yanukovych ra tòa án quốc tế

Hôm qua, Quốc hội Ukraine bỏ phiếu thông qua nghị quyết đưa cựu tổng thống Yanukovych ra xét xử tại Tòa án hình sự quốc tế (ICC). Theo Reuters, nghị sĩ Ukraine Hennadi Moskal đã đưa lên mạng một tài liệu tìm thấy trong dinh thự của ông Yanukovych, cho thấy ông này có ý định mở chiến dịch tiêu diệt cuộc biểu tình tại quảng trường Độc Lập. Theo đó, ông Yanukovych ra lệnh huy động 22.000 cảnh sát cùng xe bọc thép bao vây quảng trường Độc Lập. Trên mái nhà, các tay súng bắn tỉa sẽ xả đạn vào người biểu tình.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên