Theo tạp chí Forbes ngày 17-8, Ukraine đang có phần liều lĩnh, trả giá đắt cho việc tấn công và chiếm đóng lãnh thổ Nga tại vùng Kursk.
Cái giá đắt đỏ
Để kiểm soát phần lãnh thổ Nga rộng 520km2 và giằng co thêm 900km2 khác với lực lượng của Matxcơva, Kiev đã phải huy động một lượng quân tương đối lớn: khoảng 6 lữ đoàn, nhiều tiểu đoàn độc lập và các đơn vị hỗ trợ khác.
Con số này được xem là cực kỳ lớn trong bối cảnh quân đội Ukraine cũng đang phải dàn rất mỏng lực lượng để tranh giành với quân Nga từng tấc đất trong lãnh thổ được thế giới công nhận của nước mình.
Tình thế có vẻ bi quan hơn khi con số thiệt hại vật chất Ukraine nhận được tăng vọt từ ngày 6-8, thời điểm Kiev mở chiến dịch tiến công vùng Kursk.
Theo nhóm Oryx - đơn vị chuyên thống kê thiệt hại vật chất mà Nga và Ukraine hứng chịu, trong toàn bộ cuộc xung đột Nga - Ukraine từ cuối tháng 2-2022 đến nay, trung bình mỗi ngày quân đội Ukraine mất một xe tăng và ba phương tiện cơ giới bộ binh.
Tuy nhiên khoảng từ ngày 6-8 đến nay (thời điểm Ukraine xâm nhập và tấn công vùng Kursk của Nga), con số này đã tăng vọt lên mức 4 xe tăng và 41 phương tiện cơ giới bộ binh mỗi ngày. Nói cách khác, Ukraine đang nhận thiệt hại gấp bốn lần về xe tăng và 14 lần về xe bộ binh.
Không chỉ về lượng, thiệt hại trên còn khá tai hại về chất. Ngày 11-8, một đơn vị vận hành máy bay không người lái (drone) của quân đội Nga đăng video cho thấy đã thả đạn tuần kích Lancet nhắm thẳng vào một xe tăng Challenger 2 - dòng xe tăng chiến đấu chủ lực được Anh viện trợ cho Ukraine hồi năm 2023.
Hình ảnh được cung cấp sau đó cho thấy chiếc xe tăng này bị tiêu diệt hoàn toàn. Chiếc Challenger 2 bị trúng đạn thuộc Lữ đoàn tấn công đường không 82 - đơn vị duy nhất được biên chế dòng xe tăng này. Đây mới chỉ là chiếc Challenger 2 thứ hai do Anh hỗ trợ được xác nhận bị tiêu diệt.
Không chỉ Challenger 2, các cuộc tấn công của Nga nhắm vào lữ đoàn này cũng tiêu diệt nhiều xe chiến đấu bộ binh Stryker do Mỹ sản xuất.
Vì sao Ukraine "liều mình chơi lớn" ở Kursk?
Forbes nhận định việc Ukraine sẵn sàng đánh đổi các vũ khí hiếm và giá trị do phương Tây cung cấp cho thấy tầm quan trọng giới lãnh đạo nước này đặt ra cho chiến dịch quân sự tại Kursk.
Nhà phân tích Joni Askola (Phần Lan) nhận định: "Theo dõi các tuyên bố của giới chức Ukraine và thực tế chiến trường, ta ngày càng thấy rõ Ukraine đang muốn thiết lập một vùng đệm ở Kursk, đồng thời giành thêm lợi thế cho những cuộc đàm phán tiềm năng".
Tuy nhiên càng đánh sâu, quân đội Ukraine nói chung và Lữ đoàn 82 nói riêng sẽ càng gặp khó khăn về mặt hậu cần. Việc tiếp tế lương thực, nhiên liệu và đạn dược sẽ càng phức tạp.
Ông Jack Watling - nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu dịch vụ thống nhất Hoàng gia (London, Anh) - cảnh báo: "Đà tiến quân, chiếm đất của Ukraine có hạn và sẽ có lúc trở nên quá sức. Điều này đồng nghĩa Ukraine sẽ cần sớm bắt đầu cố thủ để duy trì vị trí, chờ các hoạt động đàm phán.
Viễn cảnh tốt nhất cho Ukraine là khi các lực lượng của họ cố thủ, quân đội Nga cảm thấy phải chiếm lại lãnh thổ cho bằng được và nhận tổn thất nặng nề".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận