Iryna Murach cùng hai con gái Alisa và Sofiya đi dạo trong một khu phố ở Kiev, Ukraine, ngày 1-6 - Ảnh: REUTERS
Trong lần can thiệp lãi suất đầu tiên kể từ khi quân đội Nga tấn công vào ngày 24-2, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ukraine Kyrylo Shevchenko đã tăng lãi suất chuẩn từ 10% lên 25%.
Chi phí đi vay tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 9-2015 và hiện cao nhất ở châu Âu.
Theo báo Guardian, "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga đã tàn phá nền kinh tế Ukraine. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo nền kinh tế nước này có thể giảm ít nhất một phần ba trong năm nay.
Chiến sự đã buộc các doanh nghiệp phải đóng cửa, cơ sở hạ tầng hư hại và gián đoạn chuỗi cung ứng.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Shevchenko đã kêu gọi đàm phán với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về một chương trình viện trợ mới. Một cố vấn của văn phòng Tổng thống Volodymyr Zelensky đã chỉ trích mức tăng viện trợ này quá cao và gây nguy hiểm cho nền kinh tế trong thời kỳ chiến tranh.
Ngân hàng cho rằng việc tăng lãi suất đáng kể sẽ buộc chính phủ phải tăng lợi tức trái phiếu trong nước, làm cho tài sản được nắm giữ bằng đồng hryvnia hấp dẫn hơn, đồng thời ngăn chặn lạm phát làm xói mòn thu nhập và các khoản tiết kiệm của người tiêu dùng.
Theo ước tính của Ngân hàng Trung ương, lạm phát đã ở mức hai con số trước khi cuộc khủng hoảng bắt đầu và đã tăng lên khoảng 17% vào tháng 5 từ mức 16,4% trong tháng 4.
Lạm phát có thể tăng hơn gấp đôi vào năm 2022, từ 10% vào năm 2021, do chi phí toàn cầu ngày càng tăng và tác động của cuộc chiến đối với mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng trong nước.
Theo một cuộc khảo sát do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Ukraine thực hiện, số lượng các doanh nghiệp nhỏ ngừng hoạt động trong tháng 4 đã giảm xuống 26% từ 73% trong tháng 3.
Lạm phát tăng mạnh ở Thổ Nhĩ Kỳ
Lạm phát ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lên mức cao nhất trong 23 năm qua vào tháng 4, trước khi chiến lược của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan phản tác dụng, khiến lạm phát tiếp tục gia tăng trong tháng 5.
Trong tháng 5, chỉ số giá tiêu dùng tăng 73,5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ tháng 10-1998. Giá thực phẩm đã tăng 91,6% so với cùng kỳ.
Trong tháng 4, chỉ số giá tiêu dùng tăng 69,97% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với mức 61,14% trong tháng 3. Chi phí vận tải tăng mạnh nhất ở mức 105,9%, trong khi giá thực phẩm và các đồ uống không cồn tăng 89,1%.
Việc đồng lira mất giá đã đẩy chi phí nhập khẩu năng lượng lên cao, khiến các nhà đầu tư nước ngoài quay lưng với thị trường mới nổi, từng được đánh giá là đầy hứa hẹn này.
Năm ngoái, tỉ giá đồng lira đã giảm 44% so với đồng USD, trong khi kể từ đầu năm nay, đồng nội tệ đã mất hơn 11% giá trị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận